Ông Hợp bàng hoàng khi biết con dâu cả đã khai tử ông và vợ để hưởng thừa kế nhà, đất. Ảnh: Hoàng Linh. |
Chia sẻ với Zing, ông Hợp cho biết năm 1998, ông chia cho con trai cả tên Tiến mảnh đất nói trên sau khi con lập gia đình. Đến năm 2005, ông Tiến qua đời do bạo bệnh. Lúc đó, bà V. (vợ ông Tiến) và 2 con gái ở lại trong ngôi nhà 3 tầng được xây trên mảnh đất này.
Sau khi chồng mất, bà V. đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội kê khai giấy tờ và làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm một nửa quyền sở hữu nhà và một nửa quyền sử dụng đất. Các thủ tục được 2 con gái đồng thuận.
Theo thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú thuộc Phòng Công chứng số 3 Hà Nội ký duyệt nêu rõ: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.
Về người thừa kế, thông báo của phòng công chứng liệt kê gồm bà V. và 2 con gái. Sau khi nhận được văn bản, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở. Đáng chú ý, trong đó có nội dung ghi ông bà Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết.
Ông Hợp cho biết những việc làm của con dâu cứ thế trôi qua một cách lặng lẽ. Ông Hợp cùng vợ và toàn bộ anh em, họ hàng (trừ bà V. và 2 con gái của bà này) không ai hay biết.
Đến năm 2015, chị Mai (con gái cả của bà V.) bất ngờ gặp ông Hợp và thông báo bà V. đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho người khác.
"Lúc đó, tôi hoàn toàn sốc khi nhận tin của cháu gái bởi tài sản nhà và đất của mình, dù chưa chia thừa kế nhưng con dâu đã làm sổ đỏ", ông lão gần 90 tuổi chia sẻ.
Ra UBND phường tìm hiểu, ông Hợp gần như ngất xỉu khi biết trong thông báo về việc khai nhận di sản có nội dung ghi bản thân ông và bà An "đã chết". Sau đó, ông lão biết được chính bà V. đã khai tử bố mẹ chồng khi làm giấy tờ tại Phòng Công chứng số 3, Hà Nội.
Chưa kịp đòi lại quyền sở hữu nhà và đất thì cùng trong năm 2015, ông Hợp và bà An tiếp tục nhận cú sốc thứ 2 khi biết bà V. đã hoàn tất thủ tục bán tài sản cho vợ chồng chị T.H. (ở quận Ba Đình). Khi đó, sổ đỏ mới của ngôi nhà đã mang tên chị H. và chồng.
"Chủ mới nhiều lần đến thương lượng để được vào ở, nhưng vợ chồng tôi cùng con cái không đồng ý do việc làm của bà V. là trái pháp luật", ông Hợp nói và cho biết hiện ngôi nhà và mảnh đất xảy ra tranh chấp đang bị cháu gái sử dụng.
Ông lão tỏ ra buồn bã khi 5-6 năm gần đây, bà V. "đi biệt tăm, không còn qua lại với bố mẹ chồng để giải quyết tranh chấp".
Nội dung ghi ông Hợp và bà An đã chết trong thông báo do con dâu kê khai. Ảnh: Hoàng Lam. |
Tháng 4/2017, vợ chồng chị T.H. làm thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch với bà V. ra TAND Hà Nội.
Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Hợp và vợ cũng ủy quyền cho con gái là Đỗ Thị Huyền tham gia tố tụng. Theo nguyện vọng, ông lão mong muốn tòa tuyên hủy mọi giấy tờ do bà V. lập ra để hưởng thừa kế khu đất, đồng thời trả lại toàn bộ nhà và đất cho ông Hợp và vợ.
Cán bộ phường nói có sơ suất
Trao đổi với Zing, Chủ tịch HĐND phường Nhật Tân Nguyễn Văn Thành cho biết lúc ông là cán bộ tư pháp của địa phương, thời điểm năm 2015, sau khi phát hiện sự việc, gia đình cụ Hợp đã gửi đơn yêu cầu phường, quận, Sở Tư pháp và UBND TP Hà Nội giải quyết. Tiếp đó, Thanh tra Sở Tư pháp cũng vào cuộc kiểm tra.
Theo ông Thành, ngôi nhà xảy ra tranh chấp mang tên 2 vợ chồng ông Tiến và bà V. Năm 2005, chồng qua đời nên bà V. đến phòng công chứng khai nhận di sản thừa kế. Khi làm giấy tờ, bà V. khai với phòng công chứng là bố mẹ chồng đều đã chết.
"Không biết thế nào nhưng phòng công chứng lại làm đúng theo như vậy", ông Thành nói và cho hay sau đó, đơn vị công chứng gửi thông báo chuyển về phường. Trong đó ghi bà V. và chồng có tài sản nhà đất, ông Tiến chết và có nội dung ghi chung chung là bố mẹ ông Tiến cũng đã chết.
Ông Thành chia sẻ thời điểm đó, thông báo được niêm yết tại trụ sở UBND phường theo quy định. "Trách nhiệm của anh là niêm yết 30 ngày, nếu có đơn thư thì báo lại cho phòng công chứng. Nếu có khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến nội dung thì xác nhận việc đó", vị cán bộ phường nói thêm.
Sau một tháng không xảy ra khiếu nại liên quan đến thông báo nhận di sản thừa kế được lập cho bà V., UBND phường Nhật Tân đã báo lại cho phòng công chứng để ký duyệt thông báo. Ông Thành giải thích theo Thông tư số 3/2001 của Bộ Tư pháp, trách nhiệm của cấp cơ sở là niêm yết công khai văn bản, không có quy định rõ ràng là phường phải đi xác minh.
Sau khi vụ việc xảy ra, ông Thành nói "cảm thấy rất tiếc vì trong quá trình công tác, sai thì không sai nhưng có sơ suất" và thừa nhận cán bộ tư pháp phường có một phần trách nhiệm.
Ngôi nhà và mảnh đất xảy ra tranh chấp thường xuyên khóa cửa, bên ngoài dán giấy ghi do đang tranh chấp nên không mua bán, chuyển nhượng. Ảnh: Hoàng Lam. |
Tuy nhiên, ông Thành thắc mắc vì sao Phòng Công chứng số 3 Hà Nội lại xác nhận tình trạng vợ chồng ông Hợp đã chết mà không cần có giấy chứng tử.
"Quy định của pháp luật không có chuyện cam đoan miệng là 2 cụ đã chết. Khi chết thì ít nhất phải có bản sao hoặc có chứng nhận của chính quyền địa phương", nguyên cán bộ tư pháp phường Nhật Tân nhấn mạnh.
Sau vụ việc hy hữu nói trên, ông Thành cho biết hiện chính quyền địa phương đã có thêm nhiều biện pháp khác đối với sự việc tương tự. Cụ thể, UBND sẽ niêm yết và thông báo qua hệ thống truyền thanh. Ngoài ra, nhiều trường hợp phải xác minh tài liệu liên quan.
Ngày 21/7, Zing liên hệ với ông Nguyễn Thanh Tú, người từng phụ trách hồ sơ công chứng khi bà V. đến làm thủ tục, ông này từ chối trao đổi trực tiếp vì "đã có văn bản gửi cho tòa và các bên liên quan".
Trong khi đó, theo văn bản ghi ý kiến của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội gửi tòa án, người đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Thị Mai Lan cho biết ông Tú công tác tại đơn vị này giai đoạn 2000-2008. Hiện, ông Tú không còn tại vị nên cơ quan công chứng không có ý kiến gì thêm.