Cuối tháng 5, hàng loạt thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của lực lượng cảnh sát Mỹ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook.
Trong giai đoạn này, Facebook từ chối đưa ra hành động cụ thể để ngăn chặn thông tin sai sự thật hoặc xử lý ngôn từ thù địch như những bài đăng của Tổng thống Trump. Ngược lại, mạng xã hội Twitter mạnh tay "đánh dấu" nội dung của ông Trump là "thông tin dễ gây hiểu nhầm và kích động bạo lực".
Làn sóng tẩy chay Facebook bắt đầu từ thời điểm trên, bùng phát mạnh mẽ khi mạng xã hội này tiếp tục có những điều chỉnh liên quan tới yếu tố chính trị. Như việc loại bỏ tất cả những bài đăng, bài quảng cáo có hình ảnh tam giác ngược màu đỏ viền đen trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump.
Những quyết định của Facebook đón nhận làn sóng chỉ trích đến từ nhiều đối tượng, trong đó có chính các nhân viên của họ, thậm chí các tổ chức khoa học công nghệ được Facebook tài trợ cũng lên tiếng phản đối.
Theo Washington Post, các tổ chức dân quyền như Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) và Liên đoàn chống phỉ báng (ADL) đã thực hiện một chiến dịch tẩy chay có tên #StopHateForProfit.
Chiến dịch có mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết lại, ngừng chi tiêu quảng cáo trên Facebook để tạo áp lực tài chính buộc mạng xã hội này phải thay đổi.
Lời kêu gọi nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ các công ty nổi tiếng như thương hiệu thời trang dã ngoại The North Face, trang web tuyển dụng Upwork, nhà bán lẻ Patagonia và REI. Đa số các công ty xác định sẽ ngừng tất cả chiến dịch quảng cáo trên Facebook từ đầu tháng 7.
The North Face, Upwork, nhà bán lẻ Patagonia và REI là những công ty lớn đầu tiên tham gia tẩy chay quảng cáo trên Facebook. Ảnh: Dosi-in. |
Làn sóng tẩy chay tiếp tục lan rộng ra những doanh nghiệp vừa nhỏ, nhóm khách hàng mang lại cho Facebook khoảng 8 tỷ USD mỗi năm.
"Chúng tôi tìm kiếm sự thay đổi tích cực từ Facebook, họ phải dừng việc quảng cáo cho các ngôn từ thù địch", nền tảng chiếu phim trực truyến Magnolia Pictures thông báo trên trang Twitter.
"Chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự chia rẽ đất nước đến từ các nền tảng mạng xã hội", thương hiệu kem Ben & Jerry viết trên trang Facebook chính thức.
Chiến dịch tẩy chay Facebook còn tiếp tục thu hút được sự tham gia của các công ty quảng cáo, tiếp thị.
"Có vẻ như chúng ta đã tới giai đoạn cần thay đổi, nó không còn là vấn đề của một thương hiệu nữa, mà là sự an toàn cho cả xã hội này", Stephan Loerke, CEO của Liên đoàn các nhà quảng cáo quốc tế (WFA) nói.
Theo New York Times, Facebook đã nhanh chóng đưa ra thay đổi để hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế, như ngăn chặn sự lan tỏa của những nội dung kích động bạo lực trên nền tảng này.
"Facebook tôn trọng quyết định của các doanh nghiệp, nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi bây giờ là ngăn chặn những nội dung thù địch, tạo môi trường mạng xã hội công bằng cho cuộc bầu cử sắp tới", Carolyn Everson, Phó giám đốc marketing toàn cầu của Facebook nói.
Nhiệm vụ quan trọng của Facebook bây giờ là ngăn chặn các nội dung thù địch, tạo môi trường công bằng cho cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: AP. |
Trên thực tế, các công ty tham gia chiến dịch tẩy chay Facebook đều chưa xóa tài khoản Facebook của họ. Các chuyên gia nhận định họ sẽ quay lại nền tảng này sau tháng 7, nhưng các khoản chi tiêu có thể sẽ thay đổi.
"Facebook không làm tốt công việc của họ, doanh nghiệp và các nhà quảng cáo cần sự quan tâm lớn hơn. Chúng tôi sẽ trải nghiệm những nền tảng khác như Amazon, Snap hoặc TikTok", Barry Lowenthal, giám đốc công ty truyền thông Media Kitchen chia sẻ.
Theo số liệu của trang thống kê Statista, 98,5% doanh thu của Facebook đến từ các hoạt động quảng cáo. Trong 10 năm trở lại đây, mặc dù liên tục hứng chịu chỉ trích về các chính sách khác nhau, doanh thu của Facebook chưa từng giảm.
Jason Dille, chuyên viên quảng cáo của công ty truyền thông Chemistry, cho biết rất nhiều đối tác của họ cân nhắc ngừng chi tiêu quảng cáo cho Facebook, nhưng đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch của họ.
"Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh số của các cửa hàng, Facebook là con dao 2 lưỡi, nhưng doanh nghiệp buộc phải chi tiêu nhiều hơn để tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ trên Internet", Dille phân tích.