Ông Và Bá Nhìa, ở bản Mường Lống 2, cho hay: “Khoảng chừng 8 đến 10 năm trở lại đây, chỗ này (giáp cổng trời Mường Lống) là nơi tụ họp để người bán và người mua trâu bò”.
Đông đảo người dân và lái buôn đến với chợ trâu, bò ở cổng trời Mường Lống. Ảnh: Hồ Phương |
Từ ngày thành khu tập trung mua bán trâu bò cho đến nay, cứ dịp chợ phiên, người dân xã Mường Lống và các xã lân cận như: Huồi Tụ, Mỹ Lý… lại dắt trâu bò đến đây để bán. Thương lái gần xa, đến ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng lại lên đây chọn mua trâu bò.
Có người chọn bò, trâu để về vỗ béo rồi bán lại cho người khác; có người chọn mua về dung cày, kéo, chăn nuôi tăng đàn; cũng có người tìm mua trâu chọi, bò chọi…
Vào dịp chợ phiên, khi con gà vừa cất tiếng gáy đã thấp thoáng thấy người dân ở các bản xa dắt trâu, bò về chợ.
Khoảng 8h đến 9h sáng, phiên chợ trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Ông Mùa Bá Chư, một người dân sống ở bản trung tâm, cũng là tay buôn bò có thâm niên trong vùng cho biết: “Có những con bò đẹp có giá đến 80 triệu đồng”.
Vừa chọn cho mình được vài con bò ưng ý, đang sắp sửa đánh xe lại để bốc lên và đưa về xuôi, anh Nguyễn Văn Hùng, trú tại Đô Lương cho biết: "Tui biết đến chợ trâu, bò này đã được hơn 4 năm nay, cứ đến phiên là tìm đến đây để lựa chọn bò và mang xuống đồng bằng bán lại".
Việc mua trâu, bò ở chợ này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức đi tìm kiếm trong các bản làng như những năm trước đó. Cùng với đó, việc mua được hàng ở chỗ tập trung cũng giúp tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
"Trâu bò ở miền núi thường khỏe và sức chịu đựng cao hơn ở đồng bằng, vì thế hàng ở miền núi về thường dễ bán hơn ở các huyện đồng bằng”, anh Hùng cho biết thêm.
Ông Và Nỏ Vừ - Chủ tịch UBND xã Mường Lống phấn khởi cho biết, việc xuất hiện chợ trâu, bò tạo cho người dân có nơi buôn bán vật nuôi hiệu quả hơn. Người dân ở các bản xa của xã có thể chủ động tăng đàn gia súc của mình mà không sợ ế hay tư thương ép giá như trước.