Có lẽ so với thế hệ trước, người trẻ hiện tại khó học được cách sống tiết kiệm và dự tính cho tương lai.
Điển hình là cô bạn trẻ Nguyễn T.T (23 tuổi, freelancer, Hà Nội), việc mỗi tháng đều 'vung tay quá trán' hết gần 20 triệu đồng là điều khiến cô bạn nhiều lúc rơi vào khủng hoảng quản lí tài chính và khó có thể tin được vào những con số trong sổ thu chi.
Cô gái 9X gặp khủng hoảng về cách quản lí thu nhập. |
Gắn bó với công việc freelancer đã 4 năm nay, nguồn thu nhập chính của cô gái 9x T dựa vào rất nhiều đầu việc như: viết lách, biên kịch, sáng tác nhạc chế, diễn hài, content Marketing, bán hàng online…
Cũng bởi khá năng động, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, T đã có thể tự lập và lo liệu được sinh hoạt phí cho bản thân cũng như giúp đỡ một phần cho gia đình.
Cô bạn chia sẻ: 'Làm một lúc nhiều việc không phải là chuyện dễ dàng, dù bản thân mình đã lập kế hoạch ngày rất cụ thể. Có những ngày mưa gió vì công việc mà phải đi hơn 100km đến tầm 300km là chuyện bình thường.
Những ngày được ở nhà chỉ viết lách, mình nhận đến 10 đầu việc và gần như làm suốt 20/24h không rời bàn phím máy tính. Cũng bởi vậy mà da của mình đen hơn nhiều so với các bạn gái khác, cũng không chăm chút về mặt nhan sắc lắm vì chỉ lo công việc đã đủ hết một ngày".
Nhờ sự chăm chỉ không ngừng nghỉ ấy, T có thu nhập ổn định từ 15 – hơn 20 triệu đồng/tháng. Vì làm công việc freelancer nên bản thân T cũng không có lương cố định, thu nhập lên xuống bấp bênh dựa theo độ chăm chỉ và những sản phẩm mà cô bạn nhận làm.
Có thời điểm 'đắt khách', T có thể kiếm được hơn 40 triệu đồng/tháng. Mọi chi tiêu hằng ngày dù là 1.000 đồng, cô bạn đều ghi lại rất cụ thể và rõ ràng.
Bảng thu chi của T trong tháng 4/2017. |
Tuy nhiên, T cũng chia sẻ, khoảng 1 năm gần đây, cô bắt đầu có dấu hiệu 'vung tay quá trán' và mất kiểm soát trong việc quản lí tài chính của mình.
Dù không son phấn, không thích shopping, thậm chí dung xe 'cùi', điện thoại 'ghẻ' nhưng mỗi tháng T đều tiêu tốn hết gần 20 triệu đồng.
Cô chia sẻ: '1 năm trở lại đây mình phát hoảng mỗi lần tổng kết thu chi, bởi vẫn là những khoản đó. Thời sinh viên, mình chỉ tiêu hết 1,2 triệu cả tiền nhà tiền ăn đủ thứ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mình tiêu rất không có kế hoạch và luôn lên tới con số quá lớn. Có lẽ do mình… ăn quá nhiều. Đó là lí do lớn nhất tiêu tốn số tiền đến gần 1 con xe SH trong suốt nửa năm qua'.
T.T cũng tâm sự, do tính chất công việc freelancer, thu nhập về nhỏ giọt chứ không phải nhận cuối tháng và liên tục xoay vòng vốn để kinh doanh nho nhỏ nên cô bạn thậm chí còn không biết mình có bao nhiêu tiền.
Hơn thế, tự nhận bản thân cô là người 'não cá vàng', T chỉ ghi chép mình đã tiêu những gì chứ rất ít khi ghi lại mình có bao nhiêu, kiếm được từ những khoản nào trong suốt tháng đó. Chính sự bất cẩn này đã khiến cô bạn lâm vào trạng thái khủng hoảng khi nhìn tổng kết sổ tiêu tiền cuối tháng.
T cho biết: 'Ngoài việc ăn, mình cũng tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc du lịch. Vì rất nhiều năm đại học trong khi bạn bè hưởng thụ đi đây đó thì mình chỉ cặm cụi kiếm tiền. Mình không nghĩ thời điểm hiện tại là bản thân đang quá hưởng thụ, mà chỉ đơn thuần là bù đắp lại quãng thời gian thanh xuân sống chưa đúng tuổi trước đây. Tuy nhiên, cách tiêu tiền chưa có kế hoạch này cũng làm mình rất lo lắng, muốn đi học thêm lớp quản lí tài chính để bản thân chi tiêu hợp lí hơn'.
Trong khoản chi của T mỗi tháng đều có mục mua đồ dùng gia đình, đó là khoản tiền cô bạn sắm sửa cho bố mẹ những đồ cần đến như: bàn ghế, tủ lạnh, ti vi, điều hòa, máy giặt, điện thoại cho cả gia đình…
T thuộc tuýp người truyền thống hướng về gia đình nên hầu như tiền kiếm được, cô đều mua sắm cho bố mẹ và lo cho em gái học hành là chính. Cũng bởi những nămđại học, T đều đứng top của lớp, dành học bổng 6/8 kì liên tiếp nên bố mẹ cũng không quá lo lắng về việc cô vừa học vừa làm.
Nhận thấy con gái có hiếu, suy nghĩ cho gia đình, bố mẹ T rất mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng về cách tiêu tiền ngày càng 'vung tay quá trán' của cô bạn.
So với 4 năm trước, thu nhập của T đã tăng lên rất nhiều nhưng đồng thời cô bạn cũng tiêu gấp hơn chục lần trước đây. Đây cũng là tình trạng mà không ít người gặp phải, ít tiền tiêu ít, nhiều tiền lại tiêu nhiều, cuối cùng tiền còn lại chẳng đáng là bao.
Ngoại trừ những khoản chi tiêu cho gia đình thì với T, số tiền con lại chi cho việc sinh hoạt của bản thân vẫn là… quá.
Liệt kê các khoản chi tiêu, T cho biết, bản thân tốn mỗi tháng khoảng 200K tiền điện thoại, 400K tiền xăng, 1,6 triệu tiền nhà, 500K tiền mua sắm, 3-5 triệu mua sắm gia đình và khoảng 5-7 triệu tiền ăn, xem phim, giao lưu bạn bè và các khoản phát sinh khác (du lịch, ốm đau…).
Với mức chi tiêu vượt xa 4 năm trước, T hiện đang rơi vào khủng hoảng quản lí tài chính và đã từng cầu cứu cộng đồng mạng để xin được chia sẻ kinh nghiệm nhưng bất thành.
Cô cho biết: 'Thực tế bản thân mình đã tăng 8kg so với 1 năm trước vì ăn quá nhiều. Sau khi sắp xếp được thời gian, mình sẽ đi học một khóa quản lí tài chính để dung tiền đúng cách, đầu tư phù hợp, biết nhìn xa lo cho tương lai và không tốn tiền vào quỹ đạo vô nghĩa ăn, giảm béo rồi lại…ăn'.