Quan niệm về chữ Hiếu qua câu chuyện về chàng trai họ Chử có màu sắc phong phú và giá trị thực tiễn phù hợp với đời sống tâm lý xã hội cộng đồng, dù vẫn giữ cái hạt nhân cốt lõi của quan niệm về chữ Hiếu
Kinh Thi viết:
“Phụ hề sinh ngã.
Mẫu hề cúc ngã.
Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao.
Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”
經詩曰
“父 兮 生 我 母 兮 匊 我
哀 哀 父 母 生 我 劬 勞
欲 報 深 恩 昊 天 罔 極”
Kinh Thi nói rằng: "Cha sinh ta, mẹ nuôi ta, xót thương cha mẹ sinh ta khó nhọc. Muốn báo ơn cha mẹ, nhưng ơn cha mẹ như trời cao chẳng cùng."
Chữ Hiếu (孝) theo Tự điển Đào Duy Anh có nghĩa là hết lòng thờ cha, mẹ.
Hiếu là một phạm trù đạo đức của Nho giáo. Cùng với Trung (忠), Hiếu (孝) xây dựng các quy tắc ứng xử của con người trong hai mối quan hệ xã hội và gia đình. Vì thế, dưới chế độ phong kiến: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu”
(君 史 臣 死 臣 不 死 不 忠
父 史 子 亡 子 不 亡 不 孝)
(Vua khiến tôi chết, tôi không chết là tôi chẳng trung. Cha khiến con chết, mà con không chết là con chẳng hiếu…) và không ít trung thần, hiếu tử đã trở thành nạn nhân của quan niệm phong kiến, cực đoan đó.
Tuy nhiên, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Nho giáo nói chung, quan niệm về chữ Hiếu nói riêng đã được Việt hoá về nhiều mặt và nảy sinh những cách hiểu cũng như hành vi hiếu thảo mang tính thực tiễn theo quan niệm chữ Hiếu của nhân dân ta, đã trở thành văn hoá đạo hiếu của dân tộc ta.
Chữ Hiếu theo quan niệm của Nho giáo chính thống ở nước ta tuy vẫn chuyển tải đầy đủ ý nghĩa ban đầu nhưng nội hàm đã được mở rộng nhằm phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và con người cụ thể: Lời dặn của Nguyễn Phi Khanh đối với Nguyễn Trãi “ Con về lập chí, rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Hiếu ở đây không chỉ đối với cha mà còn Hiếu với nước. Ngày nay chúng ta vẫn thường nghe nói :“Trung với nước, Hiếu với dân”.
Trong xã hội, khi quan hệ cá nhân gắn liền quan hệ cộng đồng dân tộc thì chữ Hiếu trong quan hệ gia đình cũng hình thành những nét nghĩ mới. Việc làm của Nguyễn Trãi trong suốt quãng đời còn lại là quá trình làm tròn chữ Hiếu với cha nhưng cũng là thực hiện đạo Hiếu đối với dân với nước. Nhưng trước hết, bản thân Nguyễn Trãi nghe theo lời cha dạy, quay về mưu cầu việc lớn phò minh chúa Lê Lợi đánh giặc Minh là hành động cụ thể đúng theo tinh thần chữ Hiếu trong quan niệm chính thống của Nho giáo Việt Nam. Nguyễn Trãi ăn lộc nhà Trần, thành danh và ra làm quan cho nhà Hồ và là bậc khai quốc công thần của nhà Lê nhưng không ai cho Nguyễn Trãi bất trung! Bởi vì, tuỳ duyên nhưng bất biến. Trường hợp Nguyễn Trãi, hiếu với dân, hiếu với nước rõ ràng là một bước tiến dài mang ý nghĩa hoàn chỉnh, trong quan niệm về chữ Hiếu của nhân dân ta.
Tiên Dung Mỵ Nương du thuyền ngắm cảnh. |
Câu chuyện “Chử Đồng Tử” (渚童子) sau đây là một bằng chứng thấu tình, đạt lý về chữ HIẾU.
Theo Lĩnh Nam Chích Quái (嶺 南 摘 卦) của Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Vua Hùng thứ ba có người con gái tên Tiên Dung Mỵ Nương đến tuổi 18 dung mạo đẹp đẽ, không muốn lấy chồng, chỉ mãi vui chơi, chu du khắp thiên hạ. Hồi đó ở làng Chữ Xá có ngư dân là Chữ Vi Vân sinh hạ được Chử Đồng Tử (渚童子) (người con trai ở bên sông). Chẳng may, nhà gặp hoả hoạn, của cải sạch không, chỉ còn lại một cái khố vải, cha con ra, vào thay nhau mà mặc. Người cha, tuổi già, đau ốm, trước khi nhắm mắt gọi con đến bảo rằng: “Cha chết cứ để trần mà chôn, giữ khố lại cho con.” Chử Đồng Tử không nở làm theo, dùng khố mà liệm bố.da
Từ đó, Đồng Tử thân thể trần truồng, hể nhìn thấy có thuyền buôn qua lại thì đứng ở dưới nước mà ăn xin, rồi câu cá, hái rau độ thân. Không ngờ, một hôm, thuyền của Tiên Dung đến, chuông trống, đàn sáo, kẻ hầu, người hạ rất đông. Trên bãi cát có khóm lau sậy, Đồng Tử bèn nấp trong đó, bới cát thành lỗ nằm xuống và phủ cát lên mình. Thoát sau, Tiên Dung cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, ra lệnh vây màn trướng ở khóm lau mà tắm.
Tiên Dung phát hiện Chử Đồng Tử nơi đầm Dạ Trạch. |
Tiên Dung vào màn, cởi áo, dội nước, cát trôi, phát hiện Đồng Tử. Tiên Dung kinh sợ, thấy là người con trai, bèn nói: “Ta vốn không muốn lấy chồng, nay lại gặp người, cùng ở trần với nhau, đó chính là do duyên trời xui khiến nên vậy. Người hãy đứng dậy tắm rửa, ta ban cho quần áo mặc, rồi cùng ta xuống thuyền, mở tiệc ăn mừng. Người trong thuyền đều cho đó là cuộc giai ngộ xưa nay chưa từng có.
“Chử Đồng Tử” (渚童子) là câu chuyện mà qua đó, dân gian ta “phản ánh nguyện vọng, ước mơ tự do hôn nhân và đề cao đức tính hiếu thảo” qua hai nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung
Chử Đồng Tử (渚童子) là người con rất có hiếu đối với cha. Điều này thể hiện qua chi tiết chàng đã “đóng khố cho cha rồi mới chôn” dù cả hai cha con chỉ có chung một chiếc khố dùng thay nhau và trước đó, cha chàng đã dặn “cứ giữ lấy mà dùng”. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, Chử Đồng Tử đã không nỡ để cha mình trần về nơi chin suối. Việc Chử Đồng Tử không nghe lời cha, nếu xét theo quan niệm chữ Hiếu của Nho giáo bảo thủ không những không được coi là hiếu thuận mà ngược lại, còn bị cho là bất hiếu.
Thế nhưng, sự thực là không ai không xúc động trước tấm lòng hiếu thảo sâu nặng của chàng, cũng không ai chê trách mà tất cả đều đồng lòng ngợi ca hành động hiếu nghĩa đó. Trong trường hợp này, dân tộc ta đã có quan niệm rất thực tế về chữ Hiếu. Chử Đồng Tử, dù không nghe lời cha (là biểu hiện của sự bất hiếu) nhưng việc chàng làm lại toả sáng một tấm lòng rất mực hiếu thảo. Chử Đồng Tử đã được dân gian ban tặng “phần thưởng” là một cô Công chúa xinh đẹp để làm vợ. Quả thật đây là phần thưởng vô cùng cao quý mà không bạc vàng nào sánh được (Vì không thể dùng của cải vật chất làm thước đo lòng hiếu thảo con người ). Chi tiết này thể hiện cách nghĩ hết sức thâm thuý thấm đẩm tính chất nhân văn và có thể coi là sự bổ sung cho quan niệm về chữ Hiếu trong dân gian của dân tộc ta.
