Chồng mưa nắng thất thường

Khi tần suất những cơn mưa nắng thất thường ấy ngày càng dày đặc thì em không thể nào tiếp tục chịu đựng.

Chồng mưa nắng thất thường

Vô duyên, vô cớ anh quạu quọ với vợ con. Anh la đứa này, mắng đứa kia, mặt mũi chằm vằm. Em đã cố nhớ nhưng không tài nào nhớ nổi mình đã làm gì, các con đã làm gì khiến anh nổi nóng. Em gọi điện thoại cho bạn bè để hỏi xem có chuyện gì đã xảy ra với anh ở nơi làm việc hay không? Câu trả lời là mọi chuyện đều ổn. Vậy thì điều gì đang xảy ra với anh?

Trước đây, em vẫn dễ dàng chấp nhận, bỏ qua những cơn mưa nắng thất thường của anh. Em nghĩ ông trời còn có lúc mưa, lúc nắng thì con người làm sao tránh khỏi những khi vui, buồn? Thế nhưng, khi tần suất những cơn mưa nắng thất thường ấy ngày càng dày đặc thì em không thể nào tiếp tục chịu đựng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi em cũng hiểu rõ nguồn cơn, cớ sự. Mỗi lần anh Hai, anh Ba, chị Tư, chị Năm, cô Út gặp khó khăn, xui rủi thì anh lại mặt nặng, mày nhẹ với em và con, như thể vợ con chính là nguyên nhân tạo ra những rủi ro, buồn phiền cho họ. Để rồi sau đó, khi em vét đến những đồng tiền lương cuối cùng đưa anh mang về cho anh em của mình thì mọi chuyện lại bình thường như cũ.

Anh à, em muốn nhắc cho anh nhớ rằng em và con cũng là ruột rà của anh. Vì sao em luôn cố gắng để anh vui mà anh không vui? Còn những người anh em của anh, mỗi khi họ buồn thì anh lại mang cả những nỗi buồn của họ vào nhà mình? Tại sao em và các con phải chịu trách nhiệm trước những thất bại của họ? Đành rằng một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ nhưng các anh chị em của anh đều trưởng thành cả rồi. Họ phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình, cớ sao lại bắt người khác phải gánh thay?

Xin anh từ nay về sau đừng mang những chuyện không vui ấy vào nhà mình nữa. Em không muốn đến một ngày nào đó, khi sức chịu đựng đến giới hạn cuối cùng thì em sẽ trả anh về nơi anh đã từ đó ra đi…

Ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì...

Ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị. Ở cái tuổi 43 nhưng chị chẳng khác nào đứa trẻ 13, 14 tuổi. Không phải chị trẻ mà chị nhỏ, người bé tí tẹo, chỉ còn da bọc xương…

Chị có ba đứa em. Bố mẹ chị là công nhân. Năm chị học lớp 11, bố chị mắc bệnh nặng, qua đời. Mẹ chị phải về hưu non để ra ngoài làm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Chị học xong lớp 12 thì nghỉ, đi làm để giảm gánh nặng cho mẹ.

Thời gian dần trôi. Lần lượt ba đứa em của chị học hết phổ thông, rồi lên cao đẳng, đại học và lập gia đình. Lúc này chị đã bước vào cái tuổi mà mọi người thường cho là... ế - 32 tuổi. Ba năm sau, chị gặp anh. Anh trẻ hơn chị năm tuổi, chẳng có việc làm, gia đình cũng nghèo khó. Nhưng với suy nghĩ “có còn hơn không”, chị nhắm mắt lấy anh.

Vợ chồng chị ở nhà mẹ đẻ, cuối tuần mới về nhà chồng. Thời gian đầu, anh có vẻ “ngoan”, gia đình vợ kêu làm gì thì làm nấy. Nhìn chị và anh quấn lấy nhau như đôi sam, mọi người ai cũng mừng cho chị. Một năm, hai năm, rồi bốn năm qua đi nhưng anh chị vẫn chẳng có con. Lúc đầu ai cũng nghĩ là lỗi do chị, vì chị đã lớn tuổi. Đến bệnh viện phụ sản khám thì bác sĩ cho hay chị hoàn toàn có khả năng sinh sản, “mắc mứu” nằm ở chỗ “tinh binh” của anh quá yếu. Gia đình chị, nhất là mẹ chị khuyên hai vợ chồng chị vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng anh không đồng ý.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi anh xin được một chân lái xe taxi, thế là anh chẳng còn “ngoan” nữa. Anh lấy lý do công việc rồi đi sớm về khuya, chẳng thèm ngó ngàng gì đến chị. Mẹ anh khăng khăng “cái đứa con dâu khô đét như que củi” mới chính là thủ phạm không biết “đẻ đái” gì. Bà tìm mọi cách thể hiện “quyền lực của mẹ chồng”, mắng chó chửi mèo, xài xể chị. Những lúc như vậy, anh không an ủi vợ mà còn đổ thêm dầu vào lửa. Chị chán, không muốn về nhà chồng nữa nhưng mẹ chị bắt phải về, vì “ở đâu cái thói có chồng mà không về nhà chồng. Muốn cho thiên hạ bôi tro trát trấu lên mặt mẹ mày à?”.

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì em gái chị chia tay chồng rồi dẫn con về nhà mẹ ở. Thế là chị phải “hoãn” ý định bỏ chồng.

Hai năm sau, khi chuyện của em gái đã lắng xuống, chị nói với mẹ sẽ bỏ chồng. Mẹ chị đỏ mặt tía tai: “Vì mẹ, mày cứ sống vậy đi. Em mày đã ly hôn, giờ mày mà ly hôn nữa, thiên hạ người ta sẽ chửi vào mặt mẹ mày đấy. Thôi thì mẹ lạy chị, chị thương lấy cái thân già của mẹ, đợi mẹ chết rồi chị muốn làm gì thì làm”…

Chị đành lặng lẽ ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn.

Lạc giữa nhà chồng

Lấy nhau, về sống chung trong đại gia đình nhà chồng, chị mới nhận ra, hóa ra bờ vai anh to rộng thật, nhưng không đủ để chị dựa vào.

Lạc giữa nhà chồng

Chị thấy mình run run khi chạm tay vào xấp tiền mỏng lét. Chỉ còn sáu tờ polyme màu xanh, mệnh giá cao nhất. Như vậy, bảy triệu đã không cánh mà bay. Tiền để trong tủ, tủ đặt trong phòng riêng của anh chị, nghĩa là chẳng cần phải dò hỏi hay nghi ngờ gì cho thêm nhọc.

Anh đương nhiên là không chối. Anh bảo, không hỏi han mà tự ý lấy vì biết chị sẽ không đồng ý, việc gì phải bàn bạc chi cho mất công.

Lần này anh chị cãi nhau to. Chị thấy sự kiên nhẫn của mình đã bị thử thách đến tận cùng. Sao anh có thể muốn lấy là lấy, muốn xài là xài, tùy tiện như vậy chứ? Dù là tài sản chung của hai vợ chồng, thì cũng cần phải thống nhất với nhau, đằng này, đây là tiền riêng chị dành dụm, định đưa mẹ ruột ở quê đi chữa bệnh. Hôm chị cất mười triệu vào đây, đã nói rõ với anh như thế rồi còn gì!

Anh lại buông ra cái kết luận quen thuộc, rằng chị quá coi trọng đồng tiền, xem tiền bạc lớn hơn mọi thứ. Gia đình cần thì anh mới chi dùng, chứ anh đâu mang tiền đi chơi mà chị làm ầm ĩ. Người gì không có chút tình nghĩa nào hết! Chị ngồi bệt xuống sàn, nước mắt tràn ra, uất nghẹn trước lý lẽ của người đàn ông mình chọn làm chồng.

Chị quen anh khi còn làm cùng chi nhánh. Anh đẹp trai lại ga lăng và chị bị “cưa đổ” bởi những trò hài hước vui nhộn của anh. Lấy nhau, về sống chung trong đại gia đình nhà chồng, chị mới nhận ra, hóa ra bờ vai anh to rộng thật, nhưng không đủ để chị một lần dựa vào. Ngay từ hôm đầu tiên, anh đã bảo, mẹ nói vợ chồng mình phải góp tiền cơm, nên hàng tháng lãnh lương, em nhớ đưa cho mẹ nhé!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị “dạ” mà không tiện hỏi thêm. Rồi chị phải góp phần để mua bộ salon hàng hiệu cho phòng khách, sắm sửa lại đồ điện máy đã cũ trong nhà. Rồi em chồng cưới vợ, chẳng lẽ mình là anh chị mà không lo? Mẹ bảo, em xin việc cho em dâu nó làm với, giờ em đã lên trưởng chi nhánh rồi, có khó gì đâu. Em đừng ky bo như thế, đưa cho cháu chừng đó, không sợ mọi người cười à? Những bổn phận dày đặc ấy làm chị quay như chong chóng.

Chị chẳng phải là không biết phản đối. Thế nhưng, mỗi lần không đạt được yêu cầu tài chính với vợ, là chồng chị mặt nặng mày nhẹ, nói năng trống không, dằn dỗi như một cô nàng đỏng đảnh. Chị tự hỏi, mình đã có lỗi gì mà phải chạy theo năn nỉ kia chứ? Em đừng ỷ làm ra tiền rồi mỗi chút ý kiến, cãi lại chồng, không hay ho gì đâu… Mẹ chồng chẳng khách sáo gì mà không lườm nguýt, xa gần. Đi làm cả ngày, tối mịt mới về, chị đã quá mệt mỏi khi phải đối mặt với thái độ như vậy. Thôi thì cứ đưa tiền ra mà mua lấy sự bình an, vui vẻ. Riết rồi thành quen. Những sự ấm ức trong lòng ấy, chị chỉ dám tâm sự với cô bạn thân, nhận lại câu bình luận tuy chướng tai mà thật đến không ngờ: “Nghe giống như mày đang bỏ tiền bao… trai đẹp ấy nhỉ!”.

Bạn nói không sai! Chồng chị hơn năm nay đã không đi làm. Anh bỏ việc, chỉ thích tụ tập cà phê, chụp ảnh, dắt díu du lịch với hội này nhóm kia. Anh thường xuyên kêu chị đưa tiền tiêu vặt mà không hề thấy ngại. Vừa định lựa lời góp ý với anh, đã nghe mẹ chồng bảo, cho nó nghỉ “xả hơi” ít bữa, có gì đâu. Vợ chồng sống với nhau cả đời, có lúc này lúc khác, đừng được đằng chân lân đằng đầu. Chị chán ngán đến mức chỉ muốn buông xuôi. Đã lâu lắm, chị không còn xuất hiện ở nơi công cộng với chồng.

Câu cửa miệng của anh vẫn là tiền bạc nào có quan trọng. Chị cười trong cay đắng, thầm nghĩ, mấy người nói câu khinh bạc đó thường là kẻ không kiếm nổi những đồng tiền lẻ để lo cho bản thân, nói gì đến việc bảo bọc cho ai. Sống trong nhà chồng, chị thấy mình cái gì cũng phải nem nép chờ ý anh, đợi anh quyết. Thời buổi nào rồi mà mình cứ phải chịu đựng thế này? Ra riêng cho thoải mái ư? Vừa đề cập đến là anh nhảy dựng lên, anh quen sống thế này rồi, có gì mà em không hài lòng cơ chứ? Em đừng tưởng mình có tiền thuê nhà rồi bày đặt này nọ. Chị tự hỏi, hay mình cứ bơ đi mà sống, coi như chấp nhận tốn kém chút đỉnh, yên phận cho xong.

Nhà chồng đông người, nhưng hình như chị chẳng có ai thân. Ốm đau tự biết, vui buồn tự lo. Đôi khi đi công tác xa, đến ngày về, chị mới giật mình nhớ ra, ở cái nơi gọi là tổ ấm ấy, chẳng có ai mong chờ mình. Lần này, em chồng ly hôn, cả nhà chồng bàn bạc việc giành quyền nuôi cháu. Đứa cháu trai mà chị chưa từng một lần thấy ba mẹ chồng ẵm bồng nựng nịu. Vậy mà giờ, chồng chị khăng khăng với quyết định, bằng mọi cách không để đứa em dâu ra khỏi nhà với thằng nhỏ. Nó là cháu trai của nhà này, đâu giỡn mặt được. Dù có tốn tiền lo lót cho tòa án, cũng phải cố. Chị nhìn không khí hừng hực quanh cái “hội nghị” quyết chiến ấy, tự dưng thấy xót xa cho đứa em bạn dâu của mình. Chị tỏ rõ với chồng là mình không ủng hộ việc tranh giành nuôi con ấy, chị sẽ không hùn hạp gì chi phí kiện tụng. Anh gườm gườm không nói, chị đâu ngờ anh đã có cách khác “xoay” tiền giúp em trai mình…

May mà tôi với cô không có con với nhau! Anh kết thúc buổi tranh cãi bằng một câu thẳng thừng như thể chị không đáng để có một đứa trẻ gọi bằng mẹ; Tựa như chị không thấu hiểu được thứ tình cảm thiêng liêng giữa gia đình anh và đứa cháu sắp bị mẹ nó "cướp" đi kia vậy. Nhắc đến chuyện con cái, anh nhiều lần tức giận khi chị thoái thác chưa sinh. Chị tần ngần bởi không biết rủi có gì, mình chị có kham nổi việc nuôi dạy con hay không. Thậm chí là khi xảy ra chuyện, chị chắc gì đã "một mình chống nổi mafia", như cô em dâu kia.

Chị đắng đót nghĩ thêm, ừ, biết đâu là may thật. Mình chẳng vướng bận gì, một cái ba lô là xong, kết thúc hơn sáu năm hôn nhân tù túng vất vả. Chỉ buồn, lỡ dở một đoạn đời…

Chồng bạt tai, vợ nộp đơn!

Thực ra, họ làm vậy chỉ là để thỏa mãn cái tôi quá lớn của bản thân, để dằn mặt chồng, mà quên mất “cái thiệt” đi liền sau đó.

Chồng bạt tai, vợ nộp đơn!

Dù vẫn yêu chồng, vẫn muốn vợ chồng gắn bó, nhưng đụng chuyện lớn nhỏ gì cũng đòi ly hôn có vẻ như đã thành thói quen của không ít bà vợ. Thực ra, họ làm vậy chỉ là để thỏa mãn cái tôi quá lớn của bản thân, để dằn mặt chồng, mà quên mất “cái thiệt” đi liền sau đó.

Chồng bạt tai, vợ nộp đơn!

Mới đây, Tòa án nhân dân Q.Cái Răng (TP. Cần Thơ) đã xét xử vụ đơn phương xin ly hôn của chị Nguyễn Thị Diệu.

Theo chị Diệu, năm 2007, chị kết hôn với anh Dương Hoàng Thái, chung sống được hai năm thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng thường xuyên cãi vã. Anh Thái hay rượu chè, cờ bạc, không chí thú làm ăn, không quan tâm, lo lắng cho gia đình, bỏ bê nhà cửa, con cái. Dù vợ đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng Thái vẫn không chịu sửa đổi, thậm chí còn đánh cả vợ.

Trái với những gì vợ “tố”, anh Thái cho rằng nguyên nhân vợ anh xin ly hôn là do anh lỡ bạt tai vợ và đó cũng là lần đầu tiên anh đánh vợ. Anh kể, anh sống chung với gia đình nhà vợ nên đôi khi có nhiều chuyện đụng chạm, bực bội trong lòng không nói ra được. Diệu đã không thông cảm, chia sẻ với chồng mà còn dựa thế nhà cha mẹ mình “bắt chẹt” anh. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, dù lớn hay nhỏ Diệu cũng đòi ly hôn. Biết tính vợ chỉ dọa chứ không làm thật nên anh Thái luôn nhịn cho trong ấm ngoài êm. Vừa rồi, vợ chứng nào tật ấy, nóng quá không kiềm chế được, anh lỡ đánh chị một bạt tai. Vậy là chị đùng đùng viết đơn ly hôn bắt anh ký. Anh đã xuống nước năn nỉ chị suốt cả tuần mà chị vẫn nộp đơn ra tòa. Thật lòng anh Thái vẫn thương vợ con, vẫn hằng ngày phụ vợ chăm lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái và chưa có khoảng thời gian nào vợ chồng anh mâu thuẫn đến độ phải ly thân. Đến nước này thì chị Diệu mới lí nhí thừa nhận vẫn còn tình cảm với chồng, hai vợ chồng vẫn “ăn chung, ngủ chung” với nhau dù đã nộp đơn xin ly hôn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Những trường hợp chuyện bé xé ra to như chị Diệu không hiếm. Theo một vị thẩm phán của tòa này, thông thường cứ mười vụ xin ly hôn thì có một vụ không nhằm mục đích ly hôn mà chỉ muốn “dằn mặt” bạn đời. Đối với những cặp đôi này, khi hòa giải, chỉ vài ba câu hỏi là nhận ra nội tình ngay và thường sau phiên hòa giải, người trong cuộc xin rút lại đơn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tòa “nhận ra” thì cũng hòa giải thành công, nhất là khi “đối phương” cảm thấy bị tổn thương và chuyện đã vượt ngưỡng chịu đựng của họ.

Già néo đứt dây

Là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Thanh An và chị Trần Thu Thủy (Q.Tân Phú, TP.HCM). Cho rằng chồng không chung thủy, thường xuyên đi sớm về muộn bỏ mặc vợ con và có thái độ vũ phu với vợ, chị Thủy đơn phương nộp đơn xin ly hôn. Anh An tuy không ký vào đơn nhưng khi ra tòa, anh lạnh lùng gật đầu, mong muốn được ly hôn. Trước tòa, khi chị Thủy kể không kịp thở về “tội lỗi” của chồng, anh vẫn giữ thái độ im lặng, chịu đựng. Có lẽ nhận ra sự “bất thường” nên chủ tọa liên tục đặt ra những câu hỏi gợi mở, chia sẻ dành cho anh, anh vẫn không một lời biện minh. Tòa nhiều lần khuyên anh và chị suy nghĩ lại, anh lạnh lùng, dứt khoát. Cuối cùng, tòa phải tuyên bố chấp thuận cho anh chị ly hôn. Chị Thủy òa khóc nức nở.

Gặp anh An sau phiên tòa, anh tâm sự, sức chịu đựng của mỗi người có hạn nhưng vợ anh đã không nghĩ đến điều đó. Lần đầu tiên vợ đòi ly hôn, anh rất buồn và hụt hẫng. Lần thứ hai anh không buồn nữa mà lại thấy đau vì vợ không tôn trọng anh, xem thường cuộc sống vợ chồng. Rồi lần ba, lần bốn… mà lần nào nguyên nhân cũng chỉ từ những việc cỏn con trong nhà, như việc chị nhờ anh trên đường đi làm về mua giùm chị mớ rau, anh lỡ quên. Chuyện nhỏ xíu mà chị càm ràm cả buổi, bực bội anh quát lại, vậy là chị bù lu bù loa đòi thôi nhau. Hay như chuyện chị soạn ra bản phân công công việc nhà, từ chuyện ủi đồ, rửa chén đến lau nhà cũng phó cho chồng. Anh không đồng ý, chị cay cú: “Vậy thì thôi đi, anh kiếm con khác về mà hầu hạ”.

Rất nhiều chuyện tương tự như vậy, anh An phải nhẫn nhịn cho qua. Công việc của anh phải thường xuyên tiếp đối tác sau giờ làm, trước khi cưới chị cũng biết rõ điều đó, nhưng vẫn hoạnh họe chồng. Lần nào anh về muộn chị cũng mặt nặng mày nhẹ, anh gọi cửa phải chờ hơn nửa tiếng chị mới ra mở. Hôm rồi không kiềm chế được, vợ chồng cãi vã, anh lỡ nặng lời, chị khăn gói bỏ về bên ngoại không quên để lại tờ đơn xin ly hôn trên bàn. Cho đến khi có giấy mời của tòa anh mới biết chị còn viết thêm một lá khác gửi tòa. Anh đã tìm gặp chị khuyên nên rút lại đơn, nhưng chị cự tuyệt, thách thức. Anh thở dài: “có lẽ đến lúc tôi phải chấp nhận sự mất mát này”.

Có đặt mình vào vị trí của đối phương, mới cảm nhận được hết mức độ tổn thương của việc “hở ra là đòi ly hôn”. Thế nhưng, khi “máu nóng” đã bốc lên, ít ai chịu đặt mình vào vị trí của người khác mà thường hành xử theo bản năng nhằm thỏa mãn cái tôi của mình. Những giọt nước mắt muộn màng của chị Thủy sau phiên tòa đã không còn cứu vãn được gia đình.

Quên để vượt qua “cái nư”

Theo tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, sử dụng chiêu “đòi ly hôn” hoặc đơn phương nộp đơn xin ly hôn để dọa người bạn đời thì chẳng khác nào đang chơi dao hai lưỡi, người đứt tay đầu tiên là người cầm dao. Mặt khác, việc vợ chồng đang chung sống với nhau, giận dỗi đòi ly hôn cũng là một hành động xúc phạm, không tôn trọng bạn đời. Tâm lý đàn ông thường hiếu thắng nên đừng bao giờ thách thức họ. Ban đầu họ cũng không muốn ly hôn, nhưng nếu cứ bị vợ thách thức, chắc chắn sẽ nổi tự ái, “muốn tới đâu thì tới”. Vì thế, nếu thật sự không muốn gia đình đổ vỡ, con cái bơ vơ thì người trong cuộc nên biết kiềm chế cảm xúc.

Thực tế, việc “lạm dụng” này chỉ là giải pháp bất đắc dĩ của các bà vợ, trong một lúc không kiềm chế được, nhằm giải tỏa nỗi ấm ức của mình. Việc này thường xảy ra đối với những phụ nữ không làm chủ được cảm xúc. Ngay từ đầu, họ đã mang cảm giác bị thiệt thòi trong gia đình và luôn có tâm lý muốn "vùng lên". Tiến sĩ Võ Văn Nam chia sẻ thêm, do cuộc sống hằng ngày phụ nữ thường chịu nhiều áp lực, vừa đi làm, vừa chăm sóc con cái, nhà cửa, thậm chí còn chăm luôn cả chồng. Trong khi đó, ông chồng chỉ mỗi việc đi làm rồi về xem ti vi, đọc báo, rảnh rỗi thì tụ tập với bạn bè. Suy nghĩ mình đang phải chịu đựng bất công đã vô tình khiến chị em nghĩ đến những điều tiêu cực như ly hôn, ly thân.

Theo tiến sĩ Nam, để tránh được tình trạng mỗi lần “bốc hỏa” là mỗi lần đòi ly hôn, trước hết người phụ nữ phải tạm quên đi cái gọi là bất công, thiệt thòi của bản thân. Đừng nghĩ đến đổ vỡ mà hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp phía trước: một gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái ngoan hiền... Khi ấy, tự thân mỗi người sẽ thấy trân trọng hơn cuộc sống hôn nhân, trân trọng bạn đời. Chị em đừng tự ám thị mình đang chịu thiệt thòi vì lâu dần điều đó sẽ hình thành những suy nghĩ tiêu cực trong tiềm thức.

Ông bà ta có câu “chén trong sóng còn khua”, vợ chồng không thể tránh khỏi những xung đột, quan trọng là phải biết kiềm chế và biết dừng đúng lúc, đừng để chén nước đổ đi rồi không thể hốt đầy lại được.

Đọc nhiều nhất

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.

Tin mới

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...