Về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm - PCT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, cầu là hạ tầng giao thông, cần được phải bảo vệ. Việc cho phép sử dụng gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu kỹ với nhiều góc nhìn đa diện, đa ngành nghề để bảo đảm được tính hệ thống đối với giao thông và cảnh quan đô thị.
|
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. |
“Các vị trí cầu cạn luôn là những nút giao thông trọng yếu và dễ trở thành "nút thắt" ùn tắc giao thông. Việc dồn nhiều phương tiện để trông giữ ngay dưới gầm cầu với tần suất ra vào lớn cũng dễ biến nơi đó thành điểm ùn tắc, phức tạp. Nên chăng, cần tận dụng gầm cầu cạn để quy hoạch các hạng mục cảnh quan, cây xanh, tạo không gian mở cho đô thị?”, PCT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị ý kiến.
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, nên xem xét, so sánh giữa việc cho phép sử dụng gầm cầu để trông giữ xe với việc lập quy hoạch, cho phép cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng bãi trông giữ phương tiện để bảo đảm tính đồng bộ.
“Việc cho phép trông giữ phương tiện giao thông ngay dưới gầm cầu cạn là biện pháp tạm thời, hạn chế quá tải dừng đỗ trên đường và có thể vận dụng linh hoạt, thí điểm từng vị trí sao cho phù hợp. Nhưng một khi đã đưa vào Luật thì lại trở thành bất di bất dịch, sẽ có diễn biến khó lường hơn nên cần phải nghiên cứu kỹ”, TS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Theo đó, Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Dự án Luật Đường bộ, trong đó bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông. Quy định này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra rằng việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội: Khói đen bốc cao hàng chục mét dưới chân cầu Thăng Long: