Trong gian phòng rộng chừng 12 m2, người gác hầm Đinh Văn Tuấn mải mê ghi chép số liệu. “Tít… tít… tít”. Nghe tiếng còi tàu văng vẳng, ông Tuấn vội đứng dậy đội mũ, cầm lá cờ hiệu trong tay rồi chạy ra trước cửa hầm số 14 làm nhiệm vụ. Chưa đầy 10 phút sau, một chuyến tàu chạy theo hướng Bắc-Nam xình xịch lăn tới. Vừa thấy bóng dáng quen thuộc, những người trong tổ lái liền vẫy tay ra hiệu chào. Ngay lập tức, ông Tuấn nở một nụ cười tươi rói đáp lại.
Mỗi ngày đi bộ hơn 6 km
Sinh năm 1967, ông Đinh Văn Tuấn là một người con của TP biển Đà Nẵng. Vẫn với nụ cười hiền quen thuộc, ông bảo nghề gác hầm gắn với mình như cái duyên. “Cha mẹ làm ruộng, lại đông con nên nhà tôi nghèo xơ xác. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ cuộc đời mình rồi cũng chỉ gắn với con trâu, cái cày. Nhưng một cơ duyên bất ngờ đã đưa tôi đến với nghề này” - ông cho hay.
Sau khi học xong phổ thông, ông Tuấn học tại Trường Trung cấp Công nhân kỹ thuật đường sắt. Sau khi ra trường, do đặc thù công việc nên ông rong ruổi khắp nơi, từ miền rẻo cao Tây Bắc đến tận cùng Tổ quốc. Đến năm 1996 ông về nhận nhiệm vụ tại đèo Hải Vân.
Dẫn chúng tôi trở lại phòng trực, ông cho biết đèo Hải Vân có tổng cộng sáu hầm chui đường sắt, trong đó dài nhất là hầm số 14 tính theo hướng Bắc-Nam, khoảng 945 m. Tổ gác của ông Tuấn hiện có bốn người được chia làm hai ca, mỗi ca khoảng 12 tiếng. Mỗi người làm nhiệm vụ ở một đầu hầm. Công việc hằng ngày của họ là đi bộ từ đầu này đến đầu kia để kiểm tra, ghi lại tất cả thông số kỹ thuật liên quan đến đường ray cũng như độ an toàn của hầm. Thông thường cứ khoảng hai tiếng họ lại đi kiểm tra một lần. Cùng chiếc đèn pin trên đầu, cuốn sổ nhỏ trên tay, những người gác hầm tỉ mỉ soi kỹ từng ngóc ngách trong hầm. Hễ thấy đá, sỏi hay bất cứ vật cản nào vướng trên đường ray thì lập tức nhặt ra để đảm bảo an toàn tối đa cho các chuyến tàu.
Công việc nhìn qua tưởng dễ nhưng đòi hỏi ở những người gác hầm sự cẩn thận, tỉ mỉ, nhất là phải luôn trong tình trạng tỉnh táo. Chẳng thế mà họ tuyệt nhiên không bao giờ uống rượu trong giờ làm việc. “Anh em luôn nhắc nhau phải thật nghiêm túc và tập trung trong công việc vì chỉ một chút sai sót cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người” - ông Tuấn nói.
Tính đến nay ông Đinh Văn Tuấn đã làm bạn với các hầm chui đường sắt Hải Vân được hơn 20 năm. |
Làm bạn với cô đơn
Chỉ rộng chừng 12 m2, phòng trực của những người gác hầm số 14 nằm lọt thỏm giữa bao la núi đồi. Đồ đạc trong phòng cũng được tối giản hết mức. Đằng sau là một gian nhỏ được quây lại bằng những tấm tôn mỏng để nấu nướng.
Vừa đi từ trong hầm về, khuôn mặt của Cao Tấn Long lấm lem đất. Đưa đôi tay vục nước rửa mặt, Long kể mình về đây nhận công tác đã được hơn năm năm. Anh thuê trọ dưới TP rồi ngày ngày chạy xe máy tới chỗ làm. Thời gian đầu làm bạn với những căn hầm dưới chân đèo Hải Vân là những ngày đầy thử thách với chàng trai trẻ quê Quảng Nam. Do công việc thường xuyên phải thức trắng đêm nên gần như Long luôn ở trạng thái thiếu ngủ, mệt mỏi. Cũng có khi trực cả đêm, sáng được ngủ bù nhưng không tài nào chợp mắt nổi. Gặng hỏi về những kỷ niệm, anh chỉ cười trừ, ánh mắt không giấu nổi vẻ ngại ngùng. Thấy vậy, ông Tuấn cao hứng trêu: “Hắn nhìn rứa mà nhát ma lắm! Bữa nào phải trực đêm là run như cầy sấy”.
Long vội vàng chữa thẹn: “Hồi đầu mà chú. Tại trong hầm tối quá, chưa quen nên ngã dúi dụi. Bây giờ thì có khi chẳng cần mang đèn pin, chỉ cần một cây gậy là đi một mạch từ đầu này sang đầu kia ngon lành”. Mọi người nghe Long “trình bày” đều bật cười.
Ở đây, vào những tối thảnh thơi, những người gác hầm vẫn hay có thói quen bắc ghế ra trước phòng ngồi hàn huyên. Tất tần tật đủ thứ chuyện, giỗ chạp, hiếu hỉ, chuyện học hành của con cái đến chuyện làm sao để kiếm người yêu cho anh chàng “nhát ma, nhát gái” Cao Tấn Long… Cũng bởi thế mà dù mỗi người một quê nhưng từ lâu họ đã luôn coi nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.
“Đang ở TP đông vui, lúc nào cũng có bạn bè bên cạnh, lên đây lại chỉ có một mình, xung quanh là biển cả, núi đồi nên hồi đầu hơi buồn. Cũng may là có chú Tuấn và mọi người động viên, quan tâm. Với tôi, họ từ lâu đã giống như người chú, người anh thân thiết trong gia đình vậy” - Long chia sẻ.
Buồn cho ý thức một số người trẻ
Châm điếu thuốc, ông Tuấn bỗng trở nên trầm tư: “Vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ thường có một vài tốp trai gái vượt hầm để vào làng Vân. Điều này thực sự quá nguy hiểm, bởi trong hầm rất tối, lỡ tàu đến mà không biết cách tránh thì dễ bị tai nạn. Đó còn chưa kể hầm số 14 cũng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều đoạn ẩm ướt, rêu mọc thành từng mảng rất trơn, đi không cẩn thận rất dễ bị ngã. Chúng tôi nhắc nhở hoài mà không được. Trước đây cũng đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra”.
“Nghiện hút thì ở đây chưa thấy nhưng trộm vặt thì có nhiều, nhất là khoảng chục năm trước. Họ thường tranh thủ ban đêm đi trộm ốc vít hoặc cạy sắt ở đường ray đem bán. Có những hôm đi kiểm tra, phát hiện một nhóm đang cạy sắt, chúng tôi lập tức chạy báo ngay cho đội bảo vệ hỗ trợ ngăn chặn kịp thời” - ông Tuấn kể.