Theo báo cáo, kết quả kém tích cực chủ yếu đến từ việc thua lỗ của hoạt động tự doanh. Cụ thể, VDSC thu lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) quý 1 đạt 2,93 tỷ đồng, nhưng số lỗ FVTPL lên tới 105,9 tỷ đồng. Theo đó, hoạt động tự doanh của công ty lỗ ròng 103 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 1, giá trị đánh giá lại của các khoản đầu tư danh mục FVTPL ghi nhận 298 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 176 tỷ đồng so với giá trị ghi sổ.
Các khoản đầu tư khiến VDSC lỗ lớn trong quý 1 có thể kể tới như DIG (lỗ 59 tỷ đồng), BSR (lỗ 49 tỷ đồng), DXG (lỗ 11 tỷ đồng)…
Nguồn: VDSC. |
Kết hợp với doanh thu môi giới và lãi cho vay, phải thu giảm nhẹ, VDSC báo lỗ hơn 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 21 tỷ đồng. Đây được xem là khoản lỗ kỷ lục của Công ty trong quý từ 1 từ trước đến nay.
Trước đó, VDSC đặt kế hoạch lãi trước thuế tối thiểu 45 tỷ đồng trong năm 2020, tăng gần 6% so với năm trước. Tuy nhiên, với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc đạt được mục tiêu đề ra là thách thức không nhỏ đối với VDSC.
Ở một diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng quản trị VDSC Trần Lệ Nguyên đã chuyển nhượng 17 triệu cổ phiếu VDS cho ông Nguyễn Xuân Đô và hiện chỉ còn nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu VDS, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,04% và không còn là cổ đông lớn tại VDSC.
Trên thị trường, cổ phiếu VDS giao dịch không mấy sôi động từ đầu năm tới nay, thậm chí nhiều phiên trắng thanh khoản, thị giá dao động nhẹ quanh 7.000 đồng/cp, trước khi suy giảm về vùng quanh 6.500 đồng/cp thời gian gần đây. Cổ phiếu VDS hiện đang giao dịch tại mức giá 6.300 đồng/cp.