Tình hình thế giới trong tuần qua đột ngột trở nên căng thẳng đến mức nhiều chuyên gia quân sự quốc tế đã phải đưa ra nhận định rằng kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh đã chuẩn bị quay trở lại rõ ràng hơn bao giờ hết.
Đầu tiên là việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF với lý do Nga vi phạm khi âm thầm phát triển tên lửa tầm bắn trên 500 km và Hiệp ước INF "để quên" Trung Quốc bên ngoài.
Tiếp đó, Quân đội Mỹ và NATO đã công bố kế hoạch triển khai cả một sư đoàn thiết giáp với khoảng 300 xe tại Ba Lan, đi kèm theo đó có thể sẽ là tiến tới lắp đặt một hệ thống Aegis trên cạn nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo Nga từ pha đầu của chu trình phóng.
Một đơn vị tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander trên đường hành quân |
Về phía Nga, Moskva từng nhiều lần tuyên bố rằng mình không hề vi phạm Hiệp ước INF đồng thời không bao giờ có kế hoạch tấn công xâm lược bất cứ quốc gia thành viên nào của NATO, tuy nhiên có vẻ như lời nói của họ chưa đủ sức thuyết phục.
Ngoài e ngại kế hoạch tăng quân, Moskva còn nhiều lần phản đối Aegis trên cạn của Mỹ với lý do đây không đơn thuần là một vũ khí phòng thủ, bởi vì các bệ phóng Mk 41 có thể âm thầm nạp tên lửa Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân để tập kích các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Trước tình hình trên, biện pháp đáp trả đầu tiên của Nga là tăng cường vũ khí đến vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad trong đó có lữ đoàn tên lửa chiến thuật Iskander, thậm chí giới quan sát tình hình khu vực còn cho rằng có đầu đạn hạt nhân trong những quả Iskander-M đang nằm trực chiến ở Kaliningrad.
Triển khai tên lửa Iskander mang đầu đạn hạt nhân tại Belarus có thể xem như quân bài mạnh mẽ nhất của Nga |
Nhưng diễn biến nguy hiểm nhất lại mới đến vào ngày hôm qua, khi trong giới quân sự Nga đã xuất hiện nhiều tiếng nói cảnh báo khả năng Moskva sẽ triển khai tên lửa Iskander mang đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ Belarus.
Với đặc điểm địa lý nằm tiếp giáp Ba Lan và Ukraine, khi có chiến tranh hạt nhân toàn diện nổ ra thì Belarus cùng Kaliningrad sẽ là hai gọng kìm, đồng thời là bàn đạp giúp Nga tung đòn trả đũa phương Tây.
Điều cần lưu tâm đó là Kaliningrad là vùng lãnh thổ của Nga cho nên việc nước này triển khai vũ khí hạt nhân ở đó có thể hiểu được, nhưng khi tái hạt nhân hóa cho Belarus thì rõ ràng căng thẳng sẽ được đẩy lên một mức cao chưa từng có và chắc chắn sẽ khiến cho Chiến tranh Lạnh bùng phát trở lại.
Kịch bản có vũ khí hạt nhân Nga triển khai tại Belarus rất dễ dẫn tới viễn cảnh Ukraine cũng tái trang bị vũ khí này để quay lại vị thế một cường quốc hạt nhân, lúc đó thậm chí cục diện châu Âu thậm chí còn tỏ ra nguy hiểm hơn cả thời kỳ căng thẳng đỉnh cao của cuộc Chiến tranh Lạnh cũ.