Tuy nhiên, tiến trình đối thoại sẽ phải mất ít nhất “vài tuần”nữa trong khi các hành lang nhân đạo liên tục được thiết lập giữa bối cảnh chiến sự leo thang.
Hôm qua (19/3), quân đội Nga đã tiến được sâu hơn vào thành phố cảng chiến lược Mariupol, nối giữa bán đảo Crimea và vùng Donbas miền Đông sau nhiều tuần khép chặt vòng vây. Thị trưởng Mariupol xác nhận, giao tranh xảy ra tại nhiều khu vực và lực lượng Nga đang “áp đảo, đông hơn”.
Ảnh minh họa: Reuters |
Giới phân tích nhận định, nếu kiểm soát hoàn toàn Mariupol, Nga sẽ có thể hình thành trận tuyến bao vây các lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực miền Đông và tiến vào các khu vực sâu bên trong lãnh thổ Ukraine.
Tình hình tại khu vực phía Tây Ukraine cũng đã nóng hơn khi Nga hôm qua lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh, di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tấn công các mục tiêu quân sự và kho vũ khí dưới lòng đất ở Ivano-Frankivsk.
Đồng thời Nga tiếp tục mở nhiều hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường Ukraine. Riêng 2 ngày qua, phía Ukraine xác nhận, có gần 16.000 người đã được sơ tán, nâng tổng số dân thường được sơ tán quan các hành lang nhân đạo từ đầu đến nay là gần 190.000 người. Riêng hôm qua, ở Mariupol là hơn 4.000 người.
Chiến sự Ukraine đang phức tạp hơn khi các cuộc đàm phán Nga - Ukraine được xác định phải ít nhất “một vài tuần nữa”, dù đã có những kết quả tiến triển bước đầu. Theo Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, những vấn đề chính đang được thảo luận là việc ngừng bắn, Nga rút quân, những đảm bảo an ninh và các “giải pháp chính trị cho các vùng lãnh thổ tranh chấp”.
Tổng thống Ukraine Zelenskyi đang kỳ vọng sẽ có cuộc “đàm phán toàn diện” với phía Nga. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cũng khẳng định, Moscow đang hy vọng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ kết thúc với một “thỏa thuận toàn diện” về các vấn đề an ninh, với sự phối hợp của Ukraine và châu Âu:
“Sau khi hoạt động của chúng tôi tại Ukraine kết thúc, tôi hy vọng nó sẽ kết thúc bằng việc ký kết một thỏa thuận toàn diện về các vấn đề mà Nga đã đề cập - vấn đề an ninh, tình trạng trung lập của Ukraine với các đảm bảo an ninh. Chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm sự đảm bảo của an ninh và điều phối chúng cho Ukraine, cho châu Âu và tất nhiên là cho cả chính chúng tôi, với việc NATO không mở rộng”.
Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia NATO có ý định trung gian cho Nga và Ukraine, nhận định trường hợp của Nga cần phải được lắng nghe và sau cuộc chiến này, sẽ phải có một kiến trúc an ninh mới được thiết lập giữa Nga và khối phương Tây.
Theo ông Ibrahim Kalin - Cố vấn đồng thời là người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã không còn ý định thay đổi chính quyền tại Ukraine và cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Zelenskyi sớm hay muộn cũng phải diễn ra. Cuộc chiến sẽ phải kết thúc với thỏa thuận hòa bình vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, ông nhận định điều này cũng chưa thể diễn ra sớm.
Dù là nước thành viên NATO, song Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ quan điểm trung lập trong vấn đề Ukraine và đang cố gắng là cầu nối trung gian cho Nga - Ukraine. /.