Vụ việc học sinh H.L.N. trường THCS xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị cô giáo bắt các bạn cùng lớp tát 231 cái phải nhập viện điều trị đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ở góc độ giáo dục, hành vi của cô giáo được cho là phản giáo dục, vi phạm tư cách đạo đức nghề giáo cần phải bị xử lý. Ở góc độ pháp luật, dư luận đặt ra câu hỏi, hành vi bắt các học sinh phải tát bạn đến 231 cái của cô giáo có vi phạm pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm, trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Cụ thể, tại điều 16 Công ước quốc tế quyền trẻ em quy định: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.
Trường THCS Duy Ninh. Ảnh: Zing.vn |
Ngay trong điều 20 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Còn tại điều 37 Hiến pháp 2013 cũng quy định “ Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Cùng với đó, tại điều 34 - Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nêu rõ: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”. Tại 27 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Trong Điều 4 Luật trẻ em đã giải thích “Bạo lực trẻ em” là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em..
Tư đó, Luật sư Thơm cho rằng, sự cần thiết phải dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt là một yêu cầu đã được khẳng định trong Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924, trong Tuyên bố về quyền trẻ em do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1959, và đã được thừa nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đặc biệt là các điều 23 và 24), trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (đặc biệt là điều 10), trong những quy chế và văn kiện có liên quan khác của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế hoạt động vì phúc lợi của trẻ em.
“Xét hành vi của cô giáo, chỉ vì cháu N. nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ mà đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào mặt và bản thân cô giáo cũng tham gia tát thêm một cái cuối cùng. Đáng lẽ ra, cô giáo như người mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục cháu.
Cháu N. còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật và trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên vốn được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất. Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn là hành xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ”, Luật sư Thơm nhìn nhận.
Phân tích hành vi khách quan, Luật sư Thơm cho biết, việc bắt các cháu học sinh tát cháu N. có thể theo cô giáo là cách “dạy bảo” nhưng dưới góc độ pháp lý đã xâm hại đến quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng sức khỏe người khác đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của cháu N. thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 BLHS 2015.
Trường hợp, tỷ lệ tổn thương sức khỏe của cháu N. do bị cô giáo bắt các bạn tát mình không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.
Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân. Ở tội danh này, giữa người bị hại phải có quan hệ lệ thuộc như giữa thày cô giáo với học sinh, giữa cấp trên với cấp dưới trong các cơ quan, tổ chức, giữa thầy thuốc với người bệnh,… Đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của cháu N. mà cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015 là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.