Tối 4/12, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh được cho là xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, một nữ giáo viên bị dồn vào góc lớp, kèm theo đó là những tiếng chửi bới. Sau đó, một chiếc dép ném trúng trán giáo viên khiến cô choáng váng vài giây rồi ngất xỉu. Lúc này các học sinh xung quanh mới bỏ chạy. Tuy nhiên, một học sinh còn bò lại như có ý kiểm tra xem cô có ngất thật không.
Theo UBND huyện Sơn Dương, vụ việc bắt đầu vào khoảng 10h30 phút ngày 29/11 tại Trường THCS Văn Phú, giờ học tiết 3 môn Âm nhạc ở lớp 7C do giáo viên Phan Thị H. (SN 1985) là giáo viên trực tiếp giảng dạy. Khi đến giờ vào lớp thì có một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào lớp học, cô H. nhắc nhở thì có một vài học sinh phản ứng. Khi tiết học bắt đầu, có một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý và sau đó giữa giáo viên và học sinh có những khúc mắc trong giờ học. Sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 tại lớp 6A. Sau tiết học, một số em học sinh lớp 7C sang lớp 6A tiếp tục có phát ngôn và có hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô giáo H. (nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng tải lên mạng xã hội Facebook).
Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung ngất xỉu ở Tuyên Quang đang trở tâm điểm chú ý và gây bức xúc dư luận. Trao đổi với PV báo Dân Việt, một số giáo viên khác cho biết cũng từng gặp phải học sinh hỗn láo và thách thức luôn thầy cô.
Cô Hoàng Thị Thanh Nga, giáo viên Trường Tiểu học Lương Châu, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên với gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy ở vài ngôi trường khác nhau chia sẻ: "Hàng ngày, giáo viên phải giải quyết rất nhiều vụ và không ít trường hợp khiến thầy cô phải đau đầu".
Cô Nga kể lại câu chuyện ngày mới vào nghề, khi đó, cô là giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ở một ngôi trường đầu tiên. Một học sinh chuyển từ Lạng Sơn xuống Thái Nguyên theo học nhưng rất cứng đầu, không nghe lời bất kỳ ai, đánh rất nhiều bạn, quậy phá, chửi bới, thậm chí chạy lên bàn giáo viên hất tất cả đồ xuống, đạp đổ bàn. Các bạn trong lớp nhắc nhở: "Mày nghịch thế cẩn thận vì cô Nga rất ghê gớm đấy", thì em học sinh này thách thức con gọi cô giáo là "con".
Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, cô Nga được biết bố mẹ em học sinh này vướng vào vòng lao lý nên phải ở nhờ nhà bác. Cô Nga hiểu hơn và thường xuyên ngồi nói chuyện, tâm sự, hỏi han để đưa học sinh một phần nào đó vào khuôn khổ. Tiếc là sau đó em học sinh này bị bác trả về nhà ngoại vì không thể dạy bảo.
Hay một lần khác, một học sinh có mẹ bị tâm thần, gia đình không ai quan tâm nên sống rất bất cần. Khi cô dọa: "Nếu em còn hư nữa cô sẽ cho đúp năm nay", nam sinh đứng lên trước lớp xưng "mày-tao" với cô và thách thức. Thậm chí, có học sinh cá biệt còn đòi "xử lý cô giáo".
Cô Nga cho hay: "Hồi mới vào nghề, học sinh hỗn láo là mình liền cầm thước xuống dọa để thể hiện uy của giáo viên. Tuy nhiên về sau khi có kinh nghiệm, mình hiểu giáo viên dùng thước không có giá trị mà cần nói chuyện, tâm sự để các em thấy gần gũi, chia sẻ hơn mới giải quyết được gốc của mối quan hệ.
Gặp học sinh cá biệt, mình sẽ gọi điện về cho bố mẹ các em để hỏi han để nắm bắt tình hình. Sau đó gặp học sinh nói chuyện, phân tích cho các em hiểu. Có em thay đổi sau 2-3 buổi nhưng nhiều em im bặt, mắt lườm cô, không chịu chia sẻ. Mình phải nói chuyện đến 20 buổi các em mới bắt đầu thấy cô gần gũi thật sự và trả lời. Tính cách hình thành từ nhỏ nên giáo viên phải kiên trì, nhẹ nhàng chứ không thể ép các em thay đổi trong ngày một ngày hai".
"Mặc dù ở trường sư phạm đã được học lý thuyết nhưng ra đời 100% là những câu chuyện mới mẻ. Từ lý thuyết đến thực hành khác nhau một trời một vực nên giáo viên phải hỏi han nhau, chia sẻ kinh nghiệm để xử lý từng tình huống khác nhau", cô Nga nói.
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM cho hay: "Tôi chưa gặp tình huống như cô giáo ở Tuyên Quang bao giờ. Sự việc xảy ra như vậy thực sự đáng tiếc cho cả cô và trò. Sự việc chúng ta mới nghe kể lại, lý do có thể sai từ cô giáo hay tập thể lớp nhưng dù chuyện gì cô trò cũng nên hóa giải từ đầu, không để dẫn đến kết quả như vậy. Dù sao đây là vụ việc nghiêm trọng, cần cần xử lý mạnh tay".
Bản thân thầy Hoài trong quá trình giảng dạy cũng gặp những học sinh cãi nhau "tay đôi". Chủ yếu là học sinh ở lớp 8, 9 và đầu 10 vì sang cấp 3 các em bắt đầu vào khuôn khổ, ý thức hành động hơn. Có 2 lý do dẫn đến hành động hỗn hào của các em. Hoặc là cái tôi của các em quá lớn, muốn bảo vệ ý kiến của mình, hoặc là các em quen cãi cha mẹ, thầy cô nhưng người lớn lại bỏ qua hoặc xử lý không đến nơi nên hình thành thói quen. Các em cần phải được uốn nắn, chỉ dạy. Dù vậy, khi học sinh đang có thái độ chưa chuẩn mực, giáo viên chỉ cần không đủ bình tĩnh thì dù thắng hay thua học sinh, hình ảnh giáo viên cũng mất đi rất nhiều.
Theo thầy Hoài, tốt nhất trong trường hợp này, giáo viên hãy đợi tiết sau hoặc sang ngày hôm sau mới yêu cầu các em viết bản tường trình. Nếu các em nhận lỗi thì yêu cầu các em viết bản kiểm điểm. Nếu không, giáo viên cần kết hợp với nhà trường, cha mẹ học sinh phân tích đúng sai và có phương án xử lý.
Cùng chung chia sẻ, cô Đoàn Thị Vành Khuyên, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Học sinh cá tính thì tôi gặp nhiều, ví dụ như việc cô đang nói thì phản ứng bỏ đi hay là việc cãi lại cô. Còn hành vi nặng nề như cô giáo ở Tuyên Quang thì tôi chưa bao giờ gặp".
Liên quan đến việc xử lý tình huống trong môi trường sư phạm, cô Khuyên cho rằng: "Học sinh đang trong cảm xúc tiêu cực thì giáo viên không nên gắt lên. Có những trường hợp giáo viên phải kìm nén giữ im lặng để mọi chuyện lắng xuống. Khi học sinh bình tĩnh hơn, giáo viên hãy trao đổi riêng, hỏi han các em về nguyên nhân vì sao lại làm thế, từ đó cô trò hiểu nhau hơn, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc về sau".