Gia đình ông Nguyễn Cửu Hoàng Khanh ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô) có 400 cây cà phê trong vườn. Qua một thời gian khai thác, ông Khanh nhận thấy mỗi năm trừ tất cả các chi phí, lãi từ cây cà phê đem lại không cao. Năm 2010, sau thời gian trồng thử chanh, bưởi trong vườn cà phê và thấy hiệu quả, ông Khanh quyết định mua giống quýt đường từ Đồng Nai về trồng trong vườn cà phê.
Trồng quýt xen cà phê của gia đình ông Nguyễn Cửu Hoàng Khanh ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô). |
Sau nhiều nỗ lực, chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật, ông đã chăm sóc quýt và cà phê trong vườn phát triển xanh tốt. Nhờ có nguồn giống tốt, trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn quýt của ông chỉ hai năm sau đã cho thu hoạch. Đến nay mỗi năm, gia đình ông thu hoạch vườn cà phê được gần 2 tấn, 5 – 7 tấn quýt, tổng thu nhập trên một đơn vị diện tích hơn 300 triệu đồng.
Ông Khanh chia sẻ: “Kinh nghiệm chăm sóc quýt của tôi là xem biểu hiện của cây qua cành, lá, thân..., phát hiện cây thiếu chất gì để kịp thời bổ sung. Ưu điểm của loại quýt này là ra trái quanh năm nếu được chăm sóc tốt. Tôi muốn khai thác tối đa nguồn thu trên cùng một đơn vị diện tích và cây quýt trồng xen đã phát huy hiệu quả, trong khi đó cây cà phê vẫn đạt năng suất cao”.
Theo phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, toàn huyện có khoảng 200 ha diện tích người dân trồng xen cà phê với các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, quýt, mảng cầu… quy mô từ 0,4 ha đến 5 ha/hộ gia đình. Thời gian gần đây, việc trồng xen phát triển khá mạnh.
Diện tích cho thu hoạch đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, diện tích mới trồng thì phát triển tốt. Bước đầu cho thấy, việc trồng xen cà phê và cây ăn trái cho hiệu quả khá cao, các hộ nông dân đã tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Năm 2004, trên diện tích 3,5 ha cà phê, gia đình anh Hồ Văn Hoàn, ở thôn 11, xã Đắk Lao (Đắk Mil) trồng xen 200 cây sầu riêng và 50 cây bơ trái vụ trong vườn cà phê.
Anh Hoàn cho biết: “Cây bơ, sầu riêng là loại cây dễ trồng, thích hợp với đất đai, khí hậu địa phương, công chăm sóc thì không nhiều. So với trồng thuần một loại cây thì trồng xen đem lại hiệu quả gấp nhiều lần nhờ tận dụng được các khoảng đất trống, tạo được nguồn thu trên cùng một đơn vị diện tích. Việc xen canh còn góp phần tạo bóng mát và giữ độ ẩm cho cây cà phê giúp tiết kiệm được nhiều chi phí”.
Từ diện tích 3,5 ha mỗi năm, gia đình anh Hoàn thu trung bình hơn 11 tấn cà phê và gần 300 triệu đồng từ cây ăn trái.
Theo thống kê và đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh có hơn 3.751 ha diện tích cà phê trồng xen cây ăn trái, mô hình này bước đầu được đánh giá đã mang lại hiệu quả cao so với trồng thuần cà phê, giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ “mất mùa, mất giá”, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.