Cách đây mấy năm, mỗi lần về quê Nam Định, tôi đều đi theo tuyến Hà Nội - Phủ Lý - Ninh Bình. Từ TP Ninh Bình về đến quê chỉ còn độ 6-7km.
Đến lúc có đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì quá tốt cho cá nhân tôi, trả tiền (mặc dù nghĩ vẫn hơi cao) và quá nhanh về đến quê. Nếu muốn tiết kiệm thì vấn có khả năng đi theo tuyến cũ. BOT, công tư kết hợp.
Tiền nhà nước có ít, mà lại phải làm nhiều thứ cho xã hội. BOT là đúng và một số nước đã làm khá tốt.
Cũng đường về quê thì một thời gian dài đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ không mất tiền, vì là tiền chi từ nhà nước, nhưng cách đây vài năm được cải tạo, nâng cấp theo BOT thì sau đó thu tiền, mà thu khá cao. Đây là chỗ khó hiểu, vì BOT ở đây không phải làm mới hoàn toàn mà là trên cái nền do nhà nước bỏ tiền làm, nhưng thu tiền sau đó gần như làm mới.
Rồi BOT Bến Thủy, BOT Cần Thơ... và đỉnh điểm là BOT Cai Lậy. Sự không rõ ràng công tư, sự mập mờ công tư ở đây chỉ mang lại lợi ích cho số ít, còn số đông là người đi lại chịu thiệt, mà lại là thiệt vô lý, ấm ức, dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ của các bác tài.
Hô hào tiết kiệm
Rồi đến chuyện sử dụng xe công. Tôi vẫn biết mình là thuộc thiểu số không ủng hộ việc khoán xe công vụ cho các vị thứ trưởng và tương đương, bởi lẽ trong suy nghĩ của tôi, nếu nhà nước quy định thứ trưởng có xe công phục vụ là nhà nước đã tính kỹ phải có thì đương nhiên phải thực thi, còn không thì bỏ luôn.
Tất nhiên dẫn đến khoán là có việc quá lạm dụng xe công vào việc tư dẫn đến một khoản chi khá lớn cho mục này và khoán là loại giải pháp tình thế. Đâm ra lại là câu chyện công tư lẫn lộn.
Biếm họa về lãng phí chi tiêu công trên báo nước ngoài |
Có thể nói ở ta có một mô hình “mẫu mực” về công tư. Hô hào tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, nhưng trong thực tế còn xa mới được như vậy. Hãy xem vài ví dụ đơn giản nhất. Năm hết, tết đến, các cơ quan trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp huyện đều nô nức in thiếp chúc mừng năm mới. Thiếp của sếp trưởng, của sếp phó. Rồi in lịch, lịch dọc, lịch ngang, lịch bàn, lịch bướm...
Tiền công chi vào hai khoản này cũng không ít xét trong phạm vi cả nước mà hiệu quả thực sự gần như là số không. Giá như có quy định in thiếp chúc mừng năm mới không cấm, nhưng xin mời các bác tự bỏ tiền túi ra thì số lượng người đăng ký in tại từng cơ quan sẽ giảm ngay lập tức.
Rồi chuyện sếp mới nhậm chức là thay đổi nhiều thứ, điển hình là trang bị trong phòng làm việc. Mua mới bàn ghế, đồ phục vụ. Chắc hiếm có Giám đốc sở, Thứ trưởng mới đề bạt sử dụng lại bàn ghế người tiền nhiệm, cứ là phải mới, mới tương xứng, mới hên.
Vợ tôi làm việc cho một tổ chức nước ngoài tại Hà Nội kể là hơn chục năm qua, loanh quanh 4 đời viện trưởng rồi nhưng vẫn dùng bộ bàn ghế có từ thời vị viện trưởng đầu tiên. Quả là đáng nể. Rồi nhân viên của viện đi máy bay, kể cả lãnh đạo thì điểm thưởng hàng không thuộc về viện chứ không thuộc về cá nhân như kiểu Việt Nam ta. Quá là rành mạch công tư, đi máy bay là tiền công thì điểm thưởng cũng thuộc về công.
Tôi biết có vị bộ trưởng ở ta mới nhậm chức thì riêng phòng làm việc của vị này văn phòng bộ chạy theo gần như trong cả năm đầu: Bố trí lại cửa ra vào theo phong thủy, tức là có đập đi, làm mới; bàn ghế mới, đồng hồ treo tường mới, tóm lại mới tất, mà riêng cái ghế ngồi thay độ 4 hay 5 lần vì chưa ưng ý; riêng cái thảm chùi chân thay 3 hay 4 lần mới tạm ổn màu ưng mắt. Quá tốn kém và quá kiểu cách, phô trương, còn bảo ai tiết kiệm nữa.
Rồi câu chuyện công tư, tiết kiệm xét dưới khía cạnh đi công tác. Tôi nhớ, thời bao cấp mà đi công tác địa phương, cái lo nhất là lo có tem gạo lẻ mang theo vì ra cửa hàng lương thực xin đổi rất khó khăn.
Về địa phương, báo cơm ăn thì ngoài nộp tiền mấy hào còn phải nộp 250g tem gạo một bữa. Quá chuẩn. Không nộp tem gạo thì lấy đâu ra gạo nấu cơm phục vụ bác. Bây giờ thì trung ương về tỉnh, tỉnh lo hết. Tỉnh về huyện, huyện bao hết và huyện về xã, xã bao hết. Bao ăn, ở, đi lại và lúc về có khi lại có phong bao, có quà đặc sản địa phương.
Tất cả những cái này có lớn không, chắc một đống tiền. Ai trả, cũng ngân sách nhà nước cả. Chính thức ngân sách không có chi mục này, đâm ra lại phải biến báo, mà đã biến báo thì lại càng láo nháo trong số tiền thực chi ra. Đâm ra cả hệ thống cùng nói dối và dạy nhau cách nói dối thông minh.
Học các nước
Riêng mục công tư rạch ròi, tiết kiệm thì Việt Nam ta còn phải học các nước dài dài. Rõ ràng các khoản mục chi tiêu và đặc biệt có sự giám sát, kiểm tra từ bên ngoài. Phần lớn các nước đều phân biệt rõ chi tiêu cho công vụ, ai lạm dụng là bị tuýt còi ngay. Tất nhiên cũng thỉnh thoảng họ phát hiện vụ này, vụ kia lạm dụng xe công đi nghỉ mát với gia đình, nhận tiền chi cho các ngày họp theo quy định nhưng thực tế không họp, đi máy bay tiền công nhưng cho mục đích cá nhân...
Cứ cuối năm là Văn phòng Thủ tướng Liên bang Đức lại tổ chức bán các đồ mà Thủ tướng và thành viên Chính phủ liên bang nhận được dưới hình thức quà tặng liên quan tới công việc của mình và có giá trị từ 25 EUR trở lên trong năm.
Quà này về hình thức đúng là của các vị này, nhưng sâu xa ra mà xét thì không phải và vì vậy tốt nhất là bán lấy tiền sung công. Quá rạch ròi công tư.
Nói tiết kiệm, chi tiêu công hợp lý là cần những con số cụ thể. Rất ấn tượng với con số 20.000 tỷ đồng có được qua giảm biên chế trong 2 năm đủ để chi cho khoản giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành do Trưởng Ban Tổ chức TƯ đưa ra.
Cũng rất ấn tượng là chỉ đạo từ Thủ tướng năm nay cũng không đi chúc tết theo kiểu “hành chính truyền thống” nữa. Miễn chúc tết, miễn in lịch năm mới, không khó để tính ra con số tiết kiệm.