Nhiều trang mạng đang rao bán các loại dầu gội khô từ các sản phẩm có thương hiệu đến hàng handmade với những lời quảng cáo rất ấn tượng như: “Dầu gội khô làm sạch hoàn toàn mà không cần dùng đến nước. Được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện tại Mỹ. Cách dùng: xoa dầu gội lên tóc cho ướt, massage tóc tạo bọt, lau lại bằng khăn khô”.
Nhiều loại dầu gội khô đang được rao bán trên mạng. Ảnh chụp màn hình. |
Để tiết kiệm thời gian cho việc gội đầu, nhiều người đã sử dụng giải pháp dùng dầu gội khô và cho rằng như vậy là rất tiện lợi. Tuy nhiên sự thực về việc không gội lại bằng nước khi dùng dầu gội khô ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thì nhiều người vẫn chưa nắm bắt được.
Theo tư vấn của chị Lâm, chủ cửa hàng bách hóa mỹ phẩm trên đường Xuân Thủy, Cầu giấy, Hà Nội: “Ở đại lý tôi cũng có bán rất nhiều loại dầu gội khô, tuy nhiên khi bán cho khách hàng tôi đều tư vấn kỹ cho họ biết rõ về loại sản phẩm này. Thực ra dầu gội khô rất kỵ với tóc gầu, nếu những ai có da đầu khô và thường xuyên bị gầu thì không nên sử dụng sản phẩm này. Dầu gội khô giúp thấm dầu thừa trên tóc nhưng không có chức năng làm sạch bụi bẩn như dầu gội bình thường. Bụi bẩn tích tụ lâu ngày sẽ bít lỗ chân tóc khiến tóc không được nuôi dưỡng so với việc bạn dùng dầu gội bình thường. Bên cạnh đó, dầu gội khô dạng xịt nên nếu dùng nhiều mà không phân tán đều trên tóc sẽ khiến tóc bạn dễ bắt bụi khi đi ra ngoài”.
Là một trong những người thường xuyên sử dụng dầu gội khô, bạn Lê Quỳnh (22 tuổi, Hải Dương) chia sẻ: “Có đợt bị ốm nặng phải nằm viện, các bác sĩ cũng khuyên không nên tắm và gội đầu nhiều. Lên mạng có thấy rao bán loại dầu gội không cần gội lại bằng nước nhưng vẫn sạch nên mình có mua một lọ về dùng thử. Sau đợt đấy thấy cũng tiện lợi nên mình quyết định đổi sang dùng dầu gội khô luôn. Tuy nhiên, có lần da đầu ngứa nhiều, tóc bị rụng rất nhiều, mình còn sợ bị ung thư. Nhưng sau đi khám da liễu bác sĩ mới bảo là da đầu bị dị ứng bởi hóa chất lạ. Lúc đó mình nghĩ ngay đến loại dầu gội khô đang dùng. Có thể do dùng nhiều quá nên hóa chất mới gấm dần dần vào da gây dị ứng. Sau lần đó mình cũng tạm biệt loại dầu “tiện lợi” này luôn”.
Đối với việc làm dụng dùng dầu gội khô thay thế dầu gội bình thường, các chuyên gia về dược liệu cho biết, dầu gội khô được khuyên chỉ sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp không kịp gội đầu trước khi ra ngoài, cơ thể đang có bệnh không tiện gội ướt, phụ nữ sau sinh… Sau đó, vẫn phải dùng dầu gội nước mới rửa trôi được bụi bẩn trên da đầu. Chính vì thông tin ghi trên nhãn phụ sản phẩm quá ít, người bán hàng lại tư vấn theo kiểu “bán cho được sản phẩm” nên không ít người tiêu dùng ngộ nhận.
Theo đó, thông tin trên báo chí, Bác sĩ chuyên khoa da liễu Trần Thế Viện khuyến cáo: “Dầu gội khô có thể chứa thành phần độc hại vì thế khi người tiêu dùng lựa chọn dầu gội khô, hãy chú ý đến thành phần. Các nhãn hàng không uy tín hay sản phẩm rẻ sẽ chứa nhiều nhôm gây hại cho sức khỏe. Việc lạm dụng quá nhiều dầu gội khô có thể khiến mái tóc khô, da đầu bị tổn thương do hóa chất dẫn đến rụng tóc và kém bóng mượt”.