Là một trong hai học viên tốt nghiệp xuất sắc nhất khóa 15, Trường Sĩ quan biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), Trung úy Hoàng Hữu Chiến được giữ lại trường làm giảng viên khoa Trinh sát - Pháp luật vào năm 1986.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Sơn Khang. |
Ngay năm sau, ông nhận lệnh lên biên giới làm Đội trưởng Đội trinh sát của đồn Biên phòng Xuất Lễ (BĐBP Lạng Sơn). Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó đồn trưởng, Trưởng Phòng Trinh sát, Phó chỉ huy trưởng rồi Chỉ huy trưởng BĐBP ở hai tỉnh biên giới Cao Bằng và Quảng Trị.
Từ tháng 6/2017 đến nay, ông giữ cương vị Phó Tham mưu trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu BĐBP và được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2020. Xen giữa những lần nhận nhiệm vụ ở các tuyến biên giới, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến 5 lần quay về trường cũ công tác với vai trò giảng viên, Phó trưởng khoa và Trưởng khoa.
Ở vị tướng mang hàm phó giáo sư Khoa học quân sự và tiến sĩ Luật gần 40 năm tuổi quân luôn toát lên phong thái uyên bác, trầm tĩnh cùng chất lính biên cương đậm nét.
Vị tướng thầy giáo
18 năm gắn bó với công việc của người thầy tại Học viện Biên phòng, Tướng Hoàng Hữu Chiến có tư duy rất rõ nét: Trung tâm của đào tạo phải là con người và trung tâm của nghiên cứu khoa học phải sát thực tiễn, có tính khả thi cao.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (khi đó mang quân hàm Đại tá, người ngoài cùng bên trái) tháp tùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng tới kiểm tra toàn diện tại BĐBP Quảng Trị năm 2015. |
Sự kính trọng của thế hệ những người lính biên phòng dành cho ông còn bởi niềm khâm phục đối với ý chí tự học, tự rèn. Biền biệt xa nhà 16 năm để thực hiện nhiệm vụ ở các tuyến biên phòng Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Trị, thế nhưng ông đã tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi.
Luôn tìm tòi cái mới cùng ý chí học tập đến mức kinh ngạc, trong chặng đường binh nghiệp của mình, ông đã “kịp” hoàn thiện nhiều chương trình đào tạo với vai trò là học viên ở Học viện Biên phòng, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Biên phòng Liên bang Nga, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Quốc phòng một cách xuất sắc.
Năm 2012, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Quản lý nhà nước về an ninh trật tự khu vực biên giới biển của BĐBP". Năm 2018, với những cống hiến xứng đáng trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới và nghiên cứu khoa học, ông được Nhà nước phong hàm phó giáo sư ngành Khoa học quân sự.
“Đang làm thầy giáo, theo nghiệp văn thì tôi lại đi biên giới thực tế, gọi vui là gác bút nghiên theo nghiệp võ. Có nhiều thứ chưa biết, tôi lại hỏi anh em ở đơn vị.
Hồi ở Quảng Trị, làm Chỉ huy trưởng nhưng tôi vẫn mời nhân viên hải đồ của Hải đội 2 thuộc Biên phòng tỉnh lên để anh em hướng dẫn thực tế về cách đọc hải đồ. Rồi cả cách thức tác chiến, vẽ bản đồ bằng tay, sau đó bỏ thước vẽ tay để nhớ. Thứ 7, chủ nhật trực chỉ huy đơn vị, tôi lại lấy bản đồ, văn kiện ra đọc, làm gì cũng đọc trước. Mình làm chỉ huy mà không hiểu công việc thì làm sao điều binh, khiển quân được”, Tướng Chiến nói.
Một cửa, một điểm dừng
Bằng tình yêu đặc biệt với dặm dài biên cương Tổ quốc và kiến thức khoa học tích lũy qua thực tiễn công tác, gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ cương thổ quốc gia, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đã góp công sức trong việc soạn thảo Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và dự án luật Biên phòng Việt Nam.
|
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (giữa) kiểm tra mô hình sáng kiến, cải tiến phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng Biên phòng. |
Thời gian công tác ở BĐBP Quảng Trị, ông dành nhiều thời gian, công sức để tham mưu cho chính quyền địa phương có nhiều chính sách an sinh hiệu quả để giúp bà con phát triển kinh tế, trở thành "phên dậu" vững vàng nơi biên cương Tổ quốc.
Năm 2015, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ phối hợp với Chính phủ Lào triển khai mô hình "Một cửa, một điểm dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đen Sa Vẳn (Lào) theo hiệp định EMS.
Khi đó, Chỉ huy trưởng Hoàng Hữu Chiến đã chỉ đạo BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh, các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Lao Bảo và lực lượng của nước bạn triển khai thành công.
Mô hình này được đánh giá là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế và hội nhập toàn diện trong khu vực các quốc gia tiểu vùng sông Mekong. Năm 2019, Trung Quốc cử đoàn cán bộ sang tham quan để áp dụng trên tuyến biên giới Việt - Trung.
Cũng trong giai đoạn này, Tướng Hoàng Hữu Chiến còn triển khai thành công hai đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực là "BĐBP sử dụng trinh sát nội tuyến trong chuyên án chống tội phạm ma túy" và "BĐBP tỉnh Quảng Trị phòng, chống vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới đất liền".
Bảo vệ ‘sổ đỏ’ biên giới quốc gia
Ngày 11/11/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) với tỷ lệ rất cao và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong thời khắc đặc biệt ấy, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến lặng đi với những cảm xúc…
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (khi đó mang quân hàm Đại tá) cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết nghĩa giữa đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và đồn Công an cửa khẩu quốc tế Đen Sa Vẳn (Lào). |
Ít người biết rằng, để có được thành quả nhằm “Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân” (trích điều 3 của luật BPVN), Tướng Chiến và các cộng sự đã mất 15 tháng 17 ngày để nghiên cứu, soạn thảo, chỉnh sửa, tranh luận về mặt pháp lý… với một số bộ, ngành, cơ quan.
Trong thời gian soạn thảo luật BPVN, ông được giao trọng trách trực tiếp tham gia các hội thảo lớn bao gồm đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành biên giới ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Cùng với đó là 10 hội thảo cấp đồn biên phòng để củng cố các căn cứ pháp lý bảo vệ việc cần phải có đạo luật về biên giới quốc gia.
“Ban đầu, khi trình dự án luật ra Quốc hội, đã có một số ý kiến trái chiều về một số quy định của dự thảo trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và của BĐBP.
Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng minh, phân tích bằng những lý lẽ xác đáng nhất, dù mất rất nhiều thời gian, công sức. Bởi lẽ, biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc” - ông nói.
Theo Tướng Chiến, nhiệm vụ xây dựng, ban hành luật BPVN nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và thể hiện một cách toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ, chính sách của Nhà nước về công tác biên phòng, yêu cầu nhiệm vụ biên phòng, là một nhiệm vụ hết sức lớn lao và vô cùng nặng nề.
“Tôi luôn xác định phải dốc hết thời gian, tâm huyết và tri thức để phối hợp với các thành viên ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự án luật đúng với mục đích, yêu cầu, quan điểm mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo đề ra; Đảm bảo chuyển hóa một cách sâu sắc, triệt để các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng", ông nhấn mạnh.