Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 30.200 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Nâng khuyến nghị đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên MUA và nâng giá mục tiêu thêm 4,9% lên 30.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời cổ phiếu dự kiến là 20,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,6%.
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu phản ánh (1) dự báo khả quan hơn với mảng cao su tự nhiên của GVR trong năm 2021 cũng như (2) tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2022 và tỷ lệ WACC thấp hơn 0,5 điểm %.
Tuy nhiên, giá mục tiêu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi kéo dài thời gian dự báo đối với việc bán đất KCN của GVR và các khoản bồi thường do chuyển đổi đất cao su.
VCSC nâng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021 lên 6,1%, chủ yếu do dự báo lợi nhuận cao hơn cho mảng cao su tự nhiên và bù đắp một phần bởi dự báo thu nhập từ đền bù năm 2021 thấp hơn.
Trong khi đó, VCSC cắt giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS tổng cộng 8,7% trong giai đoạn 2022-2025 chủ yếu do việc phê duyệt phát triển KCN và chuyển đổi đất chậm hơn dự kiến.
VCSC dự báo doanh thu năm 2021 là 24 nghìn tỷ đồng (+15% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS là 4,6 nghìn tỷ đồng (+7,0% YoY).
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận đối với GVR chủ yếu được thúc đẩy bởi LN từ HĐKD tăng mạnh 43% YoY nhờ mảng cao su tự nhiên khả quan, được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính giảm mạnh YoY từ hoạt động thoái vốn.
VCSC tin rằng GVR là công ty hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN ở Việt Nam và giá cao su tự nhiên đang gia tăng.
Rủi ro cho quan điểm tích cực: Giá cao su tự nhiên giảm; quá trình phê duyệt và phát triển các KCN trong tương lai bị trì hoãn.
Lựa chọn cổ phiếu nào phiên 24/5? |
Có thể mở mua cho DXG tại ngưỡng giá 24.500 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): DXG đang hình thành xu hướng tăng giá sau khi tích lũy trung hạn quanh ngưỡng 23.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku báo hiệu nhịp tăng giá trung hạn.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 24.5 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 29.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 22.5
Khuyến nghị khả quan PVT với giá mục tiêu 18.400 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN và giá mục tiêu 18.400 đồng/cp đối với Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT).
VCSC duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng dài hạn của PVT, xuất phát từ nhu cầu vận chuyển dầu thô/hóa chất/LPG tăng. Giữ dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2025 gần như không đổi.
VCSC dự báo tăng trưởng EPS cốt lõi không đổi trong năm 2021 do dự báo mảng vận tải phục hồi nhẹ và lợi nhuận ổn định từ FSO để bù đắp sự sụt giảm lợi nhuận từ mảng phân phối.
Trong khi kỳ vọng sản lượng vận chuyển dầu thô/hóa chất/LPG sẽ phục hồi sau khi nhu cầu phục hồi, chi phí vận hành vẫn ở mức cao do thời gian vận chuyển tại cảng kéo dài do dịch COVID-19.
VCSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 2020-2025 đạt 9,2% do nhu cầu vận tải tăng từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSR) và các hợp đồng vận chuyển dầu thô, hóa chất và LPG ở nước ngoài.
PVT có tiềm lực tài chính mạnh mẽ với tiền mặt tại quỹ trị giá 133 triệu USD vào cuối quý 1/2021 cũng như triển vọng phục hồi lợi nhuận từ năm 2022 có thể hỗ trợ mức cổ tức tiền mặt bền vững 1.000 đồng/CP trong giai đoạn 2021-2025 (lợi suất cổ tức 6%) ngoài mở rộng đội tàu.
Định giá của PVT có vẻ hấp dẫn với EV/EBITDA 2021 là 4,1 lần - thấp hơn khoảng 60% so với mức trung bình của các công ty cùng ngành - trong khi PVT có bảng cân đối kế toán lành mạnh và ROE cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành.
Yếu tố hỗ trợ: lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh từ việc thanh lý tàu chở dầu thô Athena vào cuối năm 2021. Rủi ro: Giá cước vận tải quốc tế biến động mạnh.