Mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có báo cáo về tình hình đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022.
Ảnh minh họa. |
Do đó, đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp thống nhất nội dung SGK và tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành SGK.
Việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ SGK khác nhau. Điều này sẽ phát sinh những bất cập: gây lãng phí, tốn kém khi một bộ SGK không được sử dụng nhiều lần; gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý đối với các địa phương trong việc in ấn, phát hành một số loại sách và thiết bị học tập dẫn đến tình trạng một địa phương phát hành độc quyền sách và ấn định việc sử dụng SGK và thiết bị học tập nhất định cho địa phương mình.
Đối với mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh, nhiều ý kiến đánh giá cao chương trình giáo dục mới tập trung vào nội dung và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Chương trình này phát huy tính tích cực của người học, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh....
Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn: Ngành giáo dục còn khó khăn trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ giáo dục nên việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập; thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường; cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, sĩ số học sinh trong 1 lớp học ở một số thành phố lớn quá đông (60 học sinh).
Nội dung SGK môn Tiếng Việt vào lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006, sự độc quyền dẫn đến lợi ích nhóm trong việc in ấn phát hành SGK và bán giá cao sẽ ảnh hưởng đến các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc này sẽ tạo áp lực cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nội dung SGK lớp 1 (bộ Cánh Diều) có một số nội dung chưa phù hợp, còn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương.
Có ý kiến cho rằng Hội đồng biên soạn chương trình và SGK đã công khai, nhưng chưa thực sự minh bạch; nhiều người có chuyên môn tốt và thâm niên nghề nghiệp cao nhưng chưa được cơ cấu vào các Hội đồng.
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đa số ý kiến cho rằng, cách thi, kiểm tra trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phát huy được tính sáng tạo của học sinh, không phải theo khuôn mẫu, có tính thực tiễn với đời sống hằng ngày. Hình thức kiểm tra đa dạng, giúp học sinh bớt áp lực trong thi cử. Người dân cơ bản đồng tình với cách đánh giá theo chương trình mới.
Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên ở một số trường học tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung; việc đổi mới, đánh giá chất lượng giáo dục một số nơi còn mang nặng hình thức hơn chất lượng gây nhiều áp lực cho học sinh và giáo viên, có thể hình thành tư tưởng làm theo hình thức chứ không chú trọng chất lượng, việc đánh giá kết quả học sinh chưa thực sự đánh giá theo năng lực và hiệu quả học tập của học sinh; vẫn còn tình trạng tổ chức nhiều kỳ thi gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân. Việc giảng dạy nhiều bộ sách dẫn đến khó khăn trong công tác đánh giá chất lượng qua các kỳ thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi.
Đáng chú ý, về SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo: Cấu trúc giữa các bài học trong một số SGK chưa đảm bảo đủ các thành phần theo đúng quy định; một số câu hỏi đặt ra chưa rõ ràng và sát với nội dung bài học; một số sách giáo khoa mắc nhiều lỗi về chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh; một số sách có nội dung chưa phù hợp, chưa mang tính giáo dục, thậm chí gây phản cảm (điển hình là SGK môn Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm TP HCM).
"Nhân dân bức xúc trước vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đẩy giá SGK lên quá cao gây khó khăn cho nhiều gia đình, làm bức xúc trong dư luận", Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu.
Từ những nội dung báo cáo trên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tổ chức giám sát, kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương...
>>> Mời quý độc giả xem video: Phụ huynh kéo lên Sở Giáo dục kiến nghị “trả” lại điểm cho thí sinh do hiểu nhầm đề thi Toán":
(Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện)