Đang khỏe mạnh, ông Gắng mắc ung thư dạ dày. Bán hết của nả chữa bệnh cho chồng nhưng ông không qua khỏi. Bao nhiêu tình thương, bà dồn hết cho Khảng, cậu con trai duy nhất. Hàng ngày, bà tần tảo vun xới vườn tược lấy tiền cho con ăn học.
Khảng đỗ đại học Nông nghiệp. Để có tiền gửi cho con hàng tháng, bà phải bóp mồm bóp miệng. Có tháng vì bão gió không thu hoạch được gì, lo con không có tiền ăn tiêu, học hành, bà phải vay nặng lãi. Nhưng tuyệt nhiên, bà không bao giờ cho con biết những điều ấy.
Mỗi lần con về, bao giờ bà cũng tỏ ra đủ đầy, cho con vừa "được ăn được nói vừa được gói mang đi". Góa chồng sớm, nhiều người đàn ông muốn đến nhưng bà đều từ chối. Khi con trai ra trường, bà muốn con về huyện nhà làm việc, nhưng cậu trả lời xanh rờn:
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Thấy con quay lưng lại nơi chôn nhau cắt rốn, dù đau lòng, nhưng bà chỉ biết thở dài chấp nhận. Để có tiền chạy việc, còn ít tiền lo lúc trái gió trở trời, bà đưa hết cho con. Năm sau, Khảng lấy vợ. Ngày con dẫn bạn gái về, bà không đồng ý. Bà bảo với con trai:
- Trông mặt mà bắt hình dong. Mẹ sợ đôi mắt rắn của bạn gái con. Mắt lúc nào cũng đảo điên, miệng liến thoắng, rồi cô ấy sẽ làm chồng con đấy!
- Mẹ biết xem tướng từ bao giờ đấy? Cô ấy là người tốt! Mẹ yên tâm đi!
Thấy con quyết tâm, bà không ngăn cản nữa. Bà biết tính con trai, đã thích cái gì là làm bằng được. Dù nghèo, nhưng đám cưới con bà cũng lo chu tất. Từ ngày có vợ con, Khảng hầu như không về thăm mẹ. Tuần vài lần Khảng hỏi thăm qua điện thoại của người bác họ.
Bà mừng cho con đã yên bề gia thất. Đêm đêm, bà thắp hương khấn chồng phù hộ con cháu. Thấm thoắt bà đã qua tuổi 60. Một mình đánh vật với vài sào vườn và mấy sào lúa, người bà ngày một quắt lại như tàu lá chuối khô. Đêm đến, vò võ một mình, bà mới thấy tủi, thấy cô đơn.
Thế rồi, làng mở chợ, con đường cắt ngang sào đất nhà bà. Thế là giá đất lên vùn vụt. Người ta mua để mở cửa hàng. Vợ chồng con trai tức tốc về. Họ bàn với bà bán hết đi để mua đất Hà Nội xây nhà. Không đồng ý, bà nhẹ nhàng nói với các con:
- Đây là đất ông bà ngoại để lại. Ông bà chỉ có mình mẹ. Bán đi, cúng ông bà ở đâu?
- Nhà ở Hà Nội cũng là nhà của ông bà. Mẹ tha hồ thờ cúng. Mẹ trăm tuổi, chúng con thờ cúng chứ ai?
- Nhà con nói đúng đấy mẹ ạ! Mẹ ngày một già, lúc khỏe đã vậy, lúc yếu đau ai chăm nom. Chúng con đi làm cũng không yên tâm. Mà về luôn thì không có điều kiện.
- Để mẹ nghĩ! Bà trả lời.
Sau đấy, tuần nào Khảng cũng về thúc giục. Nhưng bà Chương vẫn lưỡng lự. Khi biết mẹ chưa đồng ý, để tạo sức ép, cả năm vợ chồng Khảng không chạy về thăm nom, hỏi hản mẹ. Có lần bà ốm nằm viện một tuần. Biết tin, cô con dâu thủng thẳng:
- Cứ ở đấy mà bám quê. Xem ma mèo nào nó chăm! Người ta muốn bỏ ao ra bể, mình không thích bể thì cứ bám lấy ao tù cho biết thân!
Cây có một cành, trẻ cậy cha, giờ già cậy con. Nghĩ thế, bà Chương đành chấp nhận kế hoạch của con. Hôm ấy, nhà bà vui như hội. Con trai, con dâu cười nói hả hê. Cô con dâu mua cả thuốc bắc sắc cho bà uống. Rồi thuốc chống đột quỵ của Hàn Quốc. Họ hàng, làng xóm đến chơi, ai cũng bảo bà tốt phúc vì có cô con dâu thảo lảo.
Đất nhà bà nhanh chóng bán hết. Rồi bà khăn gói lên thủ đô ở với con. Căn nhà 4 tầng khang trang được mua nhanh chóng. Sổ đỏ mang tên con trai, con dâu. Cũng từ ngày ấy, bà sống trong địa ngục. Anh con trai đi làm tối ngày.
Giờ bà mới hiểu bộ mặt thật của con dâu. Cứ đi về là chị ta lại chửi chó mắng mèo. Có lần cháu khóc chưa đổ được rác, nó quét nhà hất rác vào người bà. Bữa ăn, nó lườm nguýt, bắt bà ăn thức ăn cũ bữa trước. Có lần chồng đi công tác, con dâu xỉa xói:
- Nhà này không nuôi ngữ ăn bám! Nhìn thiên hạ kia kìa, già rồi vẫn làm ra tiền cho con cháu.
Tối đến, bà phải trông cháu đến khuya để con dâu chat chít. Nhưng cứ khi có chồng về, con dâu bà lại xởi lởi. Thế nên, bà có kể xấu con dâu, con trai bà cũng không tin. Mà khổ nỗi, con trai bà cũng té tát mắng mẹ như trẻ chăn trâu, đi về không chào hỏi mẹ. Có lần bà ốm, nó bảo:
- Bà mà ốm liệt giường là không ai chăm đâu. Liệu liệu đấy!
- Già rồi, có ai muốn thế đâu con. Ai mà chả muốn đau một giây chết một giờ!
Bà ngậm ngùi nghĩ: "Con bà có thương bà đâu/Để cho chàng rể nàng dâu thương cùng". Một buổi sáng, bận lấy cháo, đứa cháu bị ngã sưng trán. Nhân "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", vợ chồng con trai đuổi bà ra khỏi nhà. Con dâu gói quần áo của bà vứt ra sân cùng câu nói phũ phàng:
- Nuôi ong tay áo! Đúng là của nợ!
Về quê giờ không tác đất cắm dùi, sợ mọi người dị nghị, bà về nội thành Hải Phòng thuê nhà trọ, ngày ngày nhặt rác kiếm sống. Nhiều người già lấy đó là bài học thấm thía cho mình!