Tại thôn Làng Mang, xã Minh Tiến (Lục Yên, Yên Bái) từ lâu đã lưu truyền câu chuyện khó tin về kho báu. Nhiều người cho rằng, mảnh đất nghèo nàn này là nơi cất giữ kho báu cùng 2 chiếc chiêng làm bằng đồng đen quý giá.
Trứng nở ra rồng
Ông Hoàng Văn Môn, nguyên Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Lục Yên là người am tường về câu chuyện kho báu Làng Mang. Ngay từ những năm còn đương chức, mỗi lần xuống Làng Mang công tác, ông Môn đều ít nhiều dò hỏi những thông tin mới về kho báu này.
Ông Môn bảo, ngày xưa khi ngôi làng này còn chưa có tên, một người đàn bà trong bản đi làm đồng gặp một quả trứng lạ. Bà mang trứng về ấp và nở ra một con rồng, ban đầu bà thả nó trong chậu, trong chum. Nhưng sau đó, con rồng lớn dần và đi đâu cũng theo chân người đàn bà này.
Thấy không thể cho nó theo mãi được nên bà đã mang nó thả vào trong một cái hang đá quanh năm có nước chảy trong mát. Kể từ đó người ta gọi cái hang là Mỏ Mang, có nghĩa là mỏ nước đã cưu mang rồng. Và cái tên Làng Mang cũng khởi nguồn từ đó.
"Ai cũng biết đây chỉ là câu chuyện thần thoại giải thích cái tên cho hang động, cho tên làng. Tuy nhiên, có một sự thật là vùng đất này từng là nơi cất giữ kho báu bí mật. Chuyện này tôi đã được nghe nhiều, ban đầu chỉ nghĩ đó là chuyện thêu dệt, nhưng thực sự là có căn cứ", ông Môn cho hay.
Mỏ Mang bây giờ đã bị nước hồ Thác Bà dâng cao. |
Kỳ bí kho báu
Các cao niên thôn Làng Mang kể lại, ngày xưa ở ngay gần hang Mỏ Mang có một cái đình rất cổ kính. Ngày rằm hằng tháng và mùng 3 tháng Giêng, người dân trong thôn bản nô nức đi cầu đình. Riêng ngày Tết, trai gái trong bản kéo nhau ra đây chơi đánh yến, ném còn.
Trong hang động Mỏ Mang có cất giữ một kho báu lớn, trong số đó có vô số vàng bạc châu báu. Cứ đến dịp cầu đình, trai gái trong bản lại ra Mỏ Mang khấn vái thần linh để được mượn vòng tay, khuyên tai, xà tích vàng và bạc trắng để diện trong những ngày Tết.
Sau Tết Nguyên tiêu, những vật được mượn phải được trả đúng chỗ, chẳng ai dám bớt xén dù là vật nhỏ nhất. Tuy nhiên sau này do lòng tham của một số người, họ đã đánh tráo vàng thật, bạc trắng thật bằng những thứ kim loại thông thường để trả thần linh.
"Từ đó, cửa hang đóng sập lại và chẳng ai có thể vào được trong hang. Người ta cho rằng, thần linh đã phát hiện việc giả dối của người dân nên tức giận và không cho mượn nữa", ông Môn cho hay.
Tuy nhiên, lại có một câu chuyện khác kể rằng, người Tàu sang đây để buôn bán, làm ăn, họ tích được rất nhiều vàng bạc đá quý. Sau đó họ chuyển về nước, do không mang theo được hết của cải, người Tàu đã đến hỏi một cô gái trẻ trong bản về làm vợ cho con trai họ.
Ông Hoàng Văn Tài, người đầu tiên khám phá lối vào Mỏ Mang. |
Khi lấy về, đôi trai gái không được sống cùng nhau. Người Tàu chỉ cho cô gái ăn chay bằng ăn hoa quả. Khi cô gái kiệt sức, họ đã chuyển những chum vàng, chum bạc vào trong Mỏ Mang để cô gái nằm lên những chum của đó. Đồng thời, người Tàu cũng thắp một ngọn đèn dầu để khi nào cô gái tắt thở thì ngọn đèn tắt theo và hồn cô gái sẽ trở thành "thần giữ của".
Một đêm nọ, dân làng nge tiếng chiêng trống vang lên từ Mỏ Mang, sáng hôm sau người làng ra đó thì thấy cửa Mỏ Mang đóng sập lại, cửa hang chỉ còn một mạch nhỏ cho dòng nước chảy ra. Người làng cho rằng, những người cất giữ kho báu đã quay lại yểm bùa.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng, kho báu vẫn còn trong hang và chưa hề bị di chuyển đi. Một số người dân địa phương đã tổ chức những đợt săn lùng và truy tìm kho báu nhưng bất thành. Có người từng mang búa tạ ra đập tảng đá cửa hang nhưng tảng đá ấy vẫn không hề sứt mẻ.
Bà Cước, người từng mang chum lọ về và phải đem trả lại. |
Phát hiện bất ngờ
Một hôm có một con dê của người trong làng bị rơi xuống một cái hang đá cạnh Mỏ Mang. Chủ đàn dê không dám xuống mới thuê ông Hoàng Văn Tài và một người trong bản đi xuống để bắt con dê lên. Khi xuống dưới, ông Tài đã vô tình phát hiện ra con đường khác dẫn vào trong hang kho báu.
Sau khi bắt được con dê và trở về bản. Mấy ngày sau, hai người âm thầm bàn nhau vào trong hang xem thực hư kho báu có hay không. "Phía trong hang là khoảng rộng bằng nhà sàn, phía trên là những nhũ đá rất to và đẹp, ở giữa có 1 vũng nước nhỏ cao ngang gối rất trong mát. Trong hang có rất nhiều dơi sinh sống, cứ lần theo hướng dơi bay thì phát hiện đường vào nhưng lại có một phiến đá chắn. Chúng tôi lách người qua lối hẹp mà vào. Bên trong là hàng trăm cái chum với đủ kích cỡ, nhưng trong chum không có kho báu gì", ông Tài cho biết.
Ông Môn kể về chuyện kho báu Làng Mang. |
Người dân ở gần Mỏ Mang cho biết, khi đi cày ruộng ở khu vực Mỏ Mang cũng phát hiện rất nhiều chum lọ sành, có người mang về dùng nhưng người nhà cứ ốm đau triền miên hoặc mắc bệnh lạ không chữa được. Họ đã phải mời thầy đến làm lễ và mang những thứ đó trả về chỗ cũ thì mới được yên ổn.
Như trường hợp bà Hoàng Thị Cước sau khi mang chiếc lọ về đựng mẻ, chồng đang khoẻ mạnh bỗng dưng ngã lăn ra đất co giật. Chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng không ra bệnh. Nghĩ đến mấy trường hợp trước đó, bà Cước mới đem lọ sành ra trả thì bỗng dưng ông chồng lại trở lại bình thường.
Chiêng đồng phục chế theo nguyên bản chiêng cổ. |
Hai chiếc chiêng cổ
Liên quan đến kho báu Mỏ Mang là ngôi đình làng cổ giữ hai chiếc chiêng làm bằng đồng đen quý giá. Theo các cao niên trong làng, khi dân làng làm lễ cầu đình thì tất cả dân làng ở Đán Đeng, xã Vĩnh Lạc; người vùng núi Thái Bảo ở khu Làng Bạc xã Ngọc Chấn (Yên Bình) cách đó hàng chục cây số vẫn nghe thấy rõ tiếng chiêng vang.
Người thôn Làng Mang khẳng định, hai chiếc chiêng đó được làm bằng đồng đen, mỗi chiếc to bằng cái mâm. Một cái là chiêng đực, cái còn lại là chiêng cái. Đây là hai báu vật nằm trong quần thể hang Mỏ Mang, tuy nhiên chiêng có từ thời nào thì không ai được rõ.
Theo ông Môn, trong lúc loạn lạc dân làng bỏ đi nơi khác. Trước khi đi, người ta mang hai chiếc chiêng đó treo lên cây vối cổ thụ. Họ chọn cành vươn ra giữa Mỏ Thâm là một mỏ bùn lầy. Khi trở lại, người ta không còn thấy chiếc chiêng đâu nữa và đoán rằng cành cây đã bị gãy cùng hai chiếc chiêng bị chìm sâu dưới đáy bùn.
Điều kỳ lạ là, cứ vào ngày mùng 3 Tết, người làng lại nghe thấy tiếng chiêng đực và chiêng cái vang lên ở chính Mỏ Thâm này. Người ta cho rằng, hai bảo vật của Làng Mang không mất đi mà ẩn sâu dưới lòng đất cùng khối kho báu thần linh kia.
"Tôi đã từng về Làng Mang tìm hiểu, nghiên cứu về kho báu và hai chiếc chiêng đồng cổ kính này. Bước đầu có thể xác định hang Mỏ Mang từng là nơi sinh sống của một nhóm người nào đó, bằng chứng để lại là những chiếc lọ sành. Còn kho báu thực chất chỉ là truyền miệng, không có thật".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương