Vị tăng nhân khổ hạnh đi vào trong một con hẻm nhỏ, ông nhìn thấy có một ngọn đèn đang lóe lên những tia ánh sáng vàng nhạt yếu ớt, từ chỗ sâu con hẻm tĩnh lặng chầm chậm chiếu đến. Một người dân làng nói: “Thằng mù đến rồi”. Mù ư? Vị tăng nhân khổ hạnh ngẩn người ra, ông hỏi một người dân làng bên cạnh: “Người xách chiếc đèn lồng đó, có thật là bị mù hay không?”.
Đáp án ông nhận được là “Đúng thế”.
Vị tăng khổ hạnh nghĩ mãi vẫn không sao hiểu được. Một người đã mù cả đôi mắt, anh ta căn bản là không có khái niệm ban ngày hay ban đêm. Anh ta không thấy được núi cao nước chảy, cũng không thấy được thế giới vạn vật xanh đỏ tím vàng. Anh ta thậm chí không biết được ánh đèn là như thế nào nữa, thế nên anh ta xách theo chiếc đèn lồng như vậy, há không phải để người ta cười chê hay sao?
Chiếc đèn lồng đó mỗi lúc một gần hơn, ánh đèn leo lét dần dần từ trong nơi sâu của con hẻm di chuyển đến ngay dưới chân vị tăng nhân. Vị tăng nhân nghĩ mãi không hiểu, hỏi: “Dám hỏi thí chủ, cậu có thật là một người mù không?”.
Người mù tay đang xách chiếc đèn lồng nói với ông: “Đúng vậy, ngay từ lúc đến thế gian nay, hai mắt của tôi chỉ thấy một màu tối đen”.
Tăng nhân hỏi: “Nếu cậu đã không thấy được gì cả, thế còn xách theo chiếc đèn lồng làm gì?”.
Người mù nói: “Hiện giờ là trời tối phải không? Tôi nghe nói rằng, trong đêm tối không có ánh đèn chiếu rọi, thế thì mọi người trên khắp thế gian cũng đều giống như tôi vậy, cái gì cũng không nhìn thấy, vậy nên tôi nguyện ý thắp sáng một ngọn đèn này”.
Vị tăng nhân như hiểu ra gì đó, nói: “Thì ra cậu thắp đèn là vì để chiếu sáng cho mọi người”.
Nhưng người mù lại nói: “Không, tôi là vì chính bản thân tôi!”.
“Vì chính bản thân cậu ư?”. Vị tăng nhân lại ngây người.
Người mù kia chậm rãi nói với vị tăng nhân: “Có phải ông từng đi trong đêm tối mà bị người đi đường khác đụng phải?”.
Vị tăng nhân nói: “Đúng vậy, chính ngay lúc mới nãy, tôi còn không cẩn thận bị hai người khác đụng phải”.
Người mù nghe xong, bèn bình thản nói rằng: “Còn tôi thì lại chưa từng bị đụng bao giờ. Tuy nói tôi là người mù, cái gì tôi cũng không nhìn thấy được, nhưng khi tôi xách theo chiếc đèn lồng này, vừa soi đường cho người khác, hơn nữa càng là để người khác trông thấy tôi. Như vậy, họ sẽ không bởi vì không nhìn thấy mà đụng phải tôi nữa”.
Vị tăng nhân khổ hạnh nghe xong, như chợt ngộ ra điều gì đó, ngửa mặt lên trời thở dài rằng: “Ta đi khắp chân trời góc biển, bôn ba khắp nơi để tìm Phật, thật không ngờ Phật chính ở ngay bên cạnh ta. Thì ra Phật tính chính như một ngọn đèn, chỉ cần ta thắp sáng nó, dù ta không nhìn thấy Phật, thì Phật cũng sẽ nhìn thấy ta thôi!”.
Ảnh minh họa. |
“Vì người” cũng là “vì mình”. Bởi vì muốn “vì người” thì trước hết bạn phải đủ mạnh mẽ để đứng trên đôi chân của chính mình. Bạn phải có đủ tự tin và nội lực để sống với những gì bạn chia sẻ. Bạn sẽ không thể “vì người” khi bạn không có sự chính trực tồn tại bên trong mình. Chính trực nghĩa là làm những điều bạn nói. Kể cả khi không có ai quan sát bạn, thì bạn vẫn sẽ làm. Đó gọi là chính trực. Chính vì thế, muốn “vì người” thì bạn cần phải “vì mình” thật sự. Một khi bạn đạt đến ngưỡng nhất định, bạn đã “vì mình” một cách thành công rồi đó.
Khi bạn “vì người”, sẽ có ngày “người” quay lại “vì bạn”. Nói gì thì nói, chắc chắn trong cuộc sống sẽ có lúc bạn gặp phải những thử thách mà bạn chỉ có thể vượt qua khi có sự hỗ trợ từ người khác. Vậy ai sẵn sang giúp đỡ bạn vô điều kiện trong những tình huống như vậy? Chỉ có “người” mà thôi J. Chúng ta sống trong cuộc sống này, gặp nhau thì cũng coi như là có duyên và nợ. Và chúng ta sẽ luôn nợ nhau, bởi vì đơn giản chúng ta không bao giờ thoát khỏi sự quan tâm và yêu thương của người khác.