Tự tử để thoát nợ
Tháng 3/2020, cô gái N.H.H ở Biên Hòa, Đồng Nai đã tự tự ở phòng ngủ tại nhà riêng. Trong bức thư để lại, cô gái nói đến việc cô vay tiền qua app “tín dụng đen” trên internet. Vì vay giấu gia đình nên khi đến hạn trả nợ, cô đã bị các đối tượng liên tục đe dọa nên đã phải tìm đến cái chết để giải thoát.
Các đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” thường dùng mọi thủ đoạn để đòi nợ. |
Cũng giống như chị H, anh K, 27 tuổi, giảng viên một trường cao đẳng ở Kiên Giang, cũng bị đẩy vào đường cùng phải tự tử khi vay tiền qua app. Chỉ vay được 5 triệu đồng nhưng sau 7 ngày, đến hạn phải trả, anh K không có khả năng thanh toán. Các đối tượng cho vay nặng lãi lại tiếp tục giới thiệu cho anh vay qua các app khác. Tổng số nợ của anh qua các app đã lên đến 200 triệu đồng. Liên tục bị khủng bố và đòi nợ, đến ngày 10/5, anh đã phải tìm đến… cái chết.
Tuy không dại dột như hai trường hợp trên, nhưng anh S chọn một lựa chọn cũng không hay ho hơn là mấy. Mang cả vợ con từ quê lên Hà Nội kiếm sống, vợ làm công nhân lương “ba cọc ba đồng”, anh S cố gắng vay mượn để mua chiếc taxi lấy “cần câu cơm” và nuôi 3 con nhỏ. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản. Hàng tháng, ngoài kiếm tiền nuôi vợ con, tiền nhà trọ, tiền học hành của con nhỏ, anh S còn phải “cầy” thêm để trả nợ chiếc xe trả góp.
Tháng làm được khá không sao, tháng khó khăn, làm không đủ tiêu, khi nghe bạn giới thiệu có nhiều app cho vay tiền dễ dàng, anh S liền… tặc lưỡi. Vốn không hiểu biết gì nhiều, thấy vậy anh cũng làm theo, vì thấy thủ tục khá đơn giản, chỉ cần chứng minh thư và số điện thoại. Chỉ trong 5 tháng, lãi “mẹ đẻ lãi con”. Trong khi đó hằng ngày, các đối tượng đến nhà đòi nợ liên tục. Các đối tượng hù dọa người lớn không sao, đằng này lại dọa nạt cả trẻ mấy đứa trẻ con anh, khi các cháu đứa lớn mới chỉ lớp 5, đứa nhỏ lớp 3, khiến các bé quá sợ. Có hôm, các đối tượng nhằm vào lúc cả nhà đang ăn cơm, các đối tượng xăm trổ vằn vệ ở tay chân, cổ đeo “vòng xích” đến đòi nợ, gây áp lực.
Cực chẳng đã, anh đã phải bán cả chiếc xe vốn là cần câu cơm của cả gia đình để đi trả nợ. Anh S thì thất nghiệp, con gái lớn anh đang học lớp 5 cũng phải nghỉ học ở nhà vì bố mẹ không có khả năng đóng học phí. Cuộc sống khó khăn khiến gia đình mâu thuẫn, vợ chồng cãi vã. Chán đời, anh S đã bỏ nhà ra đi.
Nâng cao hiểu biết pháp luật và tránh xa “tín dụng đen”
Những người vướng vào vay nợ “tín dụng đen” thường là người thu nhập thấp, hoặc học sinh, sinh viên, vốn sống và sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế; các đối tượng cho vay nặng lãi thì thủ đoạn thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều nạn nhân nói, có dính vào mới hiểu hết các thủ đoạn của chúng. Vì vậy để tránh bẫy “tín dụng đen”, tránh sự lừa gạt, tốt nhất nên tránh xa các loại hình dịch vụ cho vay này. Số tiền vay không được nhiều, không giải quyết được việc lớn, chỉ giải quyết việc chi tiêu, nên nếu xoay xở được thì cố gắng xoay xở…
Một bạn đọc giấu tên lỡ dính bẫy “tín dụng đen” chia sẻ: “Tôi đã có những ngày sống trong hoảng sợ. Vừa phải lo nghĩ cách trả tiền, vừa uất ức, vừa phải đối phó với các đối tượng xiết nợ. Không chỉ riêng tôi, mà người thân tôi cũng bị chúng khủng bố. Hy vọng đừng ai dính vào “tín dụng đen” nữa”.
Một bạn đọc khác chia sẻ: “Vấn đề thoát ra khỏi “tín dụng đen” bằng cách nào. Nếu như có tiền để trả hết thì chắc chắn người trong cuộc đã trả dứt rồi. Vậy khi không có, thì phải dứt ra làm sao đây?”.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng tín dụng đen vẫn đang là vấn nạn của xã hội. Để tránh không bị mắc bẫy, mỗi người cần nâng cao cảnh giác để không sa chân vào bẫy “tín dụng đen”.