Theo Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) Lê Phước Vũ, 2023 tiếp tục là một năm đầy thách thức và biến động đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tình trạng lạm phát toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao tại nhiều quốc gia, xung đột địa chính trị tại nhiều khu vực vẫn tiếp diễn khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ, tạo ra sự bất ổn cho thị trường hàng hóa, gây áp lực đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Chủ tịch HSG Lê Phước Vũ |
Nói riêng về ngành thép, ông cho rằng nhu cầu thép tại nhiều quốc gia giảm mạnh do hoạt động xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng suy giảm, vấn đề lạm phát, chi phí năng lượng tăng cao và do ảnh hưởng tiêu cực từ các vấn đề địa chính trị.
Giá thép thế giới biến động mạnh tiếp tục thách thức các nhà sản xuất thép Việt Nam, đặt ra yêu cầu thắt chặt, kiểm soát chính sách mua hàng và quản lý hàng tồn kho, cùng với nhiều thách thức khác bao gồm thúc đẩy doanh số và kiểm soát giá trong thời kỳ thị trường nhiều biến động.
Trước những diễn biến đầy thách thức và phức tạp đó, vị Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết công ty đã có những giải pháp để ứng phó kịp thời và duy trì sự ổn định của doanh nghiệp. Nhờ đó, kết thúc niên độ tài chính (NĐTC) 2022 - 2023, Tập đoàn Hoa Sen đạt doanh thu hơn 31.650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt hơn 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả này chỉ thực hiện được 93% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận năm, đồng thời suy giảm so niên độ trước lần lượt là 36% và 88%.
Theo Tập đoàn Hoa Sen, những bất lợi của thị trường đã tạo ra nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, gây ảnh hưởng đáng kể đến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Đối với các khoản nợ vay ngân hàng, tại thời điểm 1/10/2022 tổng nợ vay ngân hàng của Tập đoàn Hoa Sen là 4.187 tỷ đồng thì đến thời điểm 30/9/2023, con số này chỉ còn 2.936 tỷ đồng, giảm được 1.250 tỷ đồng. Điều này làm cho hệ số nợ ngân hàng/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 38% về mức 27%.
Bên cạnh việc giảm dư nợ vay, Tập đoàn Hoa Sen còn nỗ lực hết sức trong việc đàm phán để có mức lãi suất tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vào đó, chi phí lãi vay của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm hơn 65 tỷ đồng (giảm 25%), từ mức 260 tỷ đồng trong NĐTC 2021 - 2022 xuống còn 195 tỷ đồng trong NĐTC 2022 - 2023.
Ngoài ra, như Tập đoàn Hoa Sen đã từng công bố trong Quý 1 NĐTC 2022 - 2023 về việc đã tất toán tất cả các khoản dư nợ USD từ sớm, nên dù tỷ giá VND/USD có những biến động phức tạp thì Tập đoàn Hoa Sen cũng không chịu ảnh hưởng nặng lên chi phí chênh lệch tỷ giá. Kết quả, chi phí chênh lệch tỷ giá của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm 142 tỷ đồng (giảm 54%) từ mức 261 tỷ đồng trong NĐTC 2021 - 2022 xuống còn 119 tỷ đồng trong NĐTC 2022 - 2023.
Việc quản lý chi phí tài chính là một điểm sáng đáng ghi nhận của Tập đoàn Hoa Sen khi mà tổng chi phí tài chính đã được giảm được 207 tỷ đồng, tương đương giảm 40%, từ mức 521 tỷ trong NĐTC 2021 - 2022 xuống còn 314 tỷ đồng trong NĐTC 2022 - 2023.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/1, cổ phiếu HSG dừng ở mức 21.900 đồng/cp, ghi nhận mức tăng khá 75% trong vòng 1 năm qua dù tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa.
Bước sang năm 2024, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho rằng, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều biến động khó lường, tác động mạnh hơn đến các doanh nghiệp cùng ngành.
Vì vậy, để chủ động ứng phó, NĐTC 2023 – 2024 Tập đoàn Hoa Sen sẽ tập trung tái cấu trúc, kiểm soát tốt các rủi ro, tiết kiệm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh; Tăng độ phủ thị trường; Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư về công nghệ, kỹ thuật; Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp từ các ngân hàng để giảm chi phí đi vay...
Đáng chú ý, HSG sẽ từng bước triển khai phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) CTCP Nhựa Hoa Sen. Dự kiến 2024 – 2026, nếu tình hình kinh tế thuận lợi, HĐQT sẽ trình phương án IPO lên ĐHĐCĐ xem xét, thông qua.
Đồng thời chuẩn bị thành lập CTCP Phân phối Vật liệu Xây dựng – Nội thất Hoa Sen (CTCP Hoa Sen Home). Tập đoàn sẽ chuyển giao mảng phân phối VLXD – nội thất cho CTCP Hoa Sen Home vào một thời điểm phù hợp (dự kiến 2024 – 2026).