Ở khu vực Đông Nam Á, thảm kịch trên sân Kanjuruhan ở Indonesia sau trận đấu giữa 2 đội Arena FC và Fersebaya hồi đầu tháng 10/2022 này gây ra một bi kịch thực sự, chấn động khủng khiếp trên toàn thế giới. Đây là một thực trạng buồn, buồn nhất, đau đớn nhất của bóng đá khu vực bởi sự non kém của lực lượng an ninh hành xử, hành động cẩu thả, ấu trĩ do ban tổ chức sân bố trí, bởi tính ăn thua quá mức giữa cổ động viên của các đội bóng “thù địch”, bởi vô vàn nguyên nhân khác. Điều này cho thấy bóng đá vùng trũng, cụ thể là ở Indonesia vẫn rơi rớt lại quá nhiều điều tệ hại, nguy hiểm, là bài học đau đớn cho bóng đá Indonesia và nhiều nơi khác.
Ở Việt Nam, ở mức độ nhẹ hơn nhiều nhưng sự kiện “vỡ sân” hồi năm 2008 cũng là bài học nhớ đời cho công tác an ninh, an toàn cho từng trận đấu, nhất là ở V-League, ở các trận đấu có tính ăn thua, đối địch, các nhóm cổ động viên “thù địch” và thường cố tình gây sự trước trong và sau mỗi trận đấu. Rõ ràng, Ban Tổ chức V-League đã ban hành Điều lệ thi đấu, nội dung kỷ luật và hoạt động của Hội đồng kỷ luật luôn kịp thời, chuẩn xác, công minh, nhưng đó đây sự cố không mong muốn vẫn xảy ra, vẫn cứ liên quan đến một vài nhóm cổ động viên Nam Định hay Hải Phòng.
Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, khi đội bóng thi đấu tốt, làm thỏa nguyện nhiều người, thì các sự cố theo đó cũng ít đi, mọi việc diễn ra thuận lợi và tốt đẹp hơn. Cũng câu chuyện về cổ động viên đầy ắp sân Thiên Trường không chỉ khi Nam Định thi đấu tốt mà cả khi các đội tuyển khác đến đây thi đấu (vòng loại bóng đá SEA Games 31 vừa qua chẳng hạn) nói lên điều đó. Hay gần nhất là khi Hải Phòng thi đấu thăng hoa, thắng đội đầu bảng Hà Nội FC ở vòng đấu 21, thì cổ động viên xứ hoa phượng đỏ cũng trở nên vui vẻ “hòa ca cùng đội bóng” hơn, dù chuyện đốt pháo sáng, “phun mưa” trọng tài chưa dễ gì bỏ qua được trong mắt nhiều người yêu bóng đá.
Khi các sân vận động chen chúc, gây náo loạn, gây phiền toái cho lực lượng an ninh đã là một nhẽ, đã là chuyện đau đầu đáng nói, thì giờ đây lại có chuyện cổ động viên quay xe, bỏ đội này sang cổ vũ đội khác, lại càng đáng quan tâm hơn, đáng lo hơn. Rõ ràng, bóng đá và khán giả là câu chuyện về sự song song tồn tại và phát triển theo hướng ngày một gắn kết hơn, văn minh hơn, nhiều điều để ca ngợi và tôn vinh hơn. Ở đây, lãnh đạo các đội bóng, các cầu thủ nếu chỉ một giây, một phút lơ là về trách nhiệm thi đấu, phát ngôn, thiếu thân thiện với cổ động viên thì ngay lập tức lãnh đủ hậu quả như đã thấy gần đây.
Trên thế giới, ở những nền bóng đá phát triển, người ta xây dựng thương hiệu đội bóng mà không bao giờ bỏ quên lực lượng cổ động viên, hình ảnh cổ động viên tiêu biểu. Các cổ động viên cũng ý thức về tình yêu đội bóng, làm mọi việc để phát huy bản sắc, màu cờ sắc áo, cổ vũ, tôn vinh cả đội bóng lẫn người đại diện tiêu biểu của mình. Nhưng tất cả đều được tiến hành trên cơ sở đội bóng thi đấu trung thực, từ trận khai mạc cho đến trận cuối cùng mùa giải với nhiều mục tiêu lớn, bé khác nhau. Người ta có thể yêu mến cổ vũ cho Barcelona hay Chelsea, người ta cũng sẽ lấp đầy sân ở một trận đấu giải hạng ba, hạng tư, thậm chí hạng phong trào, mà rất khó nói tình yêu đội bóng nào cao hay thấp hơn?
Rất, rất tiếc ở V-League chẳng hạn, dù hiện đang có niềm tự hào vượt qua Thai League nhưng vẫn còn vô vàn điều đáng nói, đáng quên liên quan đến chất lượng các trận đấu, chất lượng trọng tài, chất lượng cổ động viên. Riêng về cổ động viên, màu sáng có nhiều nhưng màu tối cũng không ít. Ông bầu chắp tay xin cổ động viên không đốt pháo sáng làm ảnh hưởng đội bóng là chuyện có thật. Lượt đi chơi hay, lượt về chơi dở tệ ở những đội bóng thiếu tham vọng là chuyện thường ngày. Cổ động viên yêu lắm rồi chán lắm cũng là chuyện không mới sau mỗi mùa bóng…
Nghĩa là bóng đá Việt còn phải vừa làm, vừa học, vừa tiến lên hoàn thiện mình trên rất nhiều phương diện. Nghĩa là nói bóng đá chuyên nghiệp nhưng rơi rớt vô vàn điều nghiệp dư, cần nhanh chóng loại bỏ, có khi vấp phải bài học nhớ đời may gì mới thực sự cắt bỏ được./.