Những số phận may mắn
Trước đây, xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) là một trong những xã khó khăn. Người dân địa phương cần cù, chăm chỉ, quanh năm chỉ biết trông vào đồng ruộng và nghề đi biển, nhưng kinh tế cũng chẳng dư giả gì. Tuy vậy, nhiều năm trở lại đây, địa phương có sự đổi thay, diện mạo làng quê đổi mới, không khác gì thành thị. Những ngôi biệt thự cao tầng thi nhau mọc lên san sát, đời sống được cải thiện hơn trước rất nhiều. Có được điều này là nhờ nhiều người dân năng động làm ăn, chịu khó tích lũy. Ngoài ra, ở một số hộ gia đình, sự đổi thay còn bắt nguồn từ việc họ có con em kết hôn với người nước ngoài.
Bộ mặt làng quê Đại Hợp đã có nhiều đổi thay... Ảnh: Đức Tùy |
Nói về việc này, bà Bùi Thị Út, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Hợp cho biết: “Trước đây, xã chúng tôi nghèo khó lắm, nhưng từ khi một số con em sinh sống tại địa phương đi lấy chồng nước ngoài thì kinh tế cũng có sự đổi thay. Nhiều gia đình nghèo khó đã khá giả hơn. Họ đã có tiền tích lũy gửi ngân hàng...”.
Theo tìm hiểu, ngoài làm nông thì ở Đại Hợp có thêm nghề đi biển đánh bắt cá. Sau những chuyến lênh đênh đánh cá cùng gia đình, một số cô gái bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống ở bên kia biên giới. Họ theo tàu sang Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Do không biết tiếng, không có giấy tờ tùy thân nên lúc đầu các cô gái cũng rất vất vả, nhưng rồi họ cũng tìm được cách tồn tại nơi đất khách quê người. Nhờ chăm chỉ, họ không những kiếm được tiền đủ để sống mà còn có của ăn của để. Khi kinh tế đã khá giả, những cô gái này trở về quê, họ nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều cô gái trẻ khác. Nhiều cô gái tuổi đôi mươi đã muốn theo chân các chị, xuất khẩu lao động hoặc kết hôn với người nước ngoài.
Theo thống kê của chính quyền xã Đại Hợp, những năm trước phong trào lấy chồng ngoại ở địa phương nở rộ, khiến các trung tâm môi giới hôn nhân, trung tâm dạy tiếng nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc) xuất hiện khá nhiều. Năm 2006, cả xã có khoảng 100 người lấy chồng ngoại quốc, đến năm 2010 có 741 người, chủ yếu là ở Đài Loan, Hàn Quốc... Đặc biệt, có những gia đình có 2, thậm chí 3 con gái lấy chồng nước ngoài. Phần lớn các cô gái đang định cư ở nước ngoài có cuộc sống ổn định, thường xuyên liên lạc với gia đình tại Việt Nam.
Và những câu chuyện buồn
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp may mắn khi kết hôn. Bên cạnh những cô gái tự nguyện lấy chồng nước ngoài thì cũng có những trường hợp làm như vậy vì nghe theo sự sắp đặt của gia đình. Thậm chí có những gia đình sẵn sàng tìm cách vay mượn để trả các chi phí, với mong muốn cho con một tấm chồng ngoại quốc, nhằm thoát nghèo.
Câu chuyện về chị H lấy phải chồng người Hàn Quốc bị mắc bệnh tâm thần khiến nhiều người dân nơi đây mỗi khi nhắc lại vẫn cảm thương. Hồi đó, chị H có biết chồng mình như thế nào đâu sau khi được môi giới và gặp nhau đúng một lần thì diễn ra lễ cưới. Hôm tổ chức lễ thành hôn, chị và họ hàng mới phát hiện ra người chồng tương lai thần kinh không bình thường, trong khi ngôn ngữ lại không biết. Khi sang bên Hàn Quốc, chị H mới biết chồng mình mắc chứng bệnh down. Quá chán nản, chị H đã làm đơn xin ly dị và về nước.
Đối với gia đình bà N thì lại khác, sau khi con gái lấy chồng ngoại quốc và sang đó sinh sống, nhiều tháng bà không nhận được tin con. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, bà N quyết định sang Đài Loan. Đúng như dự cảm, con gái bà đang sống ở một ngôi nhà rách nát ở một khu rừng hẻo lánh. Người chồng là kẻ nghiện rượu, không chịu làm ăn, thậm chí sau mỗi trận rượu say là về hành hạ, đánh đập vợ. Không thể chấp nhận được tình cảnh ấy, bà N đã tuyên bố nếu con rể không bỏ rượu, tu trí làm ăn nuôi vợ thì bà sẽ mang con gái trở về nước.
Nhiều người dân ở Đại Hợp nói rằng, khoảng 10 năm trước, việc các cô gái ở Đại Hợp lấy chồng ngoại đã khiến nhiều nam giới không lấy được vợ cùng xã. Có những đàn ông trên 40 tuổi, dù rất muốn lấy vợ trong làng nhưng vẫn phải đến các nơi khác tìm duyên. Rất may là hiện nay việc tìm vợ của nam giới trong xã đã dễ dàng hơn, bởi có rất nhiều công ty chủ yếu là công nhân nữ được mở ra trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Những năm gần đây, con gái ở Đại Hợp cũng không còn ra nước ngoài lấy chồng ồ ạt như mấy năm trước nữa.
Để tránh những hệ lụy từ việc lấy chồng nước ngoài, UBND xã Đại Hợp cũng tích cực tuyên truyền cho các em học sinh, từ THCS đến THPT. Đặc biệt, TP Hải Phòng đã kiên quyết không làm thủ tục cho những người lấy chồng nước ngoài thông qua môi giới.
Bà Bùi Thị Út, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Hợp cho biết: “Trước đây vì kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã hướng cho con em mình lấy chồng nước ngoài để đổi đời. Tuy nhiên bây giờ kinh tế ổn hơn, các gia đình đầu tư cho con học hành, tìm kiếm cơ hội làm việc ở địa phương. Hơn nữa những thế hệ trước có nhiều người lấy chồng nước ngoài cũng không được may mắn, đây chính là những bài học để các gia đình và các bạn trẻ nhìn vào...”.