Ngày 31/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra bên trong khu vực kho cháy của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông và xung quanh khu vực dân cư gần Công ty.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hóa chất amagal phục vụ sản xuất bóng đèn huỳnh quang, đèn compact được chứa trong 3 tủ lạnh, các tủ lạnh này còn nguyên vẹn; khu vực chứa 3 tủ lạnh được phun nhiều bọt chữa cháy, không phát hiện thấy hiện tượng cháy.
Tại thời điểm kiểm tra, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường vẫn tiếp tục lấy mẫu môi trường xung quanh khu vực Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông và trong khu dân cư để đánh giá chất lượng môi trường.
Hiện trường vụ cháy. |
Kết quả phân tích môi trường không khí của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại 5 vị trí (điểm giáp Công ty bóng động lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình; điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình; điểm giáp cổng chào tổ dân phố số 10, phường Hạ Đình; điểm giáp khu vực thiết bị chiếu sáng, sát khu vực xưởng xảy ra cháy; điểm giáp khu vực chăm sóc khách hàng, sát khu vực xưởng xảy ra cháy) so sánh với QCVN 05:2013/ BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy: Các thông số như vi khí hậu, NO2, Pb, Cd (trung bình 24 giờ), Hg (trung bình 24 giờ), As, Zn và bụi tổng đều nằm trong giới hạn cho phép.
Về thông số S02, tại vị trí điểm giáp cổng Công ty bóng động lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình = 357 microgam/mét khối (vượt 1,02 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT); điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy = 352 microgam/mét khối (vượt 1,0057 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT); các vị trí còn lại có kết quả đều nằm trong giới hạn cho phép.
Theo kết quả test nhanh của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế, đối với thông số thủy ngân lấy tại 5 vị trí (gồm: mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, mẫu đất tại rìa vườn hoa trung tâm, mẫu đất tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy) cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0 microgam/mét khối).
Ngoài ra, theo kết quả quan trắc thu nhận được vào thời điểm xảy ra cháy, Trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại Minh Khai là trạm duy nhất ghi nhận có nồng độ bụi (PM10 và PM2.5), khí CO và NOx tăng cao đột biến trong khoảng thời gian từ 20 giờ ngày 28/8 đến 1 giờ ngày 29/8.
Cùng thời điểm đó, tại 9 trạm còn lại và tham khảo thêm các trạm cảm biến khác của một số tổ chức phi chính phủ đặt rải rác trên toàn thành phố đều không ghi nhận được dữ liệu bất thường nào.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông khẩn trương thực hiện một số biện pháp.
Trong đó, tăng cường công tác duy trì vệ sinh môi trường khu vực Công ty; có phương án che phủ toàn bộ khu vực vụ cháy nhằm đảm bảo việc tránh tiếp xúc giữa nước mưa với tro xỉ và tránh phát tán bụi tro xỉ ra khu vực dân cư; đối với nước thải phát sinh trong khu vực cháy khi dập lửa và còn tồn trong khu vực kho phải được cách ly, thu gom và chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường; rà soát, đánh giá toàn bộ khu vực tiếp xúc giữa khu vực kho với hiện trạng đất tiếp xúc, quan trắc toàn bộ nước ngầm trong vòng bán kính 500m để đánh giá ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm...
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát đi thông cáo báo chí về tình hình xử lý sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Bộ này cho hay, hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ trên cơ sở số liệu thực tế và căn cứ khoa học để giải pháp đồng bộ để xử lý các tàn tích của vụ cháy nổ, môi trường,…. tuy nhiên, đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hoá chất có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Để bảo đảm sức khỏe an toàn tuyệt đối cho người dân, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống khu vực xung quanh Công ty, đặc biệt trong bán kính khoảng 1,5 km cần thận trọng, thực hiện các biện pháp như: tắm bằng xà phòng và nước ấm; giặt quần áo bằng xà phòng và nước ấm; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình; không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; thau rửa các bể chứa nước hở; tạm thời không sử dụng các sản phẩm nông sản và gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh;.... Khi có việc cần thiết đi qua khu vực xung quanh công ty, khuyến nghị người dân nên mặc áo dài tay, đeo khẩu trang có than hoạt tính.
Cùng ngày, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương thông tin, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, Thành phố Hà Nội để làm rõ hơn công tác quản lý hoá chất tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Hiện Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng đông là doanh nghiệp sản xuất các loại bóng đèn, phích nước… có sử dụng một số hoá chất trong đó có bột amalgam dạng zeolite, một dạng hỗn hống của thuỷ ngân làm chất phát quang. Theo các chuyên gia về độc học, khi amalgam bị cháy, thuỷ ngân sẽ bị phát tán trong không khí gây độc với con người và môi trường.
Cũng theo các chuyên gia môi trường và độc học, mức độ bị phơi nhiễm thuỷ ngân trong và sau sự cố hoả hoạn phụ thuộc vào lượng almangam bị cháy, phụ thuộc vào khoảng cách và thời gian mà con người bị tiếp xúc, phơi nhiễm. Hiện tại, các cơ quan chức năng về môi trường đang quan trắc mức độ ô nhiễm thuỷ ngân để đưa ra các cảnh báo và hướng dẫn người dân tại các khu vực có thể bị phơi nhiễm giảm thiểu tác động của sự cố.
Vụ cháy khủng khiếp ở nhà máy Rạng Đông (Hà Nội) kéo dài cả đêm 28/8 đã gây thiệt hại vô cùng lớn khi hàng nghìn m2 nhà kho bị thiêu rụi. Dù không có thiệt hại về người nhưng vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại về tài sản lên tới 150 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn sau vụ cháy, nỗi lo nguy cơ nhiễm độc trên diện rộng khiến dư luận hoang mang.