Lợi nhuận toàn thị trường giảm nhẹ 2,6%
Về kết quả kinh doanh trong quý 1/2023, lợi nhuận toàn thị trường giảm nhẹ 2,6% so cùng kỳ (dữ liệu bao gồm gần 700 doanh nghiệp chiếm 25,8% vốn hóa toàn thị trường đã công bố BCTC).
Tính đến ngày 24/4, có 697 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm 25,8% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với mức tăng trưởng lãi ròng giảm 2,6% so cùng kỳ.
Trong đó, ngành Bất động sản (tăng 69,4% so cùng kỳ) hiện đang là ngành dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận, đóng góp 16,2% vào tăng trưởng toàn thị trường, chủ yếu đến từ lợi nhuận vượt trội của VHM đạt 11.917 tỷ đồng (tăng 162%).
Ngược lại, ngành Hóa Chất (giảm 67,6% so cùng kỳ) gây ảnh hưởng xấu nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường bởi giá các loại hóa chất như phốt pho và phân bón đều giảm mạnh.
Đặc biệt, nếu sử dụng kết quả kinh doanh quý 1/2023 ước tính của một số Ngân hàng niêm yết thì lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 14% trong quý 1/2023, đóng góp 5,8% vào tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết. Điều này giúp tăng trưởng lãi ròng toàn thị trường quý 1/2023 tăng 5,6% so cùng kỳ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại vẫn còn một số ngành được dự báo có kết quả tiêu cực vẫn chưa công bố hết như Thép, Chứng khoán, Dầu khí.
Lãi suất giảm giúp giảm bớt áp lực tới định giá thị trường
Hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch tại mức 0,7 lần P/E trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B trung bình 5 năm.
Tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,7% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tiếp tục nới nhẹ trong tháng 4 khi lãi suất huy động duy trì đà giảm trong khi E/P gần như đi ngang.
Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới thì khoảng cách có thể tiếp tục nới rộng thêm và nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội tốt để mua và nắm giữ cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn
VNDirect cho rằng bức tranh lợi nhuận quý 1/2023 kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. VNDirect kỳ vọng một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như TT02-03 hay Nghị định 12/2023/NĐ-CP sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-INDEX |
VNDirect cho rằng vùng 1.000-1.030 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index và nếu thị trường điều chỉnh về vùng này sẽ mở ra cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ cố phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn.
Động lực tăng điểm bao gồm chính sách tiền tệ bồ câu hơn từ Fed và các chính sách hỗ trợ sớm được ban hành như TT16 sửa đổi hay Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT,...
Tuy nhiên, rủi ro giảm điểm đến từ nguy cơ suy thoái tại Mỹ và Châu Âu.
Đầu tư công vẫn là câu chuyện tâm điểm xuyên suốt năm 2023
Trong quý 1/2023, vốn nhà nước thực hiện đã tăng 18,1% so cùng kỳ lên 91,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng 12,3% so cùng kỳ của năm ngoái.
Tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm giai |
Hiện VNDirect nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, bao gồm: (1) Chính phủ chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP.HCM trước ngày 30/6/2023, (2) nguồn vốn ngân sách cho các dự án đầu tư công được đảm bảo trong bối cảnh nợ công thấp và lãi suất TPCP giảm mạnh kể từ đầu năm 2023, (3) lạm phát trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện để đẩy mạnh thực thi chính sách tài khóa mở rộng.
Một loạt chính sách mới được triển khai giúp cải thiện triển vọng của ngân hàng
VNDirect cho rằng một loạt chính sách được ban hành thời gian gần đây sẽ giúp cải thiện triển vọng ngành ngân hàng.
Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp |
Cụ thể NĐ 08/2023/NĐ-CP về TPDN và sắp tới là Thông tư 16 sửa đổi sẽ giải quyết điểm nghẽn của TPDN, giải tỏa nguy cơ gia tăng nợ xấu. Thông tư 02/2023 vừa mới được NHNN ban hành giúp giảm áp lực trích lập dự phòng khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024. Thông tư 03/2023 cho phép ngân hàng được mua lại ngay TPDN sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khi đầu ra tín dụng đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng là một trong số ít ngành duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong Q1/23 cũng như cả năm 2023 và định giá đang ở mức hấp dẫn so với lịch sử.
Đi tìm câu chuyện tăng trưởng...
VNDirect dự báo lợi nhuận toàn thị trường sẽ giảm khoảng 14% trong nửa đầu năm 2023, tích cực hơn trong nửa sau, đưa mức tăng trưởng cả năm lên khoảng 12-14%.
Hàng không là ngành ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội nhờ tần suất bay quốc tế phục hồi gần như hoàn toàn.
Vật liệu xây dựng sẽ có một năm khởi sắc hơn khi giá các nguyên vật liệu đầu vào (than cốc, quặng sắt) đảo chiều.
Trái lại, tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 ngành Hóa chất và Dầu khí sẽ giảm từ mức nền khá cao của năm 2022.
Trong bức tranh lợi nhuận tương đối ảm đạm của thị trường chung, vẫn có những doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Đây là nhóm doanh nghiệp nhà đầu tư nên bám sát và đưa vào danh sách theo dõi trong giai đoạn hiện nay:
Theo đó, VNDirect khuyến nghị các cổ phiếu cho tháng 5 gồm MBB, PC1, PVD, SZC, TCB và VRE.