Thành lập năm 1976 tại Brighton (Anh) bởi nhà hoạt động vì quyền động vật và nhân quyền Anita Roddick, The Body Shop là một trong những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực mỹ phẩm được mô tả là “có đạo đức”, tức không thử nghiệm trên động vật.
Vào thời điểm ra đời, nhiều thành phần mà thương hiệu này sử dụng như bơ, cacao, lô hội, dầu jojoba được xem là kỳ lạ. Các tuyên bố về trách nhiệm với động vật, môi trường và xã hội đã tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới trong lĩnh vực mỹ phẩm và dần được nhiều thương hiệu khác làm theo.
The Body Shop phát triển theo cấp số nhân vào những năm 1980, mở 2 cửa hàng mỗi tháng và niêm yết cổ phiếu vào năm 1984. Tuy nhiên, chuỗi ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt từ những thương hiệu mới.
Chuổi The Body Shop tại Anh phá sản khiến không ít người lo ngại cho hoạt động của thương hiệu này tại Việt Nam |
The Body Shop tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2009, do Công ty TNHH TBS Việt Nam vận hành. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 5,6 tỷ đồng, sau nâng lên hơn 16 tỷ đồng với 100% sở hữu nước ngoài. Hiện chuỗi này sở hữu 40 cửa hàng chủ yếu nằm tại Hà Nội và TP HCM. Ngoài số cửa hàng này, The Body Shop Việt Nam cũng có website bán hàng và kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử.
Theo dữ liệu từ Metric, năm 2023 tổng doanh thu The Body Shop trên 5 sàn thương mại điện tử phổ biến (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) đạt hơn 24 tỷ đồng với 79.000 sản phẩm được bán ra, lần lượt tăng hơn 30% và 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 20/2 vừa qua, tờ The Guardian cho biết The Body Shop sẽ cắt giảm 300 việc làm tại trụ sở chính trong khi gần một nửa trong số 198 cửa hàng ở Vương quốc Anh có thể đóng cửa. Trước đó, ngày 13/2, công ty tư vấn kinh doanh FRP - đơn vị được chỉ định thực hiện thủ tục phá sản của The Body Shop tại Anh, cho biết 198 cửa hàng tại nước này và cửa hàng trực tuyến sẽ tiếp tục hoạt động.
Dự kiến, khi kết thúc quá trình tái cơ cấu, chỉ còn hơn một nửa trong số 198 cửa hàng The Body Shop ở Anh còn mở cửa. “Việc giảm số lượng cửa hàng sẽ đồng nghĩa với việc tập trung đổi mới vào các sản phẩm, kênh bán hàng trực tuyến và chiến lược bán buôn của thương hiệu, đưa thương hiệu này ngang hàng với các đối thủ trong ngành và hỗ trợ sự ổn định tài chính trở lại”.
Một trong những nguyên nhân khiến The Body Shop đi đến phá sản tại Anh là do cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu mỹ phẩm lớn như Estee Lauder, Sephora, Shiseido, Revlon… Ngoài ra, nhiều thương hiệu chú trọng tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của khách hàng cũng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho The Body Shop.
Hoạt động của The Body Shop tại Việt Nam có thể còn mở rộng hơn trong năm 2024 |
Thực tế, giá sản phẩm The Body Shop khá cao so với các đối thủ cạnh tranh. Bù lại, The Body Shop chú trọng sản xuất sản phẩm có dung tích lớn, chất lượng đảm bảo, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng mục tiêu.
Hoạt động kinh doanh tại các thị trường quốc tế khác, trong đó có Việt Nam cũng đang được tái cấu trúc do khó khăn tài chính.
Trước những thông tin này, Tập đoàn InNature Bhd, đối tác nhượng quyền thương hiệu The Body Shop tại Malaysia, Việt Nam và Campuchia, cho biết hoạt động kinh doanh của tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn đang diễn ra tại Vương quốc Anh.
Như vậy, hoạt động của các cửa hàng The Body Shop tại Việt Nam sẽ vẫn diễn ra bình thường, không ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Thậm chí, trong năm 2024, The Body Shop Việt Nam có kế hoạch mở rộng mạng lưới thêm các cửa hàng ở khu vực trung tâm TP HCM và Hà Nội, cũng như tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến vốn đang bùng nổ, đặc biệt thông qua mạng xã hội.