CTCP CNG Việt Nam (HoSE: CNG) vừa cho biết, 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ CNG là 185,9 triệu Sm3, đạt 87% kế hoạch 9 tháng. Doanh thu ở mức khoảng 2.374 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch 9 tháng.
Trong 9 tháng qua, CNG đã đưa thêm được 7 nhà máy/khách hàng vào nhận khí; ký thêm hợp đồng cung cấp khí với 5 khách hàng mới; tích cực công tác chuẩn bị kinh doanh LNG, đặc biệt là thị trường miền Bắc…
Với kết quả đó, Tổng giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong yêu cầu CNG Việt Nam đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023 được Tổng công ty giao. Bên cạnh đó, CNG Việt Nam cần xem xét mô hình kinh doanh, chính sách bán hàng để phù hợp tình hình mới, đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài.
Tổng giám đốc Phạm Văn Phong cũng chỉ đạo các ban/đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ CNG Việt Nam xử lý các tồn tại, đặc biệt tập trung vào tìm kiếm nguồn cung khí ổn định và triển khai chiến lược cạnh tranh sản phẩm để giúp CNG hoàn thành nhiệm vụ.
Được biết năm 2023, CNG đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.458 tỷ đồng, bằng gần 83% thực hiện cả năm 2022; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt hơn 85 tỷ đồng, tương ứng bằng 67% so với thực hiện năm 2022.
Theo CTCK Yuanta Việt Nam, trong bối cảnh giá khí tự nhiên giảm, giá bán của CNG sẽ được tính toán neo theo % giá dầu Brent để CNG có lợi nhuận. Do đó, CNG sẽ hưởng lợi khi giá dầu Brent tăng cao. Yuanta kỳ vọng giá dầu sẽ giữ ở mức cao từ đây đến cuối năm 2023.Với việc giá dầu tăng mạnh từ đầu quý 3/2023 đến nay, nhóm phân tích kỳ vọng CNG cải thiện lợi nhuận tốt trong nửa cuối năm nhờ biên lợi nhuận cải thiện khi hàng tồn kho, với giá vốn thấp trong quý 1-2/2023 tăng cao (mặc dù giá trị hàng tồn kho khá thấp so với doanh thu nhưng lịch sử cho thấy biên lợi nhuận gộp cải thiện có độ trễ nhất định so với hàng tồn kho). Bên cạnh đó, doanh thu kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi kinh tế hồi phục và nhu cầu tăng từ các doanh nghiệp FDI.
Mặt khác, CNG hiện đang phối hợp với GAS và PVGas LNG vận hành thương mại kho LNG công suất 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Với lợi thế CNG nắm 70% thị phần khí CNG và sở hữu hệ thống phân phối CNG sẵn có (xe bồn và đường ống đến các KCN), Yuanta kỳ vọng CNG sẽ là một trong các công ty chính trong công việc phân phối LNG tại Việt Nam.
Trong đó, CNG Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng bình quân 11-13%/năm trong giai đoạn từ 2023-2025, chiếm 70% thị phần cung cấp khí CNG và 60% thị phần cung cấp khí LNG bằng xe bồn và toàn quốc.
Ngoài ra, CNG cũng vừa phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 30%. Việc này dự kiến sẽ giúp cải thiện thanh khoản và tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu CNG.