Lá thuốc lào được bẻ (hái) về, được rọc sống lá và cuống lá cứng bằng một dụng cụ chuyên dụng bằng tre (kìm tre). Khâu rọc lá cũng đòi hỏi sự khéo léo, nếu rọc không có kỹ thuật lá thuốc sẽ bị rách nát, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Sau khi rọc, lá thuốc được xếp lớp, cuộn thành cuộn tròn đường kính từ 18 - 22cm (có tài liệu ghi 20 - 25cm), độ dài mỗi cuộn thuốc tầm dài từ 1,8 - 2,3m (có tài liệu ghi 2,4 - 2,8m), buộc lạt tre như kiểu bó giò.
Công đoạn cuộn lá thuốc thành cuốn cũng là một kỹ thuật khó đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo để cuộn thuốc không quá mềm rỗng hoặc quá cứng. Cuộn thuốc mềm thì không khí bên trong cuộn còn nhiều dễ gây thối hoặc héo lá; cứng quá thì thuốc cũng dễ thối và lá thuốc không đủ độ “chín” khi thái.
Cuộn thuốc được ủ 3 - 5 ngày tùy điều kiện khi thấy cuộn thuốc vàng suộm thì tiến hành thái. Khi chưa có máy thái người dân thái thuốc bằng tay. Sử dụng một cái “cầu” bằng cây gỗ dốc 30%, đặt cuộn thuốc lên, kê hệ thống con lăn để cuộn thuốc từ từ trôi xuống. Người thợ thái thuốc ngồi đầu cầu trên cái ghế con cầm con dao chuyên dùng mảnh nhẹ nhưng rất sắc, thái nhẹ nhàng và kỹ thuật.
Ảnh: Báo Hải Phòng |
Tuỳ theo số lượng cuộn thuốc nhiều hay ít mà bố trí vài ba người thái sao cho đến khoảng 10h - 11h là phải xong để kịp phơi cơn nắng ban trưa cho sợi thuốc đủ khô, tránh sợi thuốc bị xỉn màu vì không đủ nắng. Hiện nay, nhiều nơi đã sử dụng máy thái thuốc khiến giảm được công lao động và sợi thuốc nhờ đó cũng nhỏ và đều hơn. Tuy thuốc được thái bằng máy nhưng người điều khiển máy vẫn đóng vai trò quan trọng, đôi bàn tay khéo léo của người thợ thái giúp cho sợi thuốc đều, nhỏ và không bị đứt chỉ.
Thuốc thái xong dùng que phơi để rải đều sợi thuốc lên phên, nong, nia, đem ra sân và vườn để phơi tận dụng nắng. Trường hợp gặp ngày mưa không thể phơi được thì phải đốt sấy bằng cách làm rạp kê phên thuốc lên rồi dùng rơm rạ đốt ở dưới đến khi sợi thuốc khô mới thôi. Có thể dùng kỹ thuật ủ men một ngày sau thái kết hợp với hồ sợi sẽ cho chất lượng thuốc ngon hơn.
Một bí quyết trong công đoạn phơi thuốc cũng thường được người dân Tiên Lãng áp dụng là phơi sương. Thuốc được phơi thông từ chiều đến 9 - 10 giờ tối là thời điểm sương muối xuống. Thuốc được tưới sương sẽ mềm, độ dầu dẻo cao và màu sắc đẹp hơn.
Thuốc phải phơi đủ nắng khi nào sợi thuốc khô kiệt, chuyển màu nâu sẫm, nâu hạt cau hoặc vàng, có mùi thơm là sẵn sàng được bao gói bảo quản và đưa vào sử dụng, tiêu thụ. Tuy nhiên chỉ những sơ suất nhỏ như bao gói không kín, không kĩ, bị gió lùa, ẩm ướt cũng có thể làm cho thuốc mốc, hỏng.
Thời gian đóng gói thường vào buổi chiều tối hoặc sáng, sau khi thuốc lào được ủ từ trưa (nếu đóng vào chiều tối) hoặc từ chiều hôm trước (nếu đóng vào sáng hôm sau) để thuốc ỉu, lả, mềm, đỡ giòn. Bảo quản thuốc tại các vùng nông thôn xưa có thể theo cách đóng vào chum, vại sành trên bịt lá chuối khô chống mốc và giữ mùi thơm. Nay thường được đóng gói bằng bao nilon, với sợi thuốc đóng gói được ép chặt, giảm tối đa lượng không khí trong các lớp thuốc.
Trước khi đến tay người tiêu dùng, một số nhà sản xuất còn dùng các phương pháp hồ tẩm hương liệu để tạo hương thơm, vị ngọt khi hút.