Chủ tịch Đắk Nông Hồ Văn Mười: Dự án FDI còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh tỉnh luôn khẳng định mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội...

Để hiện thức hóa những ý tưởng, chủ trương nhằm huy động nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025.

Chu tich Dak Nong Ho Van Muoi: Du an FDI con khiem ton so voi tiem nang cua tinh

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười.  Ảnh: Trọng Hiếu.

Tại lễ ký kết, chia sẻ về câu chuyện của địa phương, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: "Vị trí địa lý đã tạo điều kiện cho Đắk Nông có thể giao lưu kinh tế với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia; đồng thời có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho phát triển xanh và bền vững".

Với lợi thế này, sau 18 năm thành lập, tỉnh Đắk Nông từ một địa phương miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đã có những bước phát triển đáng khích lệ, vượt khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp.

Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 của tỉnh đạt 1 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2020. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng như: Điều nhân 250 triệu USD; sản phẩm Alumin 200 triệu USD; cà phê 170 triệu USD; tiêu đen 164 triệu USD; ván ép 15 triệu USD...

Bên cạnh đó, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang từng bước đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của tỉnh này (đến nay đã thu hút được 12 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 7.200 tỷ VNĐ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp).

"Tuy nhiên, giá trị và quy mô các dự án thu hút vốn FDI vào tỉnh còn khiêm tốn so với các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Vì vậy, trong định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030 của tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Đắk Nông. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn có tiềm năng và lợi thế lớn của tỉnh", ông Mười chia sẻ.

Đối với lĩnh vực khoáng sản, ông Hồ Văn Mười cho biết, Đắk Nông có trữ lượng bô xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai.

Đây được coi là lợi thế tự nhiên đặc biệt quan trọng trong việc thu hút phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành phụ trợ khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trên địa bàn 5 huyện và thành phố Gia Nghĩa.

Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, Chủ tịch Hồ Văn Mười khẳng định, Đắk Nông đang có tiềm năng, lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Hiện nay, tỉnh đã thu hút được 6 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư gần 15 nghìn tỷ đồng (2 dự án hoàn thành đi vào hoạt động); 3 dự án điện mặt trời với tổng vốn đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng (2 dự án đã hoàn thành và hoạt động kinh doanh).

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, trong đó tỉnh Đắk Nông có 4 dự án: dự án Trung tâm logistics hạng II (Đắk R’lấp) với tổng mức đầu tư khoảng 43 triệu USD; dự án Nhà máy điện gió (Tuy Đức) với tổng vốn đầu tư khoảng 740 triệu USD; dự án Nhà máy điện mặt trời (Krông Nô) với tổng mức đầu tư 520 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất cấp điện, thiết bị điện năng lượng tái tạo (Đắk R’lấp) với tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD.

Chia sẻ với các lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và Hiệp hội VAFIE, ông Mười cho biết, Đắk Nông là tỉnh sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp gắn với các di tích lịch sử và nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó tạo cho Đắk Nông một sức hút mới về phát triển du lịch trên cao nguyên đại ngàn.

"Đắk Nông được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp, với nhiều thác nước đẹp, nhiều hồ nước tự nhiên, thơ mộng với diện tích mặt nước lớn, nhỏ nằm rải rác khắp cả tỉnh, các khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Vườn Quốc gia Tà Đùng có khả năng phát triển loại hình du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên kết hợp nghỉ dưỡng", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói.

Những yếu tố này được đánh giá là nền tảng, 'bàn đạp' để tỉnh phát triển các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí…Đặc biệt, Công viên địa chất Đắk Nông đã được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Danh hiệu này được kỳ vọng sẽ 'đánh thức' tiềm năng của ngành du lịch của Đắk Nông.

Không chỉ vậy, tỉnh Đắk Nông cũng có diện tích đất nông nghiệp rất lớn. Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng cùng với nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố dày đặc trên địa bàn tỉnh. 

Nhìn chung, các yếu tố về tự nhiên chính là những ưu thế tạo thuận lợi cho Đắk Nông phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp dài ngày như cà phê, sầu riêng, măng cụt, hồ tiêu, bơ,...

Chủ tịch UBND Đắk Nông cho biết, tỉnh cũng đã quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu nông nghệp ứng dụng công nghệ cao và các điểm ứng dụng công nghệ cao tại các huyện, thành phố để xây dựng các mô hình trình diễn, thực hiện các đề tài nghiên cứu, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ngoài những lĩnh vực có thế mạnh nêu trên, tỉnh Đắk Nông còn là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là những lĩnh vực cũng hứa hẹn sẽ phát triển tốt để đầu tư kinh doanh trong tương lai gần.

Với những lợi thế rất lớn, ông Mười khẳng định tỉnh Đắk Nông sẽ sớm là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

"Về phía tỉnh Đắk Nông, với quan điểm nhất quán, chúng tôi luôn khẳng định mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng luôn dành sự tôn trọng, sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà đầu tư thực sự có tâm huyết, có ý định gắn bó lâu dài và đồng hành cùng sự phát triển chung của tỉnh trong tương lai", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói.

Chủ tịch TAR hoàn tất thoái hết 10% vốn công ty

(Vietnamdaily) - Chủ tịch TAR đã thoái toàn bộ vốn của Công ty vào đầu năm 2021.

Mới đây, Chủ tịch Lê Thị Tuyết của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) đã bán ra toàn bộ hơn 4,6 triệu cp TAR đang nắm giữ, tương đương sở hữu 9,99% vốn.

Sau giao dịch, bà Tuyết không còn nắm giữ cổ phiếu TAR.

Cao su Đà Nẵng sắp rót hơn 900 tỷ đồng mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải

(Vietnamdaily) - Tổng mức đầu tư cho dự án mở rộng nhà máy của DRC dự kiến tăng từ 830 tỷ lên hơn 916 tỷ đồng. 

HĐQT CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) vừa phê duyệt dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải radial nâng công suất từ 600.000 lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm.

Tin mới