“Họ thể hiện nghĩa khí, tinh thần hào hiệp vì việc chung, nhiều người bỏ thời gian, công việc, cơ hội kiếm sống để tham gia tích cực vì bình yên chung cho TP. Và điều đau xót của chúng ta là họ đang hoạt động nhưng họ không chính danh”- Giám đốc Công an TP.HCM nói.
Nhiều mặt trái trong hoạt động
Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, các câu lạc bộ phòng chống tội phạm hay mọi người thường gọi với cái tên “hiệp sĩ đường phố” đã có từ nhiều năm trước và Công an TP.HCM cũng nắm bắt hoạt động.
Theo Giám đốc Công an TP.HCM, hoạt động của các "hiệp sĩ đường phố" hiện còn tồn tại nhiều mặt trái. Ảnh NT. |
Nói về tính hai mặt của những người này, ông Phong cũng dẫn ra những trường hợp mà chính các “hiệp sĩ đường phố” bị “gài” để rồi có thể mắc vào tội cưỡng đoạt tài sản. “Chúng tôi ghi nhận vụ việc xuất phát từ Bình Dương. Bị người ta gài, trong khi tranh chấp dân sự. Có nhiều trường hợp không phải cố ý mà do thiếu kiến thức gây ra những tác hại và những tác hại này ảnh hưởng lây tới công an.” – ông thông tin.
Theo Công an TP.HCM bên cạnh việc bắt nhầm, thì một số vụ việc bắt đúng nhưng xử lý không tốt gây ra hậu quả chết người. Và điển hình là vụ trộm cắp ở quận 3 và xảy ra vụ giết người ở quận 10 mới đây.
Trước đó, nhóm hiệp sĩ Tân Bình trong lúc khống chế trộm đã bị tấn công khiến 2 người tử vong. Ảnh HT. |
Giám đốc Công an TP.HCM nói rằng phải giải quyết những thiếu hụt cho lực lượng tự phát này. “Họ thiếu hụt về trang bị, thiếu hụt về kiến thức. Tuy nhiên, hiện tại chưa trả lời được câu hỏi là ban hành quy định gì cho mô hình này. Xung đột cốt lõi ở đây.
Trong khi tất cả mô hình của chúng ta hiện nay là mô hình cố định, nằm trên địa bàn do địa phương quản lý. Tuy nhiên, mô hình hiệp sĩ là mô hình lưu động cho nên giao chỗ nào quản lý cũng được vì họ đem theo đối tượng thì họ có thể xử lý ở khắp nơi” – ông tiếp.
Thực tế cho thấy, một số người dân có năng khiếu trong việc phát hiện tội phạm xâm phạm sở hữu trên đường phố. Trong khi họ dũng cảm, tích cực và tình nguyện thì nên được khuyến khích. Công an TP.HCM cũng phân tích về những yếu tố rủi ro và công tác quản lý, tổ chức cho lực lượng tự phát này hoạt động an toàn và quan trọng nhất là không vi phạm pháp luật.
Gỡ vướng cho mô hình “hiệp sĩ đường phố”
Giám đốc Công an TP.HCM cũng bày tỏ trăn trở. “Hiện nay, thừa nhận là đang tranh cãi với nhau. Điều lớn nhất là không có quyết định nào để công nhận họ. Và điều đau xót của chúng ta là họ đang hoạt động nhưng họ không chính danh”- ông nói.
Hiện tại Công an TP. đang đề nghị Bộ Công an theo hướng xem xét trong các quy định pháp luật hiện hành để lực lượng này có thể hoạt động một cách chính danh. Theo đó, ý tưởng đặt ra được Giám đốc Công an TP.HCM nhắc đến: “Xem họ như mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận vì mình có dịch vụ công ty bảo vệ. Trên cơ sở này mới có tư cách pháp lý để công an đào tạo họ và cho phép họ sử dụng một số công cụ hỗ trợ nhất định.
Mô hình "hiệp sĩ đường phố" đã được một số cơ quan báo chí nhắc đến trong buổi gặp mặt với Công an TP.HCM ngày 5/1. Ảnh NT. |
Huấn luyện, hướng dẫn để họ trở thành cánh tay nối dài, tai mắt, là cộng sự của công an nhưng họ phải tuân thủ pháp luật”.
Công an TP.HCM cũng cân nhắc rằng, người tham gia cũng xác định đã muốn làm hiệp sĩ là nguy hiểm và phải có những giới hạn. Người tham gia cần hiểu quyền, pháp lý và năng lực của mình ở nhiều vụ việc tới đâu là dừng, phải báo công an và sự hiện diện của công an.
Và điều quan trọng nhất, dù mô hình nào đi nữa cũng phải tuân thủ pháp luật, người tham gia phải được huấn luyện các kỹ năng để giảm thiểu rủi ro. “Ngay như với hình sự đặc nhiệm, năm nào cũng có vài trường hợp bị thương; cũng có những trường hợp phải chịu thua đối tượng. Theo tôi nếu bộ chấp nhận kiến nghị của Công an TP.HCM mới có cơ sở pháp lý để giải quyết căn cơ” – Giám đốc Công an TP.HCM nói.
Theo Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, hiện công an đã nắm bắt hoạt động của các mô hình tự phát với tên gọi "hiệp sĩ đường phố". Ảnh NT. |
Theo Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 83 loại mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự. Với các mô hình tự phát trên địa bàn TP.HCM có 4 nhóm mô hình tự phát và tên thường gọi là “hiệp sĩ đường phố”.
“Công an TP.HCM đã nắm danh sách, chỉ đạo các công an quận huyện quản lý để có hướng huấn luyện để anh em có các kỹ năng trong quá trình hoạt động phòng chống tội phạm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”.