Việc mang cá về nhà đang ngày càng trở thành nhiệm vụ nguy hiểm tại làng chài ở Iceland. Khi cả thế giới đang lo về vấn đề nước biển dâng nuốt chửng đất liền thì cộng đồng nơi đây lại có một vấn đề trái ngược – mực nước biển đang giảm.
Những đầm phá bao quanh làng chài tại thị trấn Höfn, Iceland đang dần trở nên nông hơn và khó hơn trong việc định hướng. Những đợt thủy triều lên xuống với ít lực hơn, khiến dòng kênh mà tàu cá thường qua dần bị bùn cát bồi đắp.
Tàu tại cảng thị trấn Höfn, Iceland (Ảnh: CNN). |
Các con tàu tại một cảng ở thị trấn Höfn (Ảnh: CNN). |
“Sau mỗi lần trở về, sống của những chiếc thuyền lớn chở đầy cá trích hay cá trứng capelin gần như chạm đáy, nguy cơ cao gây thủng tàu, thất thoát tài chính hay đắm tàu”, ông Þorvarður Árnason – giám đốc trung tâm nghiên cứu của Đại học Iceland tại Höfn, cho biết. “Có khoảng 60 người đàn ông làm việc trên những con tàu đó, và đều là dân địa phương. Ý nghĩ về đắm tàu thực sự là khủng khiếp”.
Thị trấn Höfn nằm dưới bóng của chỏm băng lớn nhất tại Iceland, có tên Vatnajökull. Trong hàng thế kỷ, sức nặng của Vatnajökull đã nén chặt mặt đất bên dưới nó. Nhưng hiện tượng ấm lên toàn cầu đang khiến những chỏm băng và sông băng tan chảy nhanh chóng, hiện nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 200 năm qua. Và khi chúng biến mất, mặt đất bên dưới bắt đầu chồi lên.
Thế nhưng còn một lý do khác nữa khiến mực nước biển quanh Iceland đang giảm, đó là trọng lực.
Sự tan chảy nhanh chóng của các dòng sông băng và tảng băng tại Greenland đang khiến mực nước biển dâng cao ở hầu hết các nơi trên thế giới, đơn thuần bằng cách thêm một lượng nước khổng lồ vào đại dương.
Nhưng sự dâng cao này không đồng đều. Nói một cách khác, tại Greenland và các vùng lãnh thổ xung quanh – nơi có nhiều băng tan nhất, lại đang trải qua sự sụt giảm mực nước biển, và không chỉ bởi hiện tượng mặt đất dâng cao. Bất kỳ thứ gì có khối lượng đều có lực hấp dẫn riêng. Khối lượng càng lớn thì càng nhiều lực hấp dẫn.
“Tảng băng quá nặng nên đã “kéo” cả đại dương về phía nó, bởi trọng lực. Nhưng nếu nó tan chảy, lực hút này bắt đầu suy yếu và nước chảy đi. Bạn càng ở xa tảng băng, nước chảy về phía bạn càng nhiều” – ông Thomas Frederikse, một nghiên cứu sinh tại Phòng Thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA cho biết.
Biển băng trôi ở đầm phá sông băng Jökulsárlón (Ảnh: CNN). |
Các nhà khoa học NASA ước tính nếu mực nước biển trung bình toàn cầu tăng lên 1 mét, một phần do băng tan tại Greenland, thì quanh Iceland sẽ giảm 20cm do quốc gia này nằm quá gần Greenland, và chịu ảnh hưởng của trọng lực thay đổi.
Và dù việc băng tan tại Iceland đóng vai trò vào nước biển dâng toàn cầu, nhưng nó chứa lượng nước rất nhỏ so với những tảng băng lớn nhất thế giới. Giả sử tất cả dòng sông băng tại Iceland tan thì cũng chỉ tăng mực nước biển trung bình toàn cầu lên 1cm. Trong khi đó, Greenland và Nam Cực lại có đủ băng để gây những tác động thảm khốc. Nếu toàn bộ băng tại Greenland tan chảy, mực nước trung bình toàn cầu tăng thêm 7.5m, và nó sẽ tăng lên gần 60m nếu tất cả băng tại Nam Cực tan chảy.
Băng tan chiếm khoảng 2/3 mực nước biển trên thế giới, nhưng biến đổi khí hậu lại đang tác động đại dương theo một cách khác.
Khi con người thải ra nhiều khí nhà kính – chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên để tạo năng lượng, nhiệt độ nước biển cũng tăng và lượng nhiệt đó đang khiến các đại dương mở rộng.
Khi nước ấm lên, các phân tử sẽ di chuyển nhanh hơn và xa nhau hơn, làm tăng thể tích của nó. Các nhà khoa học ước tính khoảng 1/3 mực nước toàn cầu dâng có thể do sự mở rộng này.
Bằng chứng khoa học mới nhất cho thấy ngay cả khi thế giới ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, mực nước dâng vẫn cố đinh tới năm 2050, và lượng khí thải trong tương lai sẽ gây ra những hậu quả to lớn sau đó.
Nếu thế giới ấm lên từ 3-4 độ C so với mức trước khi công nghiệp hóa, các nhà khoa học cảnh báo mực nước trung bình toàn cầu có thể lên tới 70cm vào cuối thế kỷ này, đe dọa cuộc sống của con người tại một số khu vực. Nhiệt độ tăng hiện đã ở mức 1,2 độ C.
Iceland ngày càng ít băng sẽ tác động thế nào với thế giới?
Trong khi ngư dân ở Höfn vật lộn với hệ quả việc nước biển trở nên nông hơn, người dân trên CH quần đảo Marshall - một đảo quốc ở châu Đại Dương, lại đang theo dõi mực nước biển ngày càng dâng cao.
Quần đảo Marshall được hình thành từ 5 hòn đảo và 29 đảo san hô vòng nằm ở vị trí thấp. Khi băng tan ở phía bên kia địa cầu ở Greenland và Iceland, mực nước biển dâng đã buộc người dân nơi đây thay đổi cách sống và nghĩ về tương lai.
Ảnh chụp từ trên cao của Đảo Ejit trong Đảo san hô Majuro của Quần đảo Marshall (Ảnh: CNN). |
“Không có núi, đại dương thì ở 2 bên và mảnh đất thì lại rất nhỏ và mỏng. Đường bờ biển ngày càng ngắn lại, đây thực sự là mối đe dọa với sự tồn tại của quần đảo”, Kathy Jetn̄il-Kijiner – nhà văn kiêm đặc phái viên khí hậu của Bộ Môi trường quần đảo Marshall cho biết.
Độ cao trung bình trên mực nước biển ở quần đảo này chỉ 2 mét, từng centimet ở đây đều quý giá. Trên toàn cầu, mức nước trung bình đã tăng hơn 20cm kể từ đầu thế kỷ 20, và đã tăng nhanh trong 3 thập kỷ qua.
Từ năm 1993, mức độ trung bình đã tăng từ 2,8 – 3,6mm. Theo báo cáo khí hậu của chính phủ Úc, quần đảo Marshalls đã trải qua việc mức tăng gấp đôi, khoảng 7mm. Nước biển dâng đã khiến tình trạng lụt xảy ra thường xuyên hơn, những con sóng thường xuyên đánh dạt vào các hàng rào bảo vệ biển. Đường phố lụt lội, nước uống ô nhiễm, sinh kế bị phá hủy, mối đe dọa lũ lụt luôn hiện hữu trong tâm trí mọi người. Đó luôn là mối đe dọa mà quốc gia này phải đối mặt từ biến đổi khí hậu, và họ cần những công cụ mới để thích ứng nhanh chóng.
Người dân xây dựng một bức tường biển ở Majuro, Quần đảo Marshall, vào tháng 4/2019 (Ảnh: CNN). |
Những cậu bé làm sạch cá dọc theo bờ biển của Đảo Ebeye trong đảo san hô Kwajalein của Quần đảo Marshall vào tháng 7/2019 (Ảnh: CNN). |
Một nghiên cứu chung giữa chính phủ Marshallese và Ngân hàng Thế giới đã vạch ra những lựa chọn cho quốc gia này, từ việc xây dựng các bức tường biển cho tới thu hồi đất và nâng cao các tòa nhà. Những phản ứng mạnh mẽ hơn sẽ là nâng cao toàn bộ quần đảo, và phương án cuối cùng là di cư.
“Chúng tôi phải cảnh giác, phải chuẩn bị tinh thần rằng có thể phải đắp bờ, có thể phải rời nơi làm việc giữa chừng và về nhà để chăm lo nhà cửa, vườn tược của mình khi nhà bị ngập lụt”, Jetn̄il-Kijiner cho biết.
Gia đình cô, như bao người sống trên đảo, đã phải xây bức tường bê tông để che chắn ngôi nhà khỏi lũ lụt thường xuyên. Hàng rào bằng những tấm thiếc trước đây của họ không còn đủ nữa. Và bức tường mới này sẽ là giải pháp… vào lúc này.
Sóng đập vào tường chắn biển ở Majuro tháng 4/2019 (Ảnh: CNN). |
“Ai biết được nó sẽ hiệu quả trong bao lâu. Những tác động vẫn tiếp tục xảy ra bởi chúng ta không giảm lượng khí thải toàn cầu nhanh như chúng ta cần làm. Và tại đây, nó đã trở nên nghiêm trọng tới mức chúng tôi đang khám phá những phương án thích ứng thực sự cực đoan như nâng cao hòn đảo, hay thậm chí phải xây một hòn đảo hoàn toàn mới”, cô cho biết.
Theo nghiên cứu chung, 40% các tòa nhà ở thủ đô Majuro sẽ gặp nguy hiểm nếu mực nước biển dâng 1 mét, với 96% thành phố chịu cảnh ngập lụt thường xuyên.
“Nó hoàn toàn không công bằng. Chúng tôi nhẽ ra không cần phải làm vậy. Đây là những biện pháp cực đoan tiêu tốn chúng tôi hàng tỷ đô, tất cả chỉ bởi những thứ mà chúng tôi không gây ra”, Jetn̄il-Kijiner cho biết.