Có nên cho trẻ tu học theo Mật tông?
Cần tu tập đúng pháp, hợp căn cơ và tuổi tác, theo trình tự từ thấp đến cao.
HỎI: Cháu tôi từ 3 tuổi đã có duyên lành tiếp xúc với đạo Phật. Nay cháu được 13 tuổi, có biểu hiện rất đam mê về Mật tông của Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là cháu rất thích đọc các mật chú và vẽ hình ảnh của chư Phật, Bồ-tát trong Mật tông.
Nhiều người bảo tôi rằng, cho cháu tiếp xúc với Mật tông quá sớm sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma”, khiến dễ bị điên loạn. Những người khác thì lại bảo cháu có phước duyên rất lớn với pháp môn này. Vậy tôi nên làm thế nào? Có nên cho cháu tiếp tục gieo duyên với Mật tông hay không?
(HUY HOÀNG, tranhuyhoang99989@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Huy Hoàng thân mến!
Theo Phật giáo, nếu kiếp trước mình đã tạo nghiệp nhân hay huân tập một việc gì đó đến nhuần nhuyễn và thuần thục thì dấu ấn của quá khứ dễ dàng biểu hiện ở kiếp này, nhất là trong giai đoạn tuổi thơ thường rõ ràng hơn.
|
Muốn tu tập sâu hơn về Mật tông thì nên cầu học nơi các bậc thầy của Mật giáo. |
Thực tế đã ghi nhận có rất nhiều em nhỏ đã biểu hiện nhân duyên tu học của mình với một pháp môn nào đó trong Phật giáo như Thiền, Tịnh, Mật… từ rất sớm. Vì vậy, việc cháu của bạn “đam mê về Mật tông của Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là cháu rất thích đọc các mật chú và vẽ hình ảnh của chư Phật, Bồ-tát trong Mật tông” là chuyện bình thường, chứng tỏ cháu có nhân duyên với Mật tông.
Với ý kiến, “cho cháu tiếp xúc với Mật tông quá sớm sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, khiến dễ bị điên loạn” là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ, với bất cứ pháp môn tu tập nào trong Phật giáo, mọi lứa tuổi đều có thể ứng dụng thực hành. Ví dụ như Thiền, trẻ em, thanh niên, trung niên, già lão đều tu được. Tịnh cũng vậy, ai cũng đều có thể niệm Phật, cầu vãng sanh Tây phương. Mật cũng vậy, mọi người đều có thể hành trì. Quan trọng là chúng ta cần tu tập đúng pháp, hợp căn cơ và tuổi tác, theo trình tự từ thấp đến cao.
Thiết nghĩ, gia đình hãy trợ duyên cho cháu trì niệm các mật chú thông dụng (như chú Đại bi, chú Văn Thù, chú Tiêu tai, Lục tự đại minh chú, Ngũ bộ chú…) và tô vẽ các hình tượng Phật, Bồ-tát, các mạn-đà-la mà cháu yêu thích. Trì niệm các thần chú này thì chẳng những không có bất cứ trở ngại gì mà còn giúp định tâm, trí sáng và được phước. Ngoài ra, gia đình có thể mua các kinh sách căn bản về Mật tông để cháu có điều kiện tìm hiểu thêm.
Khi cháu đến tuổi trưởng thành, muốn tu tập sâu hơn về Mật tông thì nên cầu học nơi các bậc thầy của Mật giáo. Tu tập chuyên sâu bất cứ pháp môn nào cũng cần có thầy. Không nên vì quá ham tu mà “tu mù”, vì tu như thế chẳng những không tiến bộ mà đôi khi còn gặp các trở ngại do thực hành sai pháp.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN