Không phải ngẫu nhiên mà Đồng Tháp xếp thứ 2 cả nước trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 và nhiều năm liên tục nằm trong top 5 - dù địa phương này được coi là “khuất nẻo” so với rất nhiều tỉnh, thành khác...
Cũng không ngẫu nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc câu chuyện lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thường ngồi “cà phê” cùng doanh nghiệp để lắng nghe những vướng mắc, những hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chính là “tác giả” của quán cà phê doanh nhân - doanh nghiệp, do ông Dương mở trong một góc nhỏ khuôn viên trụ sở UBND tỉnh.
Ảnh minh họa. |
Trong buổi họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm, ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - người đồng chủ trì cuộc họp nói vui: "Thời gian qua có nhiều người cho rằng quán cà phê doanh nhân – doanh nghiệp là của tôi nhưng chủ nhân thật sự là của anh Dương. Thỉnh thoảng tôi đến uống chung với mọi người cho vui và nghe những vướng mắc của các doanh nghiệp, cùng với các đồng chí thường trực ủy ban tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho họ…". Dĩ nhiên, các phóng viên tham dự họp báo được mời cà phê ngay tại đây, không phải tốn tiền.
Theo ông Dương, quán này được ông và các thành viên UBND tỉnh mở vào đầu năm 2016. Như tên gọi của quán, đây là nơi để ông và các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở gặp gỡ các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp vào mỗi buổi sáng, ai tới sớm cứ ngồi nhưng quán... đóng cửa trước 8 giờ để mọi người còn bắt đầu làm việc.
Quán cà phê mở ra, gần như ông chủ tịch... không có lời vì giờ bán hàng hạn chế, mà giá thì ngang với quán bình dân bên ngoài. Quán cà phê chỉ rộng khoảng 30m2, được thiết kế trong một tiểu hoa viên cạnh nhà ăn của UBND tỉnh Đồng Tháp với những bộ bàn ghế đơn giản. Nhưng doanh nhân đến đây không chỉ được giãi bày những vướng mắc trong kinh doanh mà còn được các lãnh đạo tỉnh giới thiệu, tư vấn những kênh đầu tư hiệu quả nhất trong tỉnh. Không chỉ đối thoại trực tiếp qua những buổi cà phê, lãnh đạo Đồng Tháp còn thông qua các kênh như e-mail, Facebook, điện thoại tiếp nhận thông tin. Khi tiếp nhận các thông tin này, ông Dương xem các phản ánh liên quan đến sở, ngành nào rồi gửi nội dung đó cho các sở, ngành có liên quan để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp vào buổi cà phê sáng hôm sau.
Nhờ những buổi cà phê sáng với doanh nghiệp mà thời gian qua nhiều sản phẩm của Đồng Tháp đủ tiêu chuẩn xuất ngoại. Chẳng hạn như trái xoài được xuất khẩu qua Nhật, Hàn Quốc, Nga..; trái nhãn xuất khẩu vào thị trường Mỹ; trái chanh xuất sang Nhật, Hàn Quốc…
Còn Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan, là người thường xuyên tiếp cận với báo chí, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, ai cũng thấy đây là “ông quan” gần dân khi luôn “khéo léo” quảng bá địa phương trong mọi hoàn cảnh. Có lần, các phóng viên đến sân vận động Đồng Tháp tác nghiệp, giờ giải lao thấy ông Lê Minh Hoan ra tận khán đài chào và dặn: “Cuối trận đấu nhớ ghé trung tâm tác nghiệp ngay dưới khán đài, tôi gửi quà”. Quà của ông là những túi xoài cát Hòa Lộc thơm lừng. Ông dặn, nếu ăn ngon anh em nhớ quảng bá dùm xoài cát Hòa Lộc.
Trong cuộc họp báo, ông Hoan “tranh thủ” giờ giải lao với câu nói: “Nước không chưn sao kêu nước đứng/Cá không thờ sao gọi cá linh. Và sau đây, xin quý vị cho phép tôi... có 5 phút quảng cáo”.
Sau câu nói của ông Hoan, màn hình sẽ xuất hiện những hình ảnh, clip về sản vật địa phương. Nếu đơn giản là hình ảnh, ông Hoan chính là người đứng ra thuyết minh về sản phẩm. Thú vị hơn, các bữa cơm do địa phương chiêu đãi sẽ có luôn những đặc sản Đồng Tháp mà Bí thư vừa giới thiệu.
Là địa phương “khuất nẻo” về nghĩa đen, khi các tuyến giao thông đến Đồng Tháp đều nhỏ hẹp, nhưng Đồng Tháp lại luôn là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp. Không hề ngẫu nhiên khi Thủ tướng dẫn chứng từ câu chuyện lãnh đạo Đồng Tháp thường “cà phê” với doanh nghiệp, nhưng là để lắng nghe những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, chính là hình ảnh người lãnh đạo để các cơ quan khác học tập. Lời khen của Thủ tướng không phải là một lời khen cảm tính, bởi khi nhìn vào bảng xếp hạng PCI, địa phương này đã tiếp tục giữ vị trí thứ hai, trong đó có 2/10 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước là tính năng động và chi phí thời gian.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, bên cạnh những mô hình như Nụ cười công sở, Ngày thứ Sáu nghe dân nói… UBND tỉnh Đồng Tháp gần đây đã ban hành kế hoạch giảm 30% số cuộc hội họp để lãnh đạo các ngành, các địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở để tiếp xúc với người dân, với doanh nghiệp.
Dù khuất nẻo nhưng Đồng Tháp cũng đang dần xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và doanh nghiệp. Báo cáo kết quả PCI nhận định để thúc đẩy phát triển kinh tế, Đồng Tháp đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, xem hành chính là để phục vụ xã hội, phục vụ người dân… chứ không phải là công cụ quản lý xã hội.
>>> Mời quý độc giả xem video về Bí thư Đinh La Thăng (nguồn Youtube):