Chiều 16/3, Công an tỉnh Hưng Yên đã bước đầu thông tin vụ cháy 3 người tử vong tại Hưng Yên. Theo đó, vào khoảng 0h 20 phút ngày 16/3, Công an tỉnh Hưng Yên nhận được tin báo về việc nhà ông Vương Gia Mười (SN 1967, ở thôn Lê Lợi, xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đang bị cháy.
Nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Khoái Châu, Công an xã Nhuế Dương nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tổ chức chữa cháy.
Đến khoảng 1h30 phút cùng ngày, đám cháy đã cơ bản được khống chế, không để lan sang các nhà xung quanh. Đám cháy đã khiến 3 người trong nhà ông Mười tử vong và 1 người bị thương.
Trong đó, ông Mười cùng con trai là cháu Vương Gia Cao Thắng, sinh năm 2008 đã tử vong tại hiện trường. Vợ ông Mười là Bà Đào Thị Chiến, sinh năm 1967 và cháu Nguyễn Vương Ngọc Anh, sinh năm 2012 - cháu ngoại ông Mười được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Kim Động và được chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên.
Tuy nhiên, bà Chiến đã không qua khỏi, tử vong và được đưa về gia đình tại thôn Lê Lợi, xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu. Hiện cháu Ngọc Anh đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng Quốc Gia - Hà Nội.
Hiện trường vụ việc. |
Hiện Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, trưng cầu Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để điều tra làm rõ vụ việc.
Tuy nhiên, một số người dân cho biết, gia đình ông Mười sống ở địa phương không khiến ai mất lòng. Sau một thời gian đi xuất khẩu lao động về, ông Mười mở cửa hàng kinh doanh đồ thiết bị điện, nước dân dụng và nhiều khả năng do ghen ghét trong kinh doanh nên bị hãm hại.
Dù nguyên nhân dẫn đến vụ cháy đang được điều tra nhưng nếu vụ án có dấu hiệu hình sự, có sự hãm hại gia đình ông Mười thì ai chủ mưu cũng sẽ phải chịu tội theo quy định của pháp luật
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, vụ cháy nhà khiến 3 người tử vong, 01 cháu bé (8 tuổi) bị thương nặng và thiệt hại về tài sản để có căn cứ xác định vụ hỏa hoạn là do sự cố chập điện hay hành vi có chủ ý gây ra, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân cháy qua các chứng cứ thu thập như các chứng vật chất là các mẫu vật thu tại hiện trường nơi bắt đầu phát hỏa để giám định. Mặt khác cần làm rõ mâu thuẫn của gia đình trước khi xảy ra vụ cháy, các hình ảnh Camera an ninh (nếu có) để xác định đối tượng gây án, thu thập lời khai các nhân chứng, …
Nếu có căn cứ xác định nguyên nhân cháy do tác động của chất dẫn cháy xăng từ bên ngoài gây hỏa hoạn thì đó là hành vi chủ ý và Cơ quan điều tra sẽ khởi tố điều tra xử lý nghiêm đối tượng gây ra theo quy định của pháp luật.
Tâm lý tội phạm nói chung khi thực hiện hành vi phóng hỏa đốt nhà thì thường chọn thời điểm phạm tội vào lúc đêm hoặc rạng sáng khi gia chủ cũng như người dân đã ngủ say, đường sá vắng người để tránh phát hiện.
Trong vụ việc này, nếu có căn cứ xác định đây là hành vi cố ý phóng hỏa đốt nhà, đối tượng phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với hậu quả xảy ra. Trong cùng một thời điểm, hành vi phạm tội của đối tượng đã xâm phạm đến 02 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là tính mạng của con người và quyền sở hữu về tài sản.
Nhiều người dân theo dõi vụ việc trên. |
Đối tượng buộc phải nhận thức xăng là loại chất dẫn cháy rất nguy hiểm, bắt lửa mạnh, tốc độ lan rất nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Nếu chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống mà đối tượng đang tâm phóng hỏa đốt nhà có các thành viên đang ở bên trong thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về Tội giết người và Tội hủy hoại tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, b, n Khoản 1 Điều 123 và Điều 178 BLHS 2015.
Với hậu quả đặc biệt lớn làm chết 03 người và 01 người bị thương, trong đó có trẻ em và làm thiệt hại tài sản thì đối tượng gây ra sẽ phải đối mặt với tổng hợp hình phạt chung cao nhất cho cả 02 là tử hình, kể cả trong trường hợp có đồng phạm.
Hiện vụ cháy nhà ở Hưng Yên, 3 người tử vong đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
>>> Mời độc giả xem video Cà Mau: Kì lạ nhà tự bốc cháy:
Nguồn VTC Now.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.