Khuyến nghị mua BVH với giá mục tiêu 65.800 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Đưa ra khuyến nghị mua BVH với giá mục tiêu 65.800 đồng/cp với vị thế của Công ty trong ngành.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) chia sẻ rằng KQKD 6 tháng đầu năm 2022 theo sát với kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ khi lợi nhuân sau thuế hợp nhất (LNST) đạt 805 tỷ đồng (hoàn thành 50,3% kế hoạch kinh doanh) và LNST công ty mẹ là 566 tỷ đồng (hoàn thành 50,1% kế hoạch ĐHCĐ).
Ước tính kết quả hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã hoàn thành khoảng 31,3% dự báo cả năm, thấp hơn kỳ vọng.
Theo ban lãnh đạo, công ty mẹ và hầu hết các công ty con đã hoàn thành khoảng 50% kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 - ngoại trừ Chứng khoán Bảo Việt (BVS) có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 hoàn thành khoảng 40% kế hoạch cả năm do tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi trong quý 2/2022. VCSC đánh giá kế hoạch kinh doanh của BVH ở cấp độ công ty mẹ là thận trọng.
Năm 2022, BVH lên kế hoạch kinh doanh cho Công ty mẹ gần như đi ngang với tổng doanh thu 1.530 tỷ đồng (tăng 2.7% so năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 1.9%.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ (7.423 tỷ đồng) ước tính 14,1%. Kế hoạch hợp nhất 2022 không đươc đưa vào đề xuất trình ĐHCĐ thông qua.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Tập đoàn dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.246 tỷ đồng chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%.
Về kế hoạch cổ phần hoá Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân Thọ dự kiến diễn ra vào giai đoạn 2026-2030 sau khi xin ý kiến các cổ đông lớn.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Tài chính đang sở hữu 65% vốn tại BVH. Từ nay đến 2025, vốn Nhà nước tại BVH vẫn sẽ giữ nguyên tỷ lệ 65%. Giai đoạn 2026-2030, cổ đông Nhà nước - Bộ Tài Chính sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 65% về 51%, bằng cách tăng vốn góp của các cổ đông khác và/hoặc phát hành riêng lẻ. Dòng vốn mới sẽ giúp BVH củng cố vị thế vốn và hỗ trợ các công ty con.
Cổ phiếu nào nên chú ý phiên 12/7? |
Khuyến nghị mua KBC với giá mục tiêu 40.000 đồng/cp
CTCK Agribank (AGR): Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC) có quỹ đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê lớn, khoảng hơn 1.300ha với các lợi thế về vị trí địa lý, uy tín sẽ đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.
Dự kiến năm 2022 KBC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chính từ dự án khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (118ha) và KĐT Phúc Ninh (khoảng 6ha). Kỳ vọng Khu đô thị Tràng Cát sẽ là nguồn thu chính trong tương lai khi KBC dự định sẽ chuyển nhượng khoảng 50ha bán đất Tràng Cát, thu về 10.000 – 20.000 tỷ đồng và một phần sẽ hợp tác đầu tư dự án khách sạn 5 sao với tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD trong tương lai.
Mới đây, việc KBC tăng tỷ lệ sở hữu từ 19,5% lên 48% tại công ty CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng kỳ vọng sẽ đóng góp thêm vào lợi nhuận của KBC trong năm 2022 nhờ các dự án khu công nghiệp Sài Gòn - Chân Mây, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, khu công nghiệp Liên Chiểu.
KBC và công ty con mới đây ký các biên bản ghi nhớ MOU hơn 8 tỷ USD với các doanh nghiệp Hoa Kỳ: (1) Hợp tác với đối tác Hayward Quartz Technology phát triển dự án nhà máy công nghệ cao sản xuất chất bán dẫn 1,3 tỷ USD tại khu công nghiệp Kim Thành, Hải Dương; (2) Ký kết với Hyatt Hotel Resort and Casino đầu tư dự án khách sạn 5 tỷ USD tại Khu đô thị Tràng Cát; (3) Ký với ACI Capital và IDG Capital dự án Khu công nghệ cao quy mô 500ha chuyên về sản xuất linh kiện điện tử 2 tỷ USD.
Nhiều dự án gối đầu tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn: Các dự án mới được chấp thuận đầu tư ở Long An, Hải Dương, Hưng Yên với tổng diện tích 2.000 ha sẽ nối tiếp quỹ đất hiện tại góp phần thúc đẩy tăng trưởng đà tăng của KBC trong dài hạn.
Do đó AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 40.000 đồng/CP.
Khuyến nghị mua TLG với gia mục tiêu 56.000 đồng/cp
CTCK Agribank (AGR): CTCP phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 630 tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái) và 92 tỷ đồng (tăng 94%).
Qua đó, lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu đạt 1.427 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận sau thuế đạt 207 tỷ đồng (tăng 56%). Trong đó, xuất khẩu là động lực giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu đã tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ.
Doanh số bán hàng kỳ vọng có sự phục hồi mạnh mẽ đặc biệt là trong Quý 3 do cùng kỳ hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid. Mọi người học và làm việc ở nhà dẫn tới nhu cầu văn phòng phẩm giảm mạnh (Quý III/2021 lợi nhuận sau thuế còn 3,7 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với các quý khác).
Động lực dài hạn từ Nhà máy Thiên Long Long Thành đang triển khai xây dựng và có thể đi vào hoạt động từ cuối năm nay giúp gia tăng công suất đáng kể cho doanh nghiệp.
TLG có cơ cấu tài chính lành mạnh, trả cổ tức bằng tiền mặt đều hàng năm với suất cổ tức khoảng 5%.
Do đó AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu TLG với giá mục tiêu 56.000 đồng/CP.