Cuộc sống gian khổ của Chử Đồng Tử. |
Công chúa Tiên Dung, nếu xét theo tiêu chí và quan niệm về chữ Hiếu của Nho giáo bảo thủ, cố chấp được coi là một người con “bất hiếu” bởi không nghe lời cha, “không chịu lấy chồng” và tự ý định đoạt hôn nhân cho mình – hành động “mặc áo qua đầu” vốn bị coi là cấm kỵ trong xã hội phong kiến về mối quan hệ giữa con cái đối với cha mẹ. Và Chử Đồng Tử, một chàng trai hiếu thảo, trớ trêu thay, lại được dân gian dành cho phần thưởng là một cô con gái “bất hiếu”! Thoạt nhìn, tưởng như dân gian ta có ý “chơi khăm” nhân vật của mình nhưng kỳ thực thì không phải vậy.
Trong nhận thức của nhân dân ta, Tiên Dung chưa bao giờ bị coi là bất hiếu bởi việc nàng làm chẳng những không phương hại đến ai mà còn hướng đến lẽ đời cao đẹp với hôn nhân tự do và sự phân định đẳng cấp xã hội bị xoá nhoà. Cái sâu sắc của dân gian ta ở đây là tạo ra cái nghịch lý bên ngoài để làm sáng lên cái có lý bên trong. Chử Đồng Tử xứng đáng được ban thưởng và Tiên Dung cũng xứng đáng với tư cách “phần thưởng” của mình.
Truyện “Chử Đồng Tử” (渚童子) kết thúc với việc Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay về trời cũng là dụng ý của dân gian, nhằm tránh sự xung đột trong quan hệ vua-tôi, cha-con giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung với vua cha, khi mà nhà vua cử binh tiến đánh để Trung và Hiếu được vẹn toàn. Truyện cổ tích, nhất là cổ tích thần kỳ của nhân dân ta phản ánh thời kỳ “ngây thơ” trong lịch sử xã hội loài người nhưng những gì được thể hiện trong “Chử Đồng Tử ” lại cho thấy quan niệm và cách xử lý tình huống không hề ngây thơ.
Quan niệm về chữ Hiếu qua câu chuyện về chàng trai họ Chử có màu sắc phong phú và giá trị thực tiễn phù hợp với đời sống tâm lý xã hội cộng đồng, dù vẫn giữ cái hạt nhân cốt lõi của quan niệm về chữ Hiếu. Việc tiếp thu và vận dụng văn hoá, tư tưởng nước ngoài bằng trí tuệ, tâm hồn và đạo lý dân tộc của người Việt qua truyện “Chử Đồng Tử” nói riêng, trong quá trình xây dựng và phát triển bản sắc văn hoá, tư tưởng dân tộc nói chung luôn là điều khiến ta phải suy ngẫm và thán phục.
Chử Đồng Tử ẩn núp nơi đầm Dạ Trạch. |
Đối với đạo Phật, Rằm tháng Bảy hằng năm, lễ hội Vu Lan, lễ bông hồng cài áo, là mùa báo hiếu, Bởi vì: “Hiếu tâm tức thị Phật tâm. Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh”.
(孝 心 即 是 佛 心, 孝 行 無 非 佛 行)
Lòng hiếu tức là lòng Phật. Hạnh hiếu há chẳng phải là hạnh Phật sao?.
Hiếu kính với Cha Mẹ là một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Vì thế ca dao ta có câu:
"Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,
Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con."
Hoặc:
"Trải bao gian khổ không sờn
Muôn đời con vẫn nhớ ơn Mẹ hiền."
Chử Ðồng Tử như là một trong Tứ Bất Tử, biểu trưng cho đạo hiếu của dân tộc Việt Nam, và là người phật tử đầu tiên sống khoảng thế kỷ II trước công nguyên.
Ngày nay, Thắng hội Vu Lan, ngày truyền thống văn hoá báo hiếu, không chỉ có người phật tử thực hiện mà đã thành lễ hội văn hoá báo hiếu của dân tộc ta.
Vì thế, mỗi chúng ta hãy là một điểm sáng về tấm lòng hiếu thảo, tỏa sáng, rực sáng, vì ánh sáng bao giờ cũng đẩy lui bóng tối, tình thương bao giờ cũng chiến thắng thù hận, trí tuệ bao giờ cũng khuất phục si mê, hạnh phúc và đạo đức bao giờ cũng vượt lên trên hết…