Phạm Tu (476 - 545) quê tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Từ nhỏ, Phạm Tu là người tuấn tú, chăm chỉ, giỏi cả văn lẫn võ. Lớn lên, ông trở thành đô vật nổi tiếng, thường được gọi là Phạm Đô Tu, có uy tín rất lớn trong vùng.
Năm 541, được tin Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống nhà Lương đô hộ, dù lúc này đã bước sang tuổi 66, Phạm Tu vẫn tích cực hưởng ứng. Ông chủ động tập hợp trai tráng trong vùng, lập thành đội quân mạnh, đánh chiếm thủ phủ của chính quyền đô hộ ở Long Biên. Có công lớn nên khi lên ngôi năm 544, Lý Nam Đế phong Phạm Tu là Tả Tướng, đứng đầu hàng quan võ.
Giữa năm 545, nhà Lương lại sai Dương Phiêu, Trần Bá Tiên và Tiêu Bột đem đại quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế. Sau những cuộc ác chiến quyết liệt giữa đôi bên, nghĩa quân Vạn Xuân rơi vào thế bất lợi. Trong cuộc chiến giữ thành Tống Bình năm 545, để chặn đại quân địch cho Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục lui binh, bảo toàn lực lượng, Phạm Tu đã anh dũng hy sinh ở tuổi 69.
Sau khi lão tướng Phạm Tu qua đời, Lý Nam Đế vô cùng thương tiếc, cho người về tận quê truy phong ông tước Long Biên Hầu, ban tên thụy là Đô Hồ, sắc cho quê hương là Thanh mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch, thờ ông làm "bản cảnh thành hoàng" lưu truyền mãi mãi.
Cùng chống quân Lương như Phạm Tu là lão tướng Triệu Túc (470 - 545). Ông là một trong những vị tù trưởng nổi tiếng của huyện Chu Diên. Khi Lý Bí chiêu tập hào kiệt chuẩn bị khởi nghĩa, Triệu Túc là một trong những người đầu tiên tham gia. Xuất thân là tù trưởng, giàu nghĩa khí, Triệu Túc được Lý Bí rất coi trọng, nhanh chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lý Nam Đế.
Bấy giờ, viên Thái thú Tiêu Tư nhận được tin Triệu Túc về với Lý Bí thì thực sự hốt hoảng. Sau vài trận giáp chiến, tự thấy khó bề chống cự nổi, Tiêu Tư tìm đường chạy trốn về Trung Quốc. Trong những trận đọ sức đầu tiên với quân Lương, Triệu Túc có những đóng góp rất to lớn, được Lý Bí hết mực tin tưởng.
Sau khi Lý Bí lên ngôi hoàng đế năm 544, Triệu Túc được phong là Thái phó. Cùng Tinh Thiều và Phạm Tu, ông chính là một trong ba khai quốc công thần hàng đầu của nước Vạn Xuân thời Tiền Lý.
Theo sử sách, Triệu Túc bị tử trận năm 545 trong kháng chiến chống quân Lương, lúc này ông đã 65 tuổi. Sau thất bại của cuộc giao tranh ở hồ Điển Triệt, Lý Nam Đế đã trao binh quyền cho con trai Triệu Túc là Triệu Quang Phục.
Dưới sự chỉ huy của Triệu Quang Phục, quân ta từng bước chuyển từ thất thế sang ưu thế, từng bước giành những thắng lợi quan trọng. Đến năm 550, ông đánh đuổi được quân Lương về nước, giành lại độc lập cho nước nhà đến năm 602.
Lê Phụng Hiểu (982 - 1059), quê ở Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng (nay thuộc Thanh Hóa). Từ nhỏ, Lê Phụng Hiểu đã ham mê các môn võ thuật, nổi tiếng là đô vật nức tiếng trong vùng, thuộc hạng dũng sĩ "bạt sơn cử đỉnh" như Hạng Vũ, Phàn Khoái ở Trung Quốc. Biết tin, vua Lý Thái Tổ đã phiên vào đội quân túc vệ bảo vệ hoàng thành, sau thăng dần đến chức Vũ vệ tướng quân.
Nhờ có công dẹp loạn tam vương năm 1028, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông đã phong Lê Phụng Hiểu làm Đô thống thượng tướng quân, tước Hầu. Sau này, ông tiếp tục lập được nhiều chiến công cho triều đình, là vị tướng đánh đâu thắng đó, danh tiếng lẫy lừng khắp các nước trong khu vực.
Năm 1044, sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về (lúc này đã 62 tuổi), ông được ban thưởng. Tuy nhiên, Lê Phụng Hiểu chỉ xin nhà vua cho lên núi Băng Sơn ở quê nhà, ném một chiếc đao đi xa, đao rơi ở đâu thì xin lấy chỗ ấy làm mốc để khoanh đất ban thưởng làm sản nghiệp.
Sử sách chép rằng, Lê Phụng Hiểu đã ném đao bay rất xa, được vua ban 100 mẫu ruộng và miễn thuế. Từ sự kiện ấy, nhân dân Ái Châu (Thanh Hóa) gọi ruộng thưởng công là ruộng ném đao - tức "thác đao điền".
Sau khi qua đời, tên tuổi và công trạng của Lê Phụng Hiểu không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng. Nhiều làng xã ở xứ Kinh Bắc, nơi ông từng đóng quân đánh giặc, đã tôn thờ Lê Phụng Hiểu làm thành hoàng.
Đặng Tất (1357 - 1409) quê ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh ngày nay). Sinh thời, ông và con trai là Đặng Dung có công rất lớn giúp quý tộc nhà Trần giành lại quyền lực khi đất nước bị giặc Minh xâm lược.
Sau xâm chiếm nước ta, nhà Minh tăng cường bóc lột, đàn áp nhân dân. Trước thực trạng đau lòng của đất nước, Đặng Tất cùng con là Đặng Dung nổi dậy khởi nghĩa, gia nhập nghĩa quân của Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế) con vua Trần Nghệ Tông.
Cuối năm 1408, lúc này đã hơn 51 tuổi, Đặng Tất vẫn cùng Nguyễn Cảnh Chân chỉ huy quân đội Hậu Trần giành chiến thắng trong trận Bô Cô (Nam Định), giết chết được Thượng thư bộ Binh Lưu Tuấn, Đô ti Lữ Nghị của nhà Minh.
Sau một năm giúp nhà Hậu Trần, Đặng Tất góp sức lập nhiều chiến công to lớn. Tiếc là Giản Định Đế không nhận ra người tài, nghe lời gièm pha kẻ xấu nên đã giết hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Hành động của vua Giản Định Đế chẳng khác nào tự chặt tay mình.
Khi nghe tin cha bị giết giết oan, Đặng Dung vô cùng đau xót, căm phẫn nhưng ông vẫn đặt nợ nước lên đầu, tiếp tục thay cha ủng hộ nhà Hậu Trần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh. Không thể tiếp tục cống hiến cho Giản Định Đế nữa, Đặng Dung rút quân về Hà Tĩnh ngày nay rồi cho người ra Thanh Hóa rước cháu Trần Nghệ Tông là Trần Quý Khoáng về lập làm vua - tức Trùng Quang Đế.
Nguyễn Tri Phương và cái chết lẫm liệt
Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Ông là vị tướng chỉ huy quân đội triều đình chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Nhờ tài năng, Nguyễn Tri Phương đã giúp quân đội nhà Nguyễn chặn đứng bước tiến của quân Pháp ở Đà Nẵng, đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của kẻ thù, buộc chúng phải kéo vào Gia Định. Trong trận chiến bảo vệ thành Hà Nội năm 1873, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và rơi vào tay giặc. Bắt được Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, quân Pháp tìm cách mua chuộc ông.
Tuy nhiên, bỏ qua mọi dụ dỗ của kẻ thù, Nguyễn Tri Phương từ chối thẳng thừng yêu cầu đắp thuốc chữa trị vết thương của chúng, với câu nói nổi tiếng: "Bây giờ nếu ta chỉ lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa". Không chỉ khước từ mọi sự chữa trị của kẻ thù, Nguyễn Tri Phương còn tuyệt thực cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 74.
Sau cái chết lẫm liệt của Nguyễn Tri Phương, nhân dân Hà Thành vô cùng cảm kích trước cống hiến của cha con ông nên đã lập đền Trung Liệt thuộc Gò Đống Đa và Vọng Lâu thành Cửa Bắc để tôn thờ.
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859) cũng là một lão tướng nổi tiếng sử Việt thời phong kiến. Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta năm 1858, Nguyễn Công Trứ bấy giờ ngoài 80 tuổi, vẫn xin vua Tự Đức được ra chiến trường chống giặc giữ nước.