Chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn, Bệnh viện FV TP.HCM đang tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV TP.HCM.
Suy dinh dưỡng đồng hành cùng bệnh nhân ung thư
Theo BS.CK II Lê Hoàng Minh, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Mỗi năm, nước ta có khoảng 76.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Thế nhưng, trong các buổi khám bệnh, rất ít bệnh nhân đề cập đến việc ăn uống thế nào cho hợp lý.
Chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn, Bệnh viện FV TP.HCM cho biết, chế độ dinh dưỡng tốt là một phần quan trọng trong điều trịquá trình chữa ung thư vì cả căn bệnh lẫn phương pháp điều trị có thể thay đổi cách ăn uống cũng như làm ảnh hưởng đến cách cơ thể dung nạp các thực phẩm nhất định và sử dụng các chất dinh dưỡng. Một số tác dụng phụ thường gặp phổ biến cũng có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống là cảm giác ăn không ngon, đau miệng hoặc cổ họng, vấn đề về răng và nướu, thay đổi khẩu vị và cảm nhận mùi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, kiệt sức và trầm cảm.
Ăn đúng loại thực phẩm trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn, duy trì trọng lượng cơ thể và khả năng tích trữ dinh dưỡng của cơ thể, chịu tốt hơn tác dụng phụ do điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng, lành bệnh và phục hồi nhanh hơn.
Nhưng nhiều bệnh nhân và thân nhân không quan tâm lắm đến vấn đề dinh dưỡng mà chỉ tập trung vào quá trình điều trị ung thư. Chỉ khi bệnh nhân bắt đầu giảm cân nghiêm trọng thì họ mới đến gặp chuyên gia dinh dưỡng. Tình hình này làm cho liệu pháp dinh dưỡng dùng để chữa trị phức tạp hơn vì bệnh nhân đã trở nên yếu và suy dinh dưỡng nặng. Vì vậy các bệnh nhân ung thư nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng trước khi tham gia bất kỳ chương trình điều trị nào để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của mình và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng tốt ngay từ đầu để tránh suy dinh dưỡng cũng như tất cả các biến chứng nêu trên và tối ưu hóa kết quả điều trị.
Bệnh nhân nên ăn thế nào?
Biếng ăn là vấn đề thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư. Nguyên nhân đôi khi là do những tác dụng phụ của quá trình điều trị, những thay đổi về khẩu vị và cả về những thói quen ăn uống chưa hợp lý của người bệnh...
Theo chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn, chế độ dinh dưỡng tốt nghĩa là ăn đủ lượng và ăn nhiều loại thực phẩm giúp cung cấp cho cơ thể tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết khi chống chọi với bệnh ung thư. Đối với người khỏe mạnh, việc này dường như không có trở ngại gì. Nhưng với người phải điều trị ung thư, điều này có thể rất khó khăn nhất là trong trường hợp có tác dụng phụ. Vì vậy, bạn có thể cần phải thay đổi chế độ ăn uống và thực hiện những điều hoặc ăn những thứ mà bình thường khi khỏe bạn không nên làm. Ví dụ như ăn nhiều chất béo, thức ăn giàu năng lượng để giữ trọng lượng; Ăn thức ăn lạnh và đặc sệt như kem hoặc sữa khuấy vì lở loét trong miệng và cổ họng có thể khiến bạn khó ăn; Ăn theo bữa nhỏ và thường xuyên trong ngày vì cảm giác ăn không ngon hoặc buồn nôn.
Chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn lưu ý thêm, bạn phải nạp đủ lượng protein, carbohydrate, chất béo, nước, vitamin và khoáng chất. Protein giúp chữa lành mô và chống nhiễm trùng trong điều trị ung thư. Nguồn cung cấp protein là cá, thịt gia cầm, thịt nạc đỏ, trứng, sản phẩm sữa ít chất béo, các loại hạt, đậu, và các loại thực phẩm từ đậu nành; Carbohydrate là nguồn năng lượng của cơ thể cần thiết cho hoạt động thể chất và giúp các cơ quan hoạt động bình thường. Nguồn carbohydrate chủ yếu là từ gạo, khoai tây, mì ống, mì sợi, bánh mì, các loại đậu, ngũ cốc và đồ ngọt (bánh kẹo và nước ngọt); Chất béo quan trọng đối với bệnh nhân ung thư vì cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Chất béo có trong dầu thực vật (tinh dầu ô liu, hướng dương, mè, v.v.), bơ, kem và phô mai; Nước và đồ uống có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Nếu bạn không uống đủ nước, bạn có thể bị mất nước. Hãy uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày hoặc nếu bạn bị nôn mửa hoặc tiêu chảy thì phải uống nhiều hơn nữa. Vitamin và khoáng chất giúp cơ thể hoạt động bình thường bằng cách giúp cơ thể sử dụng năng lượng từ thực phẩm. Khi bạn đang tham gia điều trị ung thư, bạn có thể khó tuân theo chế độ ăn uống cân bằng cung cấp cho bạn tất cả các vitamin và khoáng chất. Trong trường hợp này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về vitamin tổng hợp và khoáng chất bổ sung nhưng đừng dùng nếu không có tư vấn của bác sĩ vì dùng nhiều vitamin và khoáng chất có thể có hại và làm giảm hiệu quả của quá trình hóa trị và xạ trị. Chất xơ giúp điều chỉnh chuyển hóa. Có hai loại chất xơ. Chất xơ không hòa tan giúp đưa chất thải thực phẩm ra ngoài cơ thể nhanh chóng và chất xơ hòa tan kết hợp với nước trong phân giúp phân mềm, ngăn ngừa táo bón và tiêu chảy. Chất xơ có trong rau, trái cây và ngũ cốc tinh.
Tuy nhiên, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người có thể khác nhau. Đó là lý do chúng tôi khuyên bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để biết mục tiêu dinh dưỡng của mình và lập kế hoạch dinh dưỡng trị liệu phù hợp nhất với bạn.