Với tình trạng thị trường xe đạp điện bát nháo như hiện nay, để chọn mua được xe đạp điện chất lượng, giá cả hợp lý không phải điều dễ dàng. Để làm được điều đó, bạn nên tham khảo những tư vấn chọn mua dưới đây.
Anh Nguyễn Tiến Minh, chủ cửa hàng xe đạp điện ở Kim Mã, Hà Nội cho biết: “Khách hàng nên chọn mua xe ở những cửa hàng uy tín, nếu được là người quen thì tốt nhất. Bởi khi mình mua xe của những hãng lớn, uy tín thì sẽ có các chế độ chăm sóc khách hàng sau này; sự thuận tiện khi bảo dưỡng, thay thế phụ tùng, sửa chữa hoặc mức độ lời lỗ khi chuyển nhượng xe... Bên cạnh đó, để mua được xe đạp điện chất lượng và tiết kiệm nhất, tôi nghĩ mọi người nên quan tâm đến vấn đề mức độ tiêu hao năng lượng của xe. Khi mua bạn cần kiểm tra và hỏi rõ điều này. Nhiều người cho rằng so với xe chạy ắc quy, xe đạp điện chạy pin có ưu thế tiết kiệm hơn. Tuy giá thành xe đạp điện chạy pin không "dễ chịu" như xe đạp điện chạy ắc quy nhưng đồ bền của pin lại cao hơn rất nhiều so với ắc quy”.
“Ví dụ với khoảng thời gian sạc pin là 8 tiếng, xe chạy ắc quy chỉ có thể chạy trung bình từ 25 – 40km/lần sạc. Trong khi đó, xe chạy pin có thể đi được quãng đường trung bình lên tới 80km/lần sạc mà chỉ phải sạc trong 6 tiếng. Chi phí tiền điện vì thế cũng thấp hơn. Tuy vậy, xe đạp điện chạy pin thường có tải trọng vừa phải: khoảng từ 150 – 200kg. Do vậy, nếu muốn một chiếc xe có tải trọng lớn hơn, có thể chọn những chiếc xe chạy ắc quy với thiết kế lớn hơn nhưng bạn buộc phải chấp nhận mức tiêu hao nhiên liệu lớn hơn”, anh Minh nói thêm.
Ảnh minh họa. |
Theo ý kiến của chị Lê Vân (38 tuổi, Hà Nội): “Tôi cũng từng mua xe đạp điện, điều tôi quan tâm nhất là giá cả khi mua. Chính vì thế để không bị hớ, tốt nhất mọi người nên đi khảo sát giá một lượt từ cửa hàng nhỏ đến siêu thị lớn, tham khảo về thương hiệu rồi mới ra quyết định nên chọn mua loại nào, giá cả ra sao cho phù hợp. Việc làm này tuy tiêu tốn thời gian nhưng nó chắc ăn hơn rất nhiều. Một vấn đề nữa là không nên ham của đẹp, màu mè bởi những loại xe này dễ trúng hàng nhái. Ngoài ra, nên kiểm tra xem xe đạp điện mình mua có tem nhãn, ghi rõ xuất xứ, nhà sản xuất và được bảo hành chính hãng, thay thế linh kiện tiêu chuẩn khi xảy ra hỏng hóc trong quá trình sử dụng hay không."
Ngoài những tư vấn trên, một số đặc điểm hình thức bên ngoài của xe, cách phân biệt xe đạp điện chính hãng và xe đạp điện hàng nhái như thế nào cũng được các hãng xe khuyến cáo người tiêu dùng. Theo đó, logo của xe đạp điện xịn được in sắc nét, lớp sơn sáng và bóng. Nhà sản xuất sắp xếp trên toàn hệ thống xe phủ đầy logo của công ty, như: Đệm chân, yên xe, bánh xe, lốp xe… Hàng giả tên logo có thể bị viết sai hoặc nhòe màu, lớp sơn không sáng và bóng. Các chi tiết xe cũng là một điểm lưu ý. Những chiếc xe hàng nhái thường có lớp sơn ngoài kém sáng và mịn, dễ bị bong tróc. Ngoài ra, xe của hãng có lớp xích xe sáng màu, xe giả thường có màu xám, đen. Ốc vít của các chi tiết xe thường sắc cạnh và lồi, khác với sản phẩm hàng nhái thường tù cạnh và lõm.