“Ôsin” bất đắc dĩ
Cứ tầm 6 giờ sáng, nhiều người ở ngõ 68, Quan Hoa, Cầu Giấy lại thấy anh Hải tất tưởi xách làn đi chợ. Mặc dù cũng tỏ ra ngại ngùng khi phải ngồi chung với các chị em phụ nữ chọn từng bó rau, con cá... nhưng xem ra anh Hải rất vui và hạnh phúc khi được làm công việc này thay vợ. Hỏi ra mới biết vợ anh vừa mới có thai, sức khỏe yếu phải nằm một chỗ nghỉ dưỡng trong những tháng đầu nên anh phải đảm nhận luôn vai trò của “Ôsin”.
Anh Hải tâm sự: “Đi chợ xong còn phải về nấu cơm rồi mới thay quần áo đi làm. Tối đến còn phải lo dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo và rửa bát đĩa. Lương hai vợ chồng không nhiều, chỉ tằn tiện mới đủ sống, và không có để thuê người giúp việc nên tôi đành gắng chịu khổ một chút, vợ chồng chỉ có lúc này mới thấy cần nhau”.
Không dễ chịu và tự nguyện như anh Hải, nhiều ông chồng khi bị đẩy vào tình thế phải làm “Ôsin” bất đắc dĩ thường hay than vãn kể khổ. Anh Nam, nhân viên kế toán cho một công ty tư nhân than thở: “Từ ngày vợ mang thai, mọi việc trong nhà tôi trở nên rối tung. Vừa phải lo cho cậu quý tử đi học, tắm rửa và ôn bài, vừa phải lo chăm sóc, đưa đón bà bầu... Nhiều hôm đi làm về muộn, mệt đứ đừ, vậy mà phải đối mặt với chậu quần áo cao ngất, tự nhiên thấy tủi thân quá...”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Đoạn trường ai qua cầu mới hay
Nhiều ông chồng khác nếu may mắn thoát khỏi cảnh “Ôsin” vì nhà có người giúp việc hay vợ có đủ sức khỏe đảm đương công việc nội trợ, thì cũng không tránh được nhiều nỗi khổ tâm khác khi vợ mang thai.
Theo các chuyên gia tâm lý, quá trình thay đổi hoóc-môn trong thai kỳ đã khiến các bà bầu có sự biến chuyển lớn về thể chất và cảm xúc. Họ thường trở nên “dễ vỡ” hơn, yếu đuối hơn và tính tình vì thế cũng trở nên mưa nắng thất thường hơn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần làm... khổ các đức lang quân.
Anh Tuấn nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội kể: “Từ ngày có bầu, vợ tôi cứ giận hờn suốt, đi làm về muộn một tý cũng giận, về nhà chưa kịp hỏi thăm cũng giận, nhờ đi mua cái này cái kia mà chưa kịp mua cũng giận. Thậm chí có hôm đang ngủ, gọi dậy nói thèm ăn chè, mua về ăn được vài miếng rồi lại không chịu ăn, mình nói hơi nặng một chút là quay sang khóc lóc giận dỗi...”.
Bên cạnh việc bị “hành”, sai vặt, nhõng nhẽo các kiểu..., nhiều ông chồng còn buộc phải thay đổi thói quen và sở thích cá nhân khi vợ mang bầu như không được hút thuốc trong nhà vì sợ khói thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, không được la cà hàng quán vì sợ lây bệnh, không được tranh cãi nhiều với vợ vì sẽ làm vợ xúc động... Thậm chí nhiều ông còn ức chế quá mức vì bị vợ “cấm vận” luôn chuyện “yêu”.
Hẳn nhiên không phải ông chồng nào cũng dễ dàng để mình bị đẩy vào tình thế khó khăn đó. Với các đối sách như thuê người giúp việc, kêu gọi sự giúp đỡ của gia đình hai bên, hoặc làm... ngơ, một số ông chồng vẫn có thể giải thoát mình ra khỏi “bể khổ”. Thế nhưng, đối với những ông chồng có trách nhiệm, thì việc được chia sẻ và gánh vác giúp vợ những việc nặng nhọc, thậm chí hy sinh và chịu đựng căn bệnh “khó ở” của vợ trong giai đoạn “bầu bí” luôn được xem là chất xúc tác tuyệt vời cho tình cảm vợ chồng.
Thế nên có một sự thật là, trong khi các ông chồng đang phải “gồng” lên từng ngày trong vai trò người đàn ông có trách nhiệm, người cha gương mẫu... thì nhiều bà vợ lại tỏ ra vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì được làm... khổ chồng. Một chị đang mang thai đã chia sẻ niềm tự hào với bạn bè: “Chính vào những lúc như thế này, mình mới thấy yêu chồng nhiều hơn, mới thấy cái tình cái nghĩa vợ chồng đáng quý biết bao”.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: