Trong suốt thời gian qua, công tác phòng, chống Covid-19 đã được triển khai rộng khắp, quyết liệt trên cả nước và đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, dịch bệnh hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp khi số ca nhiễm bệnh liên tục gia tăng, xuất hiện những “ổ dịch” có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống dịch với sự tập trung cao độ, thần tốc và quyết liệt hơn nữa.
Bên cạnh việc tập trung chống dịch, có một sự chống khác luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương quan tâm đó là chống đói nghèo vì mất việc, mất thu nhập.
Thực tế cơn ác mộng mang tên Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, gây lo lắng trong cộng đồng mà đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại đến nền kinh tế. Nhất là thời điểm, chúng ta áp dụng những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh như hạn chế tụ tập nơi đông người, đóng cửa các hàng quán, khách sạn, cấm xuất nhập cảnh, đóng cửa biên giới khiến cho nền kinh tế lao đao, thị trường xuất nhập khẩu “đóng băng”, “tê liệt”, các hãng hàng không, các dịch vụ du lịch, nhà hàng, dịch vụ vận tải… cũng bị ngưng trệ.
Cần hỗ trợ cho những lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Báo đầu tư. |
Theo đánh giá của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài thêm 6 tháng nữa, 60% doanh nghiệp giảm doanh thu 50%; gần 74% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nguy cơ phá sản.
Việc doanh nghiệp đóng cửa sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu hộ gia đình, dẫn đến thực tế nhiều lao động đã mất việc làm, mất thu nhập, đặc biệt là lao động tự do, rất dễ rơi vào cảnh túng quẫn nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân, chúng ta sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và đời sống nhân dân trước tác động của dịch Covid-19.
Mới đây, TP HCM đã có nghị quyết về một số chế độ chính sách chi cho phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, TP HCM sẽ chi 2700 tỉ đồng hỗ trợ chống dịch Covid-19. Trong đó, dành 1800 tỉ đồng giúp các đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh, cùng với đó là rất nhiều giải pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đáng chú ý, TP HCM quyết định hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong thời gian 3 tháng. 600.000 người bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ sẽ được hưởng chính sách này. Số tiền hỗ trợ trên được lấy từ việc dùng thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức để san sẻ cho người mất thu nhập. Dù số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đó là vô cùng cần thiết với những người lao động trong khoảng thời gian mất việc.
Cùng với TP HCM, Hải Phòng cũng đã chủ động hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn đã phải dừng sản xuất kinh doanh bằng nguồn xã hội hóa. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành mới đây đã đề nghị UBND thành phố xây dựng đề án hỗ trợ cho các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó khăn do phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Việc TP HCM hỗ trợ người lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến dư luận đặt ra câu hỏi, các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương…sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ cho người thất nghiệp, mất thu nhập để giúp người dân không phải lâm cảnh túng quẫn do dịch bệnh. Để có thêm góc nhìn về vấn đề trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Hỗ trợ người lao động mất việc là vô cùng cần thiết
Thưa Đại biểu Phạm Văn Hòa, vừa qua, TP HCM đã quyết định hỗ trợ người mất việc, mất thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh với số tiền 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng. Ông đánh giá thế nào về việc hỗ trợ này và các tỉnh thành khác có nên triển khai hỗ trợ người dân?
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đã tác động gây thiệt hại cho nền kinh tế nước ta rất lớn. Hàng nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản khi tình hình sản xuất kinh doanh, mua bán bị ngưng trệ dẫn đến tình trạng thất nghiệp rất cao, đặc biệt là lao động tự do.
Tình trạng thất nghiệp, mất việc, mất thu nhập sẽ đẩy nhiều người lao động tự do đến hoàn cảnh khó khăn cùng quẫn. Không loại trừ khả năng “bần cùng sinh đạo tặc” khi mất việc, không làm ra tiền, cùng quẫn phải kiếm tiền từ những hoạt động bất hợp pháp để có thu nhập. Việc này không thể chủ quan được bởi dẫn đến mất trật tự xã hội, trộm cắp xảy ra khắp nơi.
Vừa qua, TP HCM đã quyết định hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh số tiền 1 triệu đồng/tháng trong thời gian 3 tháng. Tôi đánh giá đây là hành động, động tác rất lớn dù mức hỗ trợ không nhiều. Đó là rất thiết thực và nhân văn.
Dù biết rằng, TP HCM có thu nhập bình quân đầu người cao, có nguồn thu ngân sách rất lớn nên họ thực hiện được. Nhưng Hà Nội và các tỉnh thành khác cũng có thể hành động như vậy.
Hiện nay, ngân sách lo cho an sinh xã hội, dự phòng rủi ro do thiên tai, trong đó có dịch bệnh, nhà nước hiện đang tập trung rất quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Cho nên tôi nghĩ rằng, tùy điều kiện của mỗi địa phương cần trích ra một số ngân sách nào đó để hỗ trợ cho những đối tượng cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để người ta có sự yên tâm sinh sống, cùng nhà nước chung tay chống dịch Covid-19.
Trường hợp không hỗ trợ bằng tiền cũng nên hỗ trợ bằng vật chất nhưng tôi nghĩ hỗ trợ bằng tiền như TP HCM là tốt hơn hết để người dân có thể mua những đồ thiết yếu để phục vụ cuộc sống trong thời điểm khó khăn.
Ví như Đồng Tháp vừa rồi. Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh cũng có họp bàn và đi thăm một số gia đình hiện nay do tác động của dịch Covid-19 mà mất công ăn việc làm. Thực tế thời gian qua, nhiều người dân Đồng Tháp đi làm công nhân tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước đã buộc phải trở về quê hương do các nhà máy ngưng hoạt động, dẫn đến cảnh họ mất việc, mất thu nhập, cuộc sống rất khó khăn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Trong khi đó, nhiều người địa phương làm lao động tự do không ai thuê mướn. Thậm chí, các cháu bán vé số cũng không bán được do người dân không dám mua. Các cháu bán vé số chỉ có cuộc sống hàng ngày nhờ vào việc bán vé số.
Do vậy, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng bàn phương án mà tôi nghĩ các nơi cũng nên tham khảo. Đó là không phải hỗ trợ hết mà phải hỗ trợ có địa chỉ, phường xã xóm ấp phải lập danh sách những gia đình nào cực kỳ khó khăn hiện nay và đề xuất. Bên canh việc xem xét trích ngân sách để hỗ trợ người dân, Đồng Tháp cũng vận động xã hội hóa chung tay, chung sức, chung lòng lo phòng chống dịch bệnh và lo cho những người gặp khó khăn trong thời điểm này do dịch bệnh.
Hiện hàng vạn lao động đang mất việc làm hoặc giảm thu nhập do dịch Covid-19 nhưng không được hỗ trợ như người đi làm công ty, hưởng lương ngân sách. Do đó, các địa phương cần có ngay chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để họ duy trì, ổn định cuộc sống. Nếu cả nước đồng lòng như vậy sẽ giải quyết bớt khó khăn của người dân hơn và chúng ta sẽ hạn chế được tình hình trộm cắp, gây rối trật tự, an toàn xã hội ở địa phương để người dân yên tâm chống dịch.
Hỗ trợ người lao động mất việc làm là cần thiết nhưng ở góc độ vĩ mô, chúng ta cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để giảm nguy cơ thất nghiệp cho hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lao động, ông nghĩ sao về việc này?
Nhà nước phải lo cho an sinh xã hội cùng với toàn dân. Xã hội hóa để cùng nhau lo. Do vậy, ở góc độ vĩ mô, cần phải quan tâm hơn hết với những đối tượng là doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ về thuế, khoanh nợ ngân hàng, những dịch vụ cần thiết khác cũng cần được miễn giảm như điện, nước... Ngành điện lực cần nghiên cứu xem xét để giảm giá điện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, để khuyến khích họ phát triển, tăng cường năng lực sản xuất, để giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Hiện nay có ý kiến cho rằng, cần giúp doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tiếp cận các gói hỗ trợ, kích cầu của Chính phủ như hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng; hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỉ đồng...Tuy nhiên, theo tôi, các gói kích cầu khi giải ngân cần nghiên cứu kỹ. Bởi giải ngân thì doanh nghiệp sẽ sử dụng tiền ấy như thế nào? Nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh rồi thì sử dụng tiền làm gì? Kích cầu trong thời điểm này coi chừng đưa ra là mất, không thể thu hồi do doanh nghiệp phá sản. Do vậy, dù cần thiết cũng cần xem xét thật chu đáo, cân nhắc thật kỹ để triển khai áp dụng cho có hiệu quả.
Người dân phải tiết kiệm triệt để ứng phó với khó khăn
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ của địa phương, người dân cũng cần phải thực hiện tiết kiệm trong thời điểm này để ứng phó với dịch bệnh chưa biết thời điểm nào mới kết thúc trong khi cuộc sống người dân đã bị ảnh hưởng, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Người dân hiện nay cần phải tiết kiệm. Tiết kiệm trong chi tiêu, cố gắng tối đa sự tiết kiệm ấy dựa trên các nguồn thu sẵn có. Ví dụ mỗi ngày ăn 100.000 đồng thì giờ giảm còn 70.000 đồng.
Theo tôi được biết, hiện nay người dân cũng rất kiềm chế trong chi tiêu. Bởi hiện người ta hạn chế ra đường, hạn chế ăn sáng ở hàng quán, hạn chế đi chợ cách một ngày đi chợ một ngày. Người ta chi tiêu rất tính toán kỹ lưỡng. Những gì cần thiết phải mua và những gì không cần thiết sẽ không mua.
Toàn dân cũng phải tính toán giảm mức chi tiêu trong sinh hoạt để có thể tích lũy, phòng khi khó khăn. Đặc biệt là những hộ gia đình hiện đang gặp khó khăn về kinh tế, nhất là những công nhân lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem video Thêm 6 ca mắc Covid-19 ở Việt Nam
Nguồn: VTC Now.