Mở hỗ trợ gần nhất của HDC quanh ngưỡng giá 22.500 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): HDC vẫn đang ở trong xu hướng tăng giá trung hạn từ đầu tháng 4 đến nay dù cho đã có giai đoạn điều chỉnh vào nửa cuối tháng 10. Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng giảm dần.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Phiên 5/11, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI vẫn còn cách khá xa vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HDC nằm tại xung quanh giá 22.500 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 29.500 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 21.000 đồng/cp bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua cho ACB với giá 29.100 đồng/cp
CTCK KIS: Duy trì khuyến nghị mua ACB và nâng giá mục tiêu tăng 13% lên 29.100 đồng/cp. Với sự quan ngại đại dịch sẽ quay trở lại vào mùa đông 2020 và EU tái phong toả gần đây, KIS nghiêng về các ngân hàng có năng lực tài chính và chất lượng tài sản tốt như ACB.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3/2020 của ACB đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (+36% q/q hay +34% n/n). Lợi nhuận tăng nhanh là nhờ biên lợi nhuận cho vay tốt hơn mong đợi và chi phí giảm.
NIM ở mức 3,71%, tăng 41 điểm % q/q mặc dù các khoản nợ vay cơ cấu do COVID-19 chiếm 3,1% tổng tín dụng. Hệ số CIR giảm xuống 39% từ 43% trong quý 2/2020 và chi phí dự phòng giảm 63% q/q xuống còn 162 tỷ đồng.
Chọn cổ phiếu nào phiên 6/11? |
Tín dụng tăng tốc đạt 10,7% YTD và bắt kịp mức tăng trưởng 9 tháng ba năm gần nhất. Con số này vượt qua dự phóng của KIS nhờ nợ vay tiêu dùng tăng 12,3% và nợ vay SMEs tăng 10,7%.
KIS tin rằng “trạng thái bình thường mới” đã khiến nhiều ngân hàng, trong đó có ACB chạy đua để tăng thị phần. Do đó, KIS đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng của ACB lên 14,8% cho 2020 và 14%/năm cho những năm tới.
KIS không kỳ vọng ACB sẽ nâng khẩu vị rủi ro. ACB không tham gia vào cuộc chơi TPDN 3Q20 và vẫn tập trung vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ với tỷ trọng cho vay có tài sản bảo đảm cao. Kể từ khi ngân hàng ngừng cơ cấu nợ COVID-19 trong quý 3/2020, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên.
Nợ quá hạn đạt 3.308 tỷ đồng vào tháng 9, tăng 433 tỷ đồng so với quý 2/2020 và 1.228 tỷ đồng so với cuối năm 2019.
Nợ xấu mới hình thành (bao gồm cả nợ xử lý bằng dự phòng) tăng 4.4 lần q/q lên 575 tỷ đồng trong 3Q20 và 1,048 tỷ đồng trong 9T20 (9T19 là 60 tỷ đồng). Tuy nhiên, do thiếu DPTD một lần từ các khoản vay liên ngân hàng, DPTD của ACB giảm 63% q/q.
Mặt khác, chi phí tín dụng trong 3Q20 vào khoảng 0.22% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 117%, thấp hơn kỳ vọng. Đây có lẽ kết quả của việc giảm áp lực trích lập dự phòng nhờ Thông tư 01 và triển vọng kinh tế lạc quan hơn, nhìn từ dữ liệu doanh thu bán lẻ phục hồi.
Vì tình hình này có thể tiếp tục diễn ra trong các quý tới, KIS cắt giảm chi phí tín dụng 19 điểm % xuống 0,41% cho 2020 và 5 điểm % xuống 0,52% cho 2021.
Khuyến nghị nắm giữ FPT với giá 55.000 đồng/cp
CTCK Rồng Việt (VDSC): Tác động của Covid đã được cảm nhận rõ ràng hơn trong Q3/2020. Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tiếp theo sẽ phục hồi từ mức thấp trong Q3/2020 do giá trị backlog tăng mạnh của mảng Công nghệ, một động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của FPT.
Điều này cho thấy những tín hiệu về nhu cầu đầu tư công nghệ trong thời gian tới. Triển vọng tươi sáng hơn của mảng Công nghệ có thể bù đắp cho sự gia tăng chi phí khấu hao phát sinh từ các trung tâm dữ liệu mới của mảng Viễn thông. Trong ngắn hạn, với việc FPT ghi nhận chi phí lương, thưởng lớn trong Q4 năm ngoái, lợi nhuận Q4 2020 nhiều khả năng tăng trưởng hai chữ số từ mức cơ sở thấp cùng kỳ năm ngoái. Yếu tố này có thể thúc đẩy giá cổ phiếu.
VDSC đang xem xét lại mục tiêu hiện tại 55.000 đồng/cp cũng như dự phóng 2020-2021.
Doanh số tăng chậm hơn trong bối cảnh backlog yếu trong nửa đầu năm 2020, tuy nhiên khoản mục này đã tăng trưởng đánh kể trong Q3, báo hiệu sự phục hồi trong các quý tiếp theo.
Doanh thu gia công phần mềm từ nước ngoài tăng nhẹ 4% YoY trong Q3 2020, thị trường lớn nhất là Nhật Bản đi ngang trong khi doanh thu tại các thị trường lớn khác bao gồm Mỹ và châu Âu giảm lần lượt 3% và 12%.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến chi tiêu CNTT của các tập đoàn tại các thị trường này trong 6T 2020, do đó ảnh hưởng đến giá trị của các đơn đặt hàng (doanh thu đã ký kết) trong nửa đầu năm 2020.
Thời gian triển khai hợp đồng đã ký trong năm nay đã kéo dài so với các năm trước: khoảng 3T-6T lên 6T-1 năm, do FPT tham gia vào các gói thầu có giá trị lớn. Các hợp đồng giá trị cao (lớn hơn 500.000 USD) trong năm 2020 đã cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Do đó, việc ghi nhận doanh thu trong Q3 2020 bị ảnh hưởng do các yếu tố về độ trễ trong triển khai thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, về mặt tích cực, VDSC lưu ý rằng đơn đặt hàng trong Q3 2020 đã tăng đáng kể 34% YoY do nhu cầu đang tăng trở lại, đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng 22% YoY trong doanh thu đã ký lũy kế 9T 2020.
Xu hướng tương tự cũng được nhận thấy tại mảng dịch vụ CNTT trong nước với mức tăng 89% trong doanh thu đã ký Q3 2020, sau hiệu suất mờ nhạt trong khoảng thời gian trước. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của doanh thu dịch vụ CNTT được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến tốt hơn trong các quý tới.
Biên LNTT của các dịch vụ CNTT quốc tế duy trì tốt bất chấp mức lương ngành CNTT đang tăng. Trong cuộc họp, một số lo ngại về việc tăng lương của lao động ngành CNTT gần đây, ước tính khoảng 10% mỗi năm, đã được đề cập.
Tuy nhiên, vì công ty đã và đang dịch chuyển dần sang các dịch vụ có biên lợi nhuận cao hơn (Blockchain, IoT, Cloud, Trí tuệ Nhân tạo, An ninh mạng), biên LNTT mảng phần mềm của Công ty nói chung được duy trì ở mức 16% trong 9T 2020 (+0,2 pps YoY).