Defence Update đưa tin, Ấn Độ đang có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng tiêm kích Su-30MKI nhập khẩu từ Nga. Trong đó, việc thay thế động cơ kiểm soát vector lực đẩy AL-31FP được đặt lên hàng đầu. Động cơ này giúp Su-30MKI có thực hiện những động tác siêu cơ động trong phạm vi hẹp và ở tốc độ thấp.
Tuy nhiên, động cơ này không thực sự tin cậy, hàng loạt vụ tai nạn xảy ra với Su-30MKI được cho là do lỗi động cơ. Ấn Độ từng bắt tay phát triển động cơ phản lực nội địa nhưng không thành công.
Dự án động cơ nội địa Kaveri phải hủy bỏ vào năm 2014 vì không đáp ứng được yêu cầu của Không quân Ấn Độ. Tuy nhiên, dự án này đang có cơ hội hồi sinh với sự trợ giúp của Pháp. Phía Ấn Độ đã đề nghị các kỹ sư Pháp xem xét toàn bộ tài liệu kỹ thuật về động cơ Kaveri, khắc phục những thiếu sót để nâng cao sức mạnh cho động cơ.
Sự hợp tác này là một phần trong hợp đồng mua tiêm kích Rafale của Pháp. Công ty Safran của Pháp đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Ấn Độ để bù đắp cho hợp đồng Rafale.
Với sự trợ giúp của Pháp, động cơ Kaveri của Ấn Độ sẽ hồi sinh để thay thế cho động cơ Nga trên Su-30MKI. Ảnh: IDRW. |
Từ lâu, New Delhi đã mong muốn làm chủ công nghệ động cơ phản lực nội địa để sử dụng trong các dự án máy bay chiến đấu tương lai của nước này. Theo một số nguồn tin, Ấn Độ dự định nâng sức mạnh động cơ Kaveri lên 125 kN, đủ công suất cần thiết để lắp đặt trên máy bay Su-30MKI.
Không quân Ấn Độ hiện có gần 300 máy bay Su-30MKI cần nâng cấp lên tiêu chuẩn Super Sukhoi. “Ý tưởng là có một động cơ mạnh hơn có thể sử dụng để nâng cấp lên phiên bản Super Sukhoi, với những gì mà chúng tôi yêu cầu, sẽ rất hay nếu có một giải pháp thực hiện tại Ấn Độ”, nguồn tin trong quân đội Ấn Độ cho biết.
Cơ sở nghiên cứu động cơ tuabin (GTRE) của Ấn Độ đang hợp tác với Safran để khắc phục những thiếu sót trong động cơ Kaveri của Ấn Độ. Theo điều khoản hợp tác giữa đôi bên, Pháp đã đồng ý sửa chữa tất cả vấn đề của động cơ Kaveri và xuất xưởng vào cuối năm 2018.
Các nguồn tin cho biết Ấn Độ đang nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng động cơ Kaveri để nâng cấp cho lực lượng chiến đấu cơ Su-30MKI của nước này. Trong khi đó, phía Nga đã đề nghị cung cấp động cơ Al-411S đang sử dụng trên tiêm kích Su-35 để thay thế cho động cơ AL-31FP nhưng Ấn Độ đã từ chối.