Khuyến nghị mua DGC với giá mục tiêu 111.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) đã công bố KQKD quý 3/2022 mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn thấp hơn kỳ vọng. Trong quý 3/2022, DGC ghi nhận doanh thu đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (+75% YoY & -8% QoQ) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (+196% YoY & - 21% QoQ).
Doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của DGC tăng 86% YoY – hoàn thành 73% dự báo năm 2022- và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 318% YoY - hoàn thành 72% dự báo năm 2022.
Khác với kỳ vọng của chúng tôi, lợi nhuận quý 3/2022 giảm so với quý trước do sản lượng bán photpho vàng (P4) thấp hơn, thay vì giá bán trung bình (ASP) thấp hơn. Trong khi DGC thực hiện bảo trì các thiết bị sản xuất P4, ASP P4 của công ty gần như vẫn đi ngang so với quý trước, chưa phản ánh giá P4 giảm.
DGC chuyển hướng cơ cấu sản phẩm của công ty sang axit photphoric nhiệt (TPA) - một dẫn xuất của P4. Giá TPA tăng và sản phẩm này bắt đầu tạo ra lợi nhuận ngang với P4 trong quý 3/2022.
Giá photphat nông nghiệp vẫn ở mức cao và sản lượng bán tăng. Mặc dù nhu cầu phân bón trong nước giảm, DGC đã tăng cường xuất khẩu axit photphoric trích ly (WPA).
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 21/10? |
VCSC kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi so với quý trước trong quý 4/2022 nhờ không còn bảo trì thiết bị và giá nguyên liệu đầu vào như than cốc và lưu huỳnh giảm. DGC đã sử dụng hàng tồn kho giá cao của các đầu vào này trong quý 3/2022. Tuy nhiên, các yếu tố này có thể bị ảnh hưởng bởi giá P4 giảm. VCSC lưu ý rằng mỏ quặng apatit thứ hai của DGC sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2023, giúp tiết kiệm chi phí.
VCSC nhận thấy có khả năng điều chỉnh giảm dự báo năm 2022 do việc bảo trì thiết bị. Tuy nhiên, VCSC nhận thấy tiềm năng tăng đối với dự báo năm 2023 do Trung Quốc tiếp tục hạn chế sản xuất P4 và xuất khẩu phân chứa lân cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với quặng apatit ở nước này
Khuyến nghị mua NT2 với giá mục tiêu 30.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) công bố KQKD quý 3/2022 với doanh thu đạt 2.168 tỷ đồng (+74% YoY), LNST đạt 199 tỷ đồng (-27% YoY) và LNST cốt lõi đạt 82 tỷ đồng (-70% YoY).
VCSC cho rằng sự chênh lệch giữa mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ khoản đền bù sản lượng hợp đồng không được huy động trong quý 3/2021.
KQKD 9 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh với doanh thu đạt 6.523 tỷ đồng (+45% YoY) nhờ giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) và sản lượng điện thương phẩm cao. Trong khi đó, LNST đạt 724 tỷ đồng (+75% YoY), hoàn thành 82% dự báo cả năm và LNST cốt lõi đạt 578 tỷ đồng (+40% YoY), hoàn thành 83% dự báo cả năm.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp (SG&A) quý 3/2022 tăng gấp 10 lần YoY đạt 209 tỷ đồng do NT2 đã ghi nhận khoản dự phòng nợ xấu từ EVN (dự kiến sẽ hoàn nhập trong tương lai). Mặt khác, công ty ghi nhận khoảng 340 tỷ đồng tiền bồi thường cho khoản lỗ tỷ giá trước đây vào quý 3, so với dự báo là 200 tỷ đồng trong khoản mục doanh thu.
Khuyến nghị mua SCS với giá mục tiêu 99.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) công bố KQKD quý 3/2022 với doanh thu tăng 17% YoY đạt 201 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 23% YoY đạt 148 tỷ đồng.
Trong quý 3/2022, tổng sản lượng hàng hóa của SCS tăng 16% YoY, với sản lượng hàng hóa quốc tế tăng 11% YoY đạt 40.000 tấn và sản lượng hàng hóa trong nước tăng 41% YoY đạt 10.888 tấn. Trong khi đó, giá bán trung bình (ASP) của SCS đi ngang YoY trong quý 3/2022. VCSC lưu ý rằng quý 3/2021 là mức cơ sở thấp bất thường đối với sản lượng hàng hóa do giãn cách xã hội liên quan đến dịch COVID-19 tại TP. HCM.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (9T 2022), doanh thu của SCS tăng 14% YoY đạt 655 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 21% YoY đạt 489 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 67% và 70% so với dự báo cả năm.
Trong 9T 2022, sản lượng hàng hóa quốc tế của SCS tăng 16% YoY đạt 139.710 tấn, nhưng sản lượng hàng hóa trong nước giảm 19% YoY đạt 33.217 tấn, lần lượt hoàn thành 70% và 68% so với dự báo cả năm.