Tiết lộ của người “trong nghề”
Thời tiết chuyển mùa là thời điểm làm ăn của những cửa hàng quần áo trẻ em. Nếu như việc kinh doanh buôn bán quần áo thời trang cho người lớn, người bán luôn phải lo đến việc hàng bị lỗi mốt, thì buôn bán quần áo trẻ em được coi là một phương án kinh doanh an toàn hơn rất nhiều. Chỉ cần một chút mánh lới là có thể “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
Trên hầu hết các tuyến phố Hà Nội, rất dễ bắt gặp các cửa hàng với biển quảng cáo "Thời trang trẻ em Made in Vietnam", "Thời trang Made in Vietnam", “thời trang trẻ em chất lượng cao”... Thậm chí, có không ít mẫu mã được dán nhãn Made in Vietnam nhưng lại có xuất xứ từ... ngoài nước.
Hiện giá một bộ quần áo trẻ em thuộc dòng trung, cao cấp đắt ngang, thậm chí còn "vượt mặt" các sản phẩm dành cho người lớn. Một chiếc váy liền thân dành cho bé gái 4 tuổi, hàng nhập khẩu, giá bán khoảng 250.000-350.000 đồng/chiếc; hàng sản xuất trong nước dao động 120.000-180.000 đồng/bộ, tùy theo lứa tuổi.
Quần áo, Trung Quốc, made in Vietnam |
Theo chủ một số cửa hàng, do thị trường hiện nay ưa chuộng hàng Việt, nhất là thời trang trẻ em, nên muốn kinh doanh tốt, một số cửa hàng cố tình dán mác hàng Việt cho sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc để dễ tiêu thụ và bán được giá cao. Một số mặt hàng thời trang trẻ em trong nước cũng bị làm nhái bởi lòng tham của một số tiểu thương.
Chỉ cần gắn thêm nhãn mác của các hãng nổi tiếng là quần áo trẻ em hàng Trung Quốc đã được "phù phép" thành hàng xịn và bán với giá "trên trời".
Chị Ngọc Anh, người đã từng mở cửa hàng bán quần áo trẻ em tiết lộ, hầu như tất cả các quần áo trẻ em trên thị trường hiện đều có nguồn gốc "made in China". Nhiều cửa hàng cao cấp tranh thủ lấy vải và mẫu hàng từ Quảng Châu, rồi may lại ở trong nước để biến thành "made in Vietnam". Một số hàng cao cấp gọi là "Made in Cambodia, Thailand, Singapore" cũng là từ Quảng Châu.
“Nhiều cửa hàng sang tận Quảng Châu (Trung Quốc) nhập hàng, rồi mất chưa đến 1 phút cho việc gắn mác là hô biến hàng giá rẻ thành hàng “xịn” ngay. Giờ những cửa hàng quần áo trẻ em có đến ít nhất 50% là hàng “hô biến” theo kiểu ấy
Nhiều cửa hàng bán quần áo xuất khẩu, “Made in Vietnam” đều bị trà trộn rất nhiều mặt hàng gia công trong nước và hàng Trung Quốc rẻ tiền. Khách hàng phải mua theo cảm tính, sờ chất vải tốt, mẫu mã đẹp, chứ chỉ nhìn vào mác, tag thì khó lòng biết được đấy có phải là hàng cao cấp xuất khẩu của các hãng thời trang “xịn” trên thế giới hay không?... ”, chị Ngọc Anh cho biết thêm.
Không khó để mua được mác quần áo "hàng xịn" tại phố Hàng Bồ. |
Hành trình của những chiếc mác “xịn”
Phố Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được biết đến như "thiên đường" của phụ kiện may mặc. Tại đây, người ta có thể mua được bất cứ một thứ đồ nào đó liên quan đến ngành may mặc như kim chỉ, các loại cúc áo, cúc quần, các loại chun, ren và hoa vải trang trí... với mức giá khá mềm.
Đặc biệt, mác quần áo của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới được bán tràn lan với giá khá "bèo", chỉ từ 10 đồng đến 50 đồng một chiếc. Đây là nguồn cung cấp mác hàng hiệu cho phần lớn cơ sở may công nghiệp, các shop quần áo thời trang tại Hà Nội
Một cuộn mác gồm 500 chiếc của nhãn hiệu Levis's được bán với giá 70.000 đồng. Trong khi đó, loại mác phụ gắn trong áo đề dòng chữ "Made in Vietnam" chỉ có giá 50.000 đồng cho 500 chiếc.
Theo một người bán hàng tại khu phố này, vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng săn hàng Việt Nam xuất khẩu, thì mác áo đề chữ "Made in Vietnam" luôn trong tình trạng cháy hàng.
“Giờ muốn mua được quần áo trẻ em “hàng Việt Nam chất lượng cao” xịn cũng khó lắm. Quần áo Trung Quốc, quần áo may gia công,… đều được “sang tên đổi họ” thành hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhà tôi cứ in ra bao nhiêu cái mác “made in Việt Nam” cũng bán vèo cái là hết. Chủ các shop thời trang trẻ em thường xuyên đến đây đặt in mác”, chị Hường, bán phụ kiện may mặc ở phố hàng Bồ cho biết.
“Mấy năm nay tôi toàn mua quần áo cho cả nhà với mấy đứa trẻ ở các cửa hàng Made in Vietnam vì tin tưởng chất liệu tốt và an toàn hơn hàng Trung Quốc. Nhưng bây giờ ngày càng có nhiều cửa hàng lợi dụng tâm lí khách hàng trà trộn hàng gia công Trung Quốc, cắt và thay nhãn mác. Thới buổi này thật giả lẫn lộn hết, chỉ khổ người tiêu dùng chúng tôi…”, chị Thu (Cầu Giấy, HN) phàn nàn.
Các bác sĩ tại bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, việc mặc quần áo không đảm bảo chất lượng rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nhất là nguy cơ gặp phải quần áo chứa chất cấm là rất lớn, một trong những chất cấm gây ảnh hưởng lớn đến trẻ nhỏ là Formaldehyde
“Formaldehyde là chất chuyên được sử dụng trong việc bảo quản mô. Ở thể khí, loại chất này có thể gây ngạt thở, dẫn đến tử vong. Khi formaldehyde tồn đọng trong đồ vật, có thể nồng độ không cao nhưng vẫn gây ra hiện tượng viêm da dị ứng và kích ứng”, một bác sĩ cho biết.
Để tránh tình trạng mua phải hàng Trung Quốc gắn mác hàng xịn, người tiêu dùng nên đến những cửa hàng có uy tín, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các nhãn hàng,... Hãy là những người tiêu dùng thông thái để luôn giữ an toàn cho sức khỏe của chính mình và những người thân.