Suối cá Cẩm Lương thuộc địa bàn thôn Lương Ngọc cách trung tâm TP Thanh Hóa 80km về phía Tây. Dòng suối nơi đây còn gọi là mó Ngọc, được chảy ra từ một hang nước ngầm trong lòng núi Bồ Um thuộc dãy Trường Sinh. Nếu để ý du khách sẽ thấy cửa hang chỉ rộng hơn một sải tay người, với chiều cao chỉ độ vài chục cm. Thế nhưng, đàn cá sinh sống ở đây đông đúc tới hàng vạn con, với trọng lượng ước chừng từ 3 - 7kg mỗi con vẫn vào ra dễ dàng. Theo người dân địa phương suy đoán, hang cá có thể thông với một con sông hoặc con suối ngầm trong lòng đất có mạch đá vôi bị hòa tan. Tuy nhiên, với nhiều cách thử, đến nay vẫn chưa một ai có thể biết được suối hay sông ngầm này bắt đầu từ đâu, song chắc chắn là được xuất phát trong khu vực rừng nguyên sinh khá rộng và liền kề ngay đó.
Suối cá Cẩm Lương thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu. |
Theo cách gọi quen thuộc của người dân địa phương thì loài cá ở đây là “cá thần”, tuy nhiên dựa theo đặc điểm nhận dạng của giới nghiên cứu cho biết đây là loài cá Giốc (thuộc bộ cá chép có tên trong sách đỏ Việt Nam, loài cá rất quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển bền vững). Vào một số dịp “đặc biệt”, người dân sống xung quanh đây còn thấy xuất hiện những con “cá chúa”, mang có vành đỏ như đôi khuyên tai, mắt có hai mí xanh đỏ, đuôi có chấm đỏ viền xanh. Chẳng ai cân đo được trọng lượng “cá chúa” bao giờ, thế nhưng nhiều người dân tộc Mường cao tuổi quả quyết cá chúa có thể nặng tới 30 - 40kg.
Theo lời kể, “cá chúa” chỉ xuất hiện với vai trò như vị chỉ huy của cả đàn khi múa mừng chàng rắn (vị thần linh được thờ ở suối cá Cẩm Lương) xuất hiện. Tuy nhiên, theo một phân tích khác, do trọng lượng cơ thể quá lớn, cộng thêm tác động của địa chấn, cửa hang ra vào hẹp nên cá chúa đến nay không xuất hiện bên ngoài nữa.
Và một điều đặc biệt ở đây cho đến nay vẫn chưa có “lời giải” đó là đàn cá chỉ bơi cách cửa hang chừng hơn 100m rồi quay trở lại, không bao giờ đi xa. Dù bao trận mưa lũ kéo qua đây, nước từ lòng hang tràn ra hay từ rừng núi phía Tây đổ xuống, không ít lần dòng suối dâng cao tràn ra khắp các cánh đồng, song khi mưa lũ dứt hẳn đàn cá vẫn bơi lội đông đúc như chưa hề có biến cố gì xảy ra. Hết ngày này đến ngày khác, “cá thần” Cẩm Lương luôn tuân thủ quy luật tự nhiên không bao giờ thay đổi: ban ngày rời cửa hang bơi lội ra suối để ăn mồi và chào đón du khách, đêm đến lại kéo nhau vào hang nước ngầm để trú ngụ. Với niềm tin của người dân địa phương về giống “cá thần”, cùng sự bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chính quyền địa phương, đến nay dòng suối vẫn luôn trong vắt, đàn cá đông đúc như minh chứng cho mọi sự kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho người Mường, cho Cẩm Thủy và cả xứ Thanh.
Cùng với việc tham quan suối “cá thần”, du khách cũng nên dành thời gian để thăm thú, du ngoạn, thưởng thức cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Ngay sát bên dòng suối cá, đi thẳng chừng 20m, theo con đường nhỏ ngược lên là động Cây Đăng hay còn gọi là hang Dơi. Động có 2 cửa, cửa vào gọi là cửa cha, cửa ra gọi là cửa mẹ. Cửa cha thì phải leo cao, còn cửa mẹ thì ở dưới thấp, tất cả đều lên xuống dễ dàng.
Dưới bàn tay của tạo hóa, động Cây Đăng mang đến cho du khách những câu chuyện hấp dẫn về một thế giới huyền bí thu nhỏ. Từ ngoài vào trong, du khách sẽ bắt gặp những hình hài giống như hình long, ly, quy, phượng, rồng quấn mây bay. Còn có những nơi lại giống với cảnh hội vườn đào, có các tiên nữ đang múa hát mừng sự có mặt của các thánh, quan, các bụt đang tọa thiền và đào tiên nhiều vô kể. Bên cạnh cảnh thanh bình chốn tiên, những nhũ đá ở đây còn phô bày ra cảnh đại chiến giữa quân của Ma - May, Ma - Lang với quân của Lang Cun Khương trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường anh dũng quật cường... Tùy vào trí tưởng tượng phong phú của mỗi du khách khi đến đây, động Cây Đăng được xem như đề tài bất tận của những câu chuyện dân gian đầy thi vị.
Rời động Cây Đăng, từ cửa mẹ đi ra du khách lại dọc theo suối cá tham quan miếu thờ thần rắn - một không gian thiêng mà người Mường ở Lương Ngọc rất sùng kính. Theo như lời kể của người dân bản địa, vị thần linh được thờ ở đây chính là “chàng rắn” - người đã giúp dân làng xây dựng bản Mường từ thuở “Đẻ đất, đẻ nước”. Cũng từ đây đã diễn ra một thiên tình sử rất đẹp giữa chàng rắn với con gái út của vua thủy tề. Vì từ chối sự tác hợp của cha để không lấy thuồng luồng mà cả thủy cung nổi giận làm mưa to, gió lớn và nước dâng để nhấn chìm muôn loài trên thế gian. Cuộc chiến giữa chàng rắn và thuồng luồng cũng đã diễn ra quyết liệt, nhưng cuối cùng thuồng luồng đã thua trận, bản Mường lại yên vui. Thế nhưng, sau khi trận chiến kết thúc thì gia đình chàng rắn cũng biến đi đâu mất, và nơi đó lộ ra một cửa hang nước chảy trong lành, có vô số cá theo con suối ra suốt ngày đêm và ngay tại con suối đó dân làng đã lập đền thờ chàng rắn để tỏ lòng biết ơn.
Vào mùa xuân, du khách đừng quên trở lại với suối cá Cẩm Lương để tham dự Lễ hội khai hạ của người dân làng Lương Ngọc (mùng 7 - 8 tháng Giêng), khám phá những giá trị văn hóa giàu bản sắc của đồng bào Mường nơi đây. Trong không gian rừng núi, cùng với đoàn người rước kiệu, đội cồng chiêng, đội trống nhạc, xúng xính quần áo, váy khăn thổ cẩm đủ mọi màu sắc... để cảm nhận không khí vui nhộn của ngày hội và niềm vui ở một điểm đến chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ bí.