Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 giảm 25% do khoản dự phòng
Năm 2022, VEAM đặt mục doanh thu thuần gần 642 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính lên tới 5.336 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 4.498 tỷ đồng, giảm 25% so năm 2021 chủ yếu do các khoản dự phòng tiềm năng liên quan đến các công ty liên kết và công ty con hoạt động kém hiệu quả.
Nhìn lại năm 2021, VEAM thực hiện được 4.019 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 5.751 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%. Năm qua, VEAM phải trích lập dự phòng tiềm năng trị giá 606 tỷ đồng (10% lợi nhuận độc lập của năm tài chính 2021) liên quan đến các khoản nợ xấu của công ty mẹ đối với các công ty con và công ty liên kết.
Với kết quả đó, VEAM dự kiến trả cổ tức năm 2021 ở mức 40,38% và trả vào nửa cuối năm 2022.
Vì sao VEAM chậm niêm yết cổ phiếu?
Một nội dung vẫn thu hút sự quan tâm của các cổ đông và nhà đầu tư đó là việc niêm yết cổ phiếu VEA vẫn chậm.
Theo đó, trong năm 2021, VEAM chưa thực hiện việc niêm yết cổ phiếu do chưa đủ điều kiện niêm yết theo quy định của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Vì vậy, trong năm 2022, Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục rà soát các vướng mắc để đáp ứng được điều kiện niêm yết cổ phiếu VEA.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT phụ trách Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại VEAM, những vướng mắc trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại của VEAM kéo dài từ nhiều năm trước đây như: kinh doanh xe Changan; thu hồi công nợ quá hạn; các tồn tại tại nhà máy ô tô VEAM nhất là số xe tồn kho lâu năm và việc thua lỗ; hoạt động kém hiệu quả của một số công ty con, công ty liên kết, đã khiến VEAM chưa thể hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán.
Ban lãnh đạo VEAM vẫn duy trì kế hoạch dài hạn về việc chuyển niêm yết cổ phiếu của VEA từ sàn UPCoM sang sàn HOSE hoặc HNX. Tuy nhiên, quá trình này cần nhiều thời gian và có khả năng không thể hoàn thành vào năm 2022.
Từ nay đến 2025, nếu có cổ phần hoá thì giữ nguyên hoặc giữ chi phối của Nhà nước
Tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, đại diện Honda Châu Á có thắc mắc rằng việc cổ phần hoá của VEAM như thế nào và việc xử lý những sai phạm của VEAM ra sao, liệu có đảm bảo được trong thời gian tới có vấn đề này nữa hay không?
Ông trả lời rằng, đối với VEAM thì là khác biệt, làm gì phù hợp với thực tiễn, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và cổ đông VEAM. Bộ Công Thương đã đề xuất và trước mắt chưa có cổ phần hoá gì thêm. Từ nay đến 2025, nếu có cổ phần hoá thì giữ nguyên hoặc giữ chi phối của Nhà nước.
Việt Nam hướng tới là đất nước của Pháp quyền, tuân thủ pháp luật, bất cứ ai nếu có sai phạm thì phải xử lý.
Thứ trưởng yêu cầu VEAM tiếp tục rà soát để thực hiện công tác quyết toán cổ phần hóa của VEAM tại thời điểm chính thức chuyển giao sang Công ty cổ phần theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển Tổng công ty. Tiếp tục tìm giải pháp khắc phục tối đa các vấn đề tồn tại, vướng mắc trước đây đặc biệt là xây dựng phương án tiêu thụ hàng tồn kho của VEAM Motor và xe Changan…