Nằm nhắm mắt cũng không yên
Chị Ngô Thị Liên (32 tuổi ở khu tập thể Kim liên, Hà Nội) kể, tháng 12/2013 chị bị các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, có cảm giác các vật quay xung quanh người, kém theo buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh... Chị mời bác sĩ đến nhà truyền dịch và uống thuốc liên tục 3 ngày mà bệnh vẫn chưa thuyên giảm, phải nhắm nghiền mắt, chẳng dám quay đầu và không ngồi dậy được.
Sau ngày đầu tiên được ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 châm cứu ở đầu mặt, tay và chân kết hợp với day bấm huyệt, chị Liên đã mở mắt, quay cổ được mà không bị chóng mặt. Tiếp tục xoa bóp bấm huyệt kết hợp uống thuốc theo đơn mỗi ngày 1 thang, sau 5 ngày thì bệnh của chị đã khỏi về cơ bản. Chị tiếp tục uống 10 thang thuốc củng cố và bệnh ổn định cho đến nay.
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, RLTĐ là một hội chứng bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân. Điều nguy hại của RLTĐ là ở những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như thiếu máu não hoặc tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân nhờ điều trị triệt để sau hàng chục năm vẫn không bị lại.
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, RLTĐ là một hội chứng bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân. |
Quan trọng là chẩn đoán chính xác bệnh
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, RLTĐ là trạng thái tổn thương hệ thần kinh có liên quan đến mạch máu nuôi não, hay gặp ở những người bị xơ vữa động mạch hoặc hư xương sụn cột sống cổ... nên bệnh nhân phải được khám cả bằng Tây y để xác định chẩn đoán chính xác. Trong nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng phải kết hợp cả Đông y và Tây y, thậm chí có khi phải điều trị Tây y trước rồi sau đó mới dùng Đông y để củng cố.
Trong Đông y, huyễn vựng gây nên bởi nhiều nguyên nhân như khí hư hoặc huyết hư, hoặc cả khí huyết đều hư (suy nhược cơ thể); do chữa nhầm thuốc; sinh hoạt tình dục quá độ; say rượu kéo dài làm tổn thương tinh huyết; do bị ngoại cảm, cảm nhiễm tà khí (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa); do bị chấn thương, mất máu quá nhiều, chấn động não bộ... Vì vậy, tìm ra căn nguyên gây bệnh trên cơ sở đó trị bệnh tận gốc và bồi bổ các cơ quan liên quan mạnh lên thì mới khỏi được bệnh.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn cho biết, tùy theo bệnh tình và từng thể bệnh khác nhau, các huyệt vị như bách hội, thái dương, ấn đường, phong trì, nội quan, hợp cốc thường được trọng dụng với hình thức thể châm kết hợp với day bấm các huyệt và xoa bóp vùng đầu, cổ và gáy. Về thuốc, tốt nhất là được kê đơn thuốc sắc theo nguyên tắc "biện chứng luận trị" - tùy theo bệnh mà có thuốc trị.
Tuy nhiên, đơn giản nhưng hữu hiệu là chọn lấy một bài thuốc làm hạt nhân rồi trên cơ sở đó tùy theo bệnh trạng cụ thể mà gia giảm các vị thuốc cho phù hợp. Kinh nghiệm cho thấy, "Thiên ma câu đằng ẩm" (thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh, chi tử, hoàng cầm, ngưu tất, ích mẫu, tang ký sinh, dạ đằng giao, bạch linh) là bài thuốc cổ thường được lựa chọn hơn cả.
Nếu có đau đầu, buồn nôn gia thêm trần bì, bán hạ chế, bạch chỉ; nếu vã mồ hôi lạnh, sợ lạnh gia phòng phong; nếu khí hư gia đẳng sâm, bạch truật, hoàng kỳ; nếu huyết hư gia đương quy, hà thủ ô; nếu âm hư gia thục địa, kỷ tử; nếu dương hư gia ba kích, nhục dung... Thông thường bệnh nhân chỉ điều trị từ 5 - 10 thang là có chuyển biến rõ rệt